Những bài thuốc hay chữa say xe

Có rất nhiều người gặp phiền toái, ảnh hưởng công việc, sinh hoạt… vì chứng say tàu xe. Hiện nay có nhiều biện pháp cả dùng thuốc lẫn không dùng thuốc lưu truyền trong dân gian để chống say tàu xe.

Chúng tôi cũng xin nêu ra đây một vài biện pháp để mọi người tham khảo. Riêng những người hay bị say tàu xe lại có tiền sử bệnh tim mạch hoặc tiêu hóa, nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi xuất hành để có những biện pháp hỗ trợ thích hợp. Biện pháp không dùng thuốc Những người hay say tàu xe khi đi nên thực hiện theo một số lời khuyên sau: Đi tàu - thuyền thì tìm chỗ ngồi nơi thoáng mát, ngoài trời. Nếu phải di chuyển trong thời gian lâu thì nên tìm chỗ ngồi phía giữa thân tàu vì chỗ này ít bị chòng chành nhất. Trên máy bay thì tốt nhất nên chọn chỗ ngồi giữa hoặc trên cánh, tránh ngồi phần đuôi máy bay. Trên ôtô - xe lửa thì nhìn phong cảnh trước mặt, không nên nhìn sang hai bên. Ngồi cạnh cửa sổ, mở cửa kính để có gió. Một số tài liệu Đông y đưa ra phương pháp chống say tàu xe bằng tượng số bát quái. Cách chữa là khi đi tàu xe thì tập trung đọc nhẩm dãy số "720.640". Điều này được giải thích khi nhẩm đọc dãy số 720.640 là nhằm vận dụng phối hợp một số quy luật của khí công, chu dịch và y học truyền thống. Theo tượng số bát quái, số 7 là tượng số ứng với dạ dày thuộc dương thổ, số 2 là tượng số thuộc kim ứng với ruột già. Nhẩm đọc 720 sẽ gây ra hiệu ứng thuận khí ở kinh Dương Minh. Trong liệu pháp tượng số, khi nhẩm đọc một nhóm số, khí của con số trước sẽ chuyển cho khí ứng với con số sau. Như vậy, khi nhẩm đọc 720, khí ở kinh Dương Minh thay vì nghịch lên phía trên sẽ chuyển thuận xuống vùng ruột già theo quy luật tương sinh (Thổ sinh Kim). Do đó, đối với chống say tàu xe, nhóm số 720 là số chính. Ngoài ra, số 6 là tượng số của Thận, số 4 là tượng số của Can, nhóm số 640 thêm vào có tác dụng dưỡng huyết, bổ Can Thận âm. Một trong những lý do của hư Hỏa, của khí nghịch là âm hư. Ở đây, dùng 640 với mục đích bổ âm để tàng dương. Biện pháp dùng thuốc Thuốc kháng phó giao cảm (kháng cholinergic): Khi bị cường phó giao cảm, cơ trơn sẽ co thắt, nhu động và vận động tiêu hóa mạnh lên, dịch tiết tiêu hóa tăng gây buồn nôn, nôn. Thuốc kháng cholinergic chống lại hiện tượng này và thường dùng là Scopolamin (biệt dược uống là Aeron, biệt dược dán trên da là Transderms scop). Tác dụng phụ hay gặp: khô miệng, buồn ngủ, mất định hướng (không dùng khi điều khiển máy móc)... Không nên dùng miếng dán cho trẻ em. Thuốc chống dị ứng (kháng histamin): Histamin tiết ra quá mức sẽ gây say, nôn. Có thể dùng các kháng histamin để chống lại. Thuộc nhóm này có: Meclizine (biệt dược: Antivert, dramamine less drowsy): Dùng chống say tàu xe. Tác dụng phụ: buồn ngủ, khô miệng, nhìn mờ, táo bón, rối loạn tâm thần. Diphenylhydramin (biệt dược tiêm: Benadryl injection, biệt dược uống: Nautamine). Thuốc điều chỉnh rối loạn chức năng tiêu hóa: thuốc ngăn chặn dopamin ngoại biên, làm thay đổi chức năng dạ dày, ruột nên có tính chống nôn. Thường dùng: Domperidone: Biệt dược là Motilium, Peridys, dưới dạng viên nén, thuốc cốm sủi bọt (dành cho người lớn), hỗn dịch uống (dành cho trẻ em, trẻ còn bú). Vì thuốc chuyển hóa qua gan thận nên phải hết sức thận trọng khi dùng cho người suy gan, thận. Gần đây, người ta phát hiện thấy domperidon gây hiện tượng xoắn đỉnh (có thể gây đột tử) nhất là khi dùng chung với một số thuốc (như erythromycin, clarithromycin). Metoclopramide: Chống nôn mạnh, có loại chỉ dùng cho người lớn, có loại thuốc giọt, thuốc đạn (dành cho trẻ em). Dược thảo: Nên dùng gừng trong chống nôn, say tàu xe vì có tác dụng không kém so với thuốc hóa dược, không có tác dụng phụ, dùng được cho người có thai. Trước khi khởi hành khoảng 30 phút nên dùng một khúc gừng tươi bằng cỡ ngón tay cái, gọt bỏ vỏ, rửa sạch, giã nát hoặc nhai nát rồi uống với một cốc nước ấm. Trong suốt hành trình, thỉnh thoảng nên ngậm trong miệng một lát gừng mỏng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/khcn/2010/3/126885.cand