Những bà vợ mang danh "tầm gửi": Không được phép ốm

Bị coi là “vô công rỗi nghề”, những người phụ nữ ở nhà nội trợ mặc nhiên bị coi là “tỷ phú thời gian” và với chồng, gia đình chồng họ thật sung sướng vì không phải làm việc gì cả, họ đang sống bằng đồng tiền mồ hôi của người khác…

Bỏ sự nghiệp tươi sáng để ở nhà chăm chồng, nuôi con

Chị Mai Hạnh (Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) trở thành “người phụ nữ của gia đình” đã được 5 năm. Khoảng thời gian ấy đủ dài để biến một người năng động, từng là trưởng phòng kinh doanh của một công ty liên doanh thành “mẹ sề” đúng nghĩa.

Ban đầu, khi anh Minh Tuấn chồng chị động viên chị nghỉ làm ở nhà chăm lo cho các con, dù không mấy thích việc suốt ngày quanh quẩn bên gian bếp, nhưng nghĩ lại, nếu chị đi làm thì 2 bé sinh đôi con của anh chị sẽ nheo nhóc.

“Tôi cũng nghĩ đến việc thuê người trông con, giúp việc gia đình, nhưng lại nghĩ thêm, nếu thuê người giúp việc lớn tuổi sợ không hợp "gu", nhưng nếu trẻ lại lo mất chồng. Sau khi sinh 2 bé trai được hơn 1 năm tuổi, tôi có ý định đi làm trở lại, nhưng sức khỏe của các bé yếu, hay ốm vặt, thuê người trông nom sẽ không yên tâm. Vậy là đành tiếp tục nghỉ, ở nhà lấy việc chăm sóc chồng con làm sự nghiệp.

Nhiều khi nhìn bạn bè có sự nghiệp riêng, được đi đây đó trong khi mình cả thế giới xoay quanh chồng con, tôi thấy buồn lắm. Nhất là thời gian gần đây, công việc của chồng không được thuận lợi, hàng ngày về nhà vợ chồng thường xuyên cãi cọ. Chồng kêu tôi là đồ “của nợ”, chả giúp được gì. Mẹ chồng tôi cũng bóng gió nói rằng tôi ăn bám chồng, không công ăn việc làm.

Dù không đi làm, nhưng những việc hàng ngày của tôi cũng đâu có ít. Những ngày này, con thì nhỏ, hay quấy ốm, chồng đi thì chớ về đến nhà lại vùng vằng khó chịu, lại thêm mẹ chồng xét nét. Nhiều lúc cơ thể không khỏe, muốn lười một chút mà bị nhà chồng mát mẻ "mỗi việc ngồi mát ăn bát vàng và cũng nay kêu ốm mai nói mệt", tôi cảm thấy thực sự mệt mỏi”, chị Hạnh tâm sự.

Dù không đi làm, nhưng lượng công việc hàng ngày của những phụ nữ ở nhà chăm sóc gia đình không hề ít.

Thoát kiếp "tầm gửi"

Con giun xéo mãi cũng quằn, dù nhẫn nhịn để gia đình êm ấm, hòa thuận, nhưng đến một ngày chị Hạnh đều không thể

Chị Hạnh nhẫn nhịn được một thời gian thì anh Tuấn đi cặp bồ lung tung bên ngoài. Lương cao, hàng tháng chồng chị Hạnh chỉ đưa vợ 5- 6 triệu nên số tiền còn lại của anh khá nhiều. Tiền đó, anh Tuấn dùng để cung phụng cho các cô bồ, mua sắm cho bản thân mình và gửi tiết kiệm. Chị Hạnh từ lâu đã biết hết những việc làm của chồng nhưng chị bảo “mắt không thấy thì tim không đau”, chị nhẫn nhịn để giữ hạnh phúc.

“Tôi thấy mình sai lầm ghê gớm và tôi muốn sửa chữa những sai lầm đấy trước khi quá muộn. Tôi bắt đầu lên kế hoạch đi làm lại mà không cho chồng biết. Ban đầu, tôi kinh doanh online để quen dần với việc đi làm trở lại và có thời gian chăm con. Đến khi hai bé con đi học, tôi nộp hồ sơ đến một vài công ty và may mắn được một công ty cách nhà 2km nhận vào làm ở phòng kinh doanh. Vì chồng tôi đi sớm về muộn và còn bận với mối quan tâm khác ngoài vợ nên chuyện tôi đi làm anh ấy không hề hay biết", chị Hạnh kể.

Sau nửa năm đi làm, chị Hạnh khẳng định được năng lực của mình, cấp trên đề bạt làm trưởng nhóm phụ trách công việc kinh doanh của công ty ở một số tỉnh phía Bắc, nhờ đó chị có thu nhập tương đối ổn. Khi chồng và gia đình nhà chồng biết chị có thể kiếm tiền, có thể tiến xa hơn trong sự nghiệp thì họ cũng không còn nhìn chị với ánh mắt khinh thường nữa.

"Đặc biệt, vì làm phòng kinh doanh nên tôi phải chăm chút vẻ ngoài của mình hơn, tôi mua thêm nhiều quần áo hợp thời trang, học cách trang điểm và đi spa chăm sóc da, vóc dáng. Thấy sự thay đổi của vợ, chồng tôi đâm sợ mất vợ. Từ đó anh ấy quan tâm đến tôi nhiều hơn, dần lạnh nhạt rồi chia tay với người phụ nữ kia. Đôi lúc vợ chồng vẫn xảy ra bất đồng quan điểm nhưng chồng không nói những lời khinh thường vợ như trước”, chị Hạnh cho biết.

PHONG LINH

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nhung-ba-vo-mang-danh-tam-gui-khong-duoc-phep-om-a338412.html