Những 'bác sĩ' ở thôn, bản

Không làm việc trong các bệnh viện, cũng chẳng được khoác lên mình áo blouse trắng song đội ngũ y tế thôn, bản, tổ dân phố (gọi tắt là y tế thôn) luôn nỗ lực, trở thành cánh tay nối dài của ngành Y tế. Đối với họ, việc chăm sóc sức khỏe người dân không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình làng nghĩa xóm.

Tận tụy vì sức khỏe người dân

Có mặt tại Trạm Y tế xã Đại Sơn (Sơn Động) những ngày cuối tháng 4, trao đổi với bác sĩ Lăng Văn Ái, Trưởng Trạm Y tế xã, chúng tôi phần nào hiểu được nỗi vất vả của những nhân viên y tế (NVYT) thôn tại xã đặc biệt khó khăn này. Địa bàn xã khá rộng, có thôn cách trung tâm xã gần 10 km, dân cư sống rải rác nên NVYT thôn ở đây khá vất vả. Ngoài những công việc phát sinh, dự các buổi giao ban, tập huấn, họ phải hướng dẫn người dân từ việc phòng dịch đến chăm sóc sức khỏe bản thân hằng ngày.

Chị Lăng Thị Tời (thứ hai từ phải qua), NVYT thôn Nam Sơn, xã Đại Sơn (Sơn Động) phối hợp với cán bộ Trạm Y tế xã Đại Sơn tuyên truyền về "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024" đến người dân.

Mới đây, tại thôn Nam Sơn (xã Đại Sơn) có hai trường hợp bị bệnh lao song vẫn tin vào thầy cúng, không đi điều trị. Biết sự việc, chị Lăng Thị Tời, NVYT thôn Nam Sơn nhiều lần đến nhà người bệnh phổ biến kiến thức về bệnh lao cũng như nguy cơ lây lan cho cộng đồng, gia đình. Được tuyên truyền, hai bệnh nhân đã nghe ra, đến cơ sở y tế khám, uống thuốc điều trị.

Tương tự, gần 5 năm nay, chị Lê Thị Hà, NVYT thôn Đồng Chanh (xã Đại Sơn) duy trì việc gọi điện thoại, thậm chí đến từng nhà nhắc các gia đình đưa trẻ em ra Trạm Y tế xã tiêm các loại vắc-xin phòng bệnh đúng lịch. “Là người địa phương, đội ngũ y tế thôn hiểu rõ văn hóa, phong tục, tập quán của bà con mình nên hiệu quả tuyên truyền cao. Nhiều vấn đề về sức khỏe trước đây các hộ thường mời thầy cúng thì nay bà con đã biết tìm đến Trạm Y tế xã khám bệnh" - bác sĩ Lăng Văn Ái cho biết.

Hiện 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh có NVYT với hơn 2 nghìn người. Bằng trách nhiệm của mình, họ có đóng góp không nhỏ trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm nay, ông Nghiêm Xuân Trúc, thôn Khánh Vân, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) 65 năm tuổi song đã có 39 năm làm NVYT thôn. Có kiến thức về ngành y nên mỗi khi có dịch bệnh, đợt cao điểm của ngành Y tế, ông lại cần mẫn đến từng ngõ, từng nhà để tuyên truyền. Ông bám sát địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các hành vi vi phạm trong lĩnh vực y tế.

Mới đây, từ thông tin ông cung cấp, cơ quan chức năng lập biên bản, yêu cầu một hộ phải dừng kinh doanh, buôn bán thuốc tân dược do chưa có giấy phép. Cuối năm 2023, ông ngăn chặn một nhóm người đến địa phương quảng bá, bán các loại thực phẩm chức năng khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép.

Ở xã Hồng Kỳ (Yên Thế), hơn 10 năm nay, người dân đã quen với hình ảnh chị Lê Thị Minh, NVYT bản Cầu Tư đến từng nhà để cân kiểm tra sức khỏe của trẻ nhỏ, thăm hỏi bệnh tình người già; vận động sinh đẻ có kế hoạch, nhắc lịch tiêm chủng, khám thai định kỳ; tổ chức các buổi truyền thông... Nhờ được tuyên truyền, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng trong bản luôn đứng đầu xã, đạt 100%; tất cả phụ nữ mang thai được quản lý thai nghén, 95% hộ sử dụng nước sạch, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ

NVYT thôn có nhiệm vụ hỗ trợ trạm y tế các xã thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ngay tại cơ sở. Những năm qua, đội ngũ y tế thôn giữ vai trò quan trọng trong thực hiện các chương trình về y tế, giúp ngành tổ chức hiệu quả các hoạt động nâng cao sức khỏe, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, tăng tỷ lệ tiêm chủng mở rộng và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trong cộng đồng. Mặc dù đảm đương nhiều nhiệm vụ trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân tại địa phương song do mức phụ cấp thấp nên một số nhân viên chưa yên tâm công tác, chưa thể hiện rõ trách nhiệm.

Cán bộ Trạm Y tế xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) hướng dẫn NVYT thôn cách phòng bệnh thời điểm giao mùa.

Theo Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐND ngày 11/7/2018 của HĐND tỉnh quy định chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố, mỗi thôn, tổ dân phố chỉ được bố trí không quá 3 người hoạt động không chuyên trách để đảm nhiệm 6 chức danh, trong đó có chức danh NVYT thôn. Thực hiện nghị quyết này, nhiều NVYT thôn đã được đào tạo nhưng không đủ điều kiện để đảm nhận thêm các chức danh khác, buộc phải nghỉ.

Hầu hết những người mới được giao kiêm nhiệm NVYT lại chưa đạt chuẩn về chuyên môn, cần được đưa đi đào tạo ngắn hạn. Tại huyện Yên Thế, trong số 197 NVYT thôn chỉ có 64 người có chứng chỉ đào tạo theo quy định. Hay như tại huyện Hiệp Hòa, toàn huyện còn 34 NVYT thôn chưa đạt chuẩn. Anh Trương Văn Đáp, thôn Sau, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa) cho biết: “Cùng với chức danh công an viên, tôi kiêm thêm vai trò NVYT thôn. Do chưa đạt chuẩn chuyên môn về y tế, chủ yếu mới tham gia các đợt tập huấn nên tôi gặp khó khăn trong công việc, nhất là kỹ năng sơ cứu, xử lý vết thương ban đầu cho người bệnh”.

Nhằm nâng cao chất lượng NVYT thôn, cuối năm 2023, UBND tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo NVYT thôn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2023-2025, các địa phương trong tỉnh dành hơn 3,2 tỷ đồng để mở các lớp đào tạo nghề 3 tháng cho 1.110 NVYT thôn. Trong đó, TP Bắc Giang và thị xã Việt Yên bảo đảm 100% kinh phí đào tạo; các địa phương còn lại, UBND tỉnh hỗ trợ 50%. Đến nay, thị xã Việt Yên đã mở lớp đầu tiên với 67 NVYT thôn tham gia; các địa phương khác đã hoàn thành việc đăng ký, dự kiến khai giảng trong thời gian tới.

Trong Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2023-2025, UBND tỉnh dành hơn 1 tỷ đồng đào tạo, thu hút nhân lực y tế cơ sở. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Việc mở lớp đào tạo NVYT thôn góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu thực tế cũng như bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Cùng với các lớp đào tạo, Sở chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, TP thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng cho đội ngũ NVYT thôn, giao các trạm y tế quản lý, hướng dẫn theo phương châm “cầm tay chỉ việc” đối với đội ngũ này”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nhung-bac-si-o-thon-ban-103213.bbg