Những bàn tay trong gian khó

Có hai điều ai cũng có thể nhận thấy ngay khi lần giở 50 BCTN đạt giải năm nay.

Thứ nhất, đã không còn nhiều những hình ảnh biểu tượng cho niềm lạc quan phơi phới hay tham vọng vươn cao, vươn xa, kiểu như cánh chim bằng tung cánh giữa trời hay đoàn tàu lừng lững vươn khơi… như những mùa báo cáo trước. Thay vào đó là những hình ảnh về hoạt động sản xuất - kinh doanh, những câu chuyện cụ thể về sự tồn tại của DN trong một viễn cảnh chung không nhiều màu sáng.

Thứ hai, đó là sự lặp đi lặp lại trong nhiều BCTN hình ảnh những bàn tay nắm chặt, những cái mỏ neo chắc chắn hay là sợi dây chuông cảnh báo đầy thận trọng.

Cũng như trong cuộc đời mỗi con người, cả hai câu chuyện đều nói lên một điều, khi đã trải qua nhiều những bầm dập, những lo toan, ta sẽ càng bớt đi những ước mơ xa vời. Và trong gian khó, ta có thiên hướng quay về những giá trị xưa cũ và tìm đến nhau để có chỗ dựa về tinh thần, về vật chất, hoặc đơn giản chỉ để thấy lòng ấm áp hơn.

Thế nhưng, nếu vì gian khó mà ngại ước mơ thì cũng chẳng khác gì ta sợ vi trùng mà không dám hít thở. Hãy cùng Đặc san Báo cáo thường niên tốt nhất điểm lại những hình ảnh ấn tượng trong mùa BCTN năm nay.

Từ hình ảnh những bàn tay cùng nhau nâng niu ươm mầm phát triển của CTCP Xây dựng Bình Chánh hay cái bắt tay đối tác trong BCTN của Ngân hàng Eximbank - tất cả đều tượng trưng cho thông điệp về sự gắn bó và đoàn kết

Từ hình ảnh những bàn tay cùng nhau nâng niu ươm mầm phát triển của CTCP Xây dựng Bình Chánh hay cái bắt tay đối tác trong BCTN của Ngân hàng Eximbank - tất cả đều tượng trưng cho thông điệp về sự gắn bó và đoàn kết

Cầu vồng sau mưa là hình ảnh lạc quan xuất hiện trong BCTN của Tập đoàn Bảo Việt. Người ta vẫn bảo, muốn thấy cầu vồng thì phải biết chấp nhận những cơn mưa. Nhưng năm qua, mưa gió có vẻ như không ảnh hưởng lắm đến Bảo Việt, dù với mảng nhân thọ, DN này là “chiến binh nội địa” duy nhất cạnh tranh với 14 chiến binh ngoại và liên doanh. Sự lạc quan của Bảo Việt được tiếp thêm khí thế khi năm 2012, đối tác ngoại HSBC dẫu rời đi, nhưng thế chân cũng là một đại gia bảo hiểm không kém phần bề thế Sumitomo

Nhìn logo trên áo chàng trai này, ai cũng biết đó là nhân viên của FPT. Một hình ảnh khá bình thường, nhưng tôi tin nó có nhiều ngụ ý, bởi tấm ảnh này xuất hiện ngay trang kế tiếp và không kém phần trang trọng so với hình ảnh của ông Trương Gia Bình - người lĩnh xướng của FPT. Tin vào giới trẻ, đặt họ vào trung tâm của mọi chiến lược có thể là một thông điệp. Nó đặc biệt có ý nghĩa bởi hình ảnh ấn tượng được giới thiệu trong BCTN năm ngoái của tập đoàn này là tảng đá 10 cân được vị cựu CEO tặng người kế nhiệm, nhưng cả hai nay đều đã trở thành cựu. Và cái bóng của người đi trước vẫn đổ dài…

Ông Chủ tịch Lê Chí Hiếu của Nhà Thủ Đức vốn là người ưa triết lý, thích Kinh Dịch, thích Đạo Đức Kinh... Ông không nhận mình là người giàu mà chỉ muốn làm “người hiền”, thách thức với ông không phải là lợi nhuận mà là chỉ số hạnh phúc của nhân viên, sự trưởng thành của DN. Kinh doanh bất động sản năm qua như người “làm xiếc trên dây”, nên ông tâm niệm, “triết lý về sự chuyển dịch giúp tôi rèn luyện kỹ năng sống giống như nước: mềm mại, linh hoạt, uyển chuyển, khiêm tốn…”. Cái mầm cây mọc giữa hoang mạc khô cằn, nứt nẻ, dẫu vô tri nhưng cũng có thể nói lên đầy đủ triết lý về sự chuyển dịch ấy.

Quả chuông và sợi dây neo này đều là hình ảnh trong BCTN của Ngân hàng Á Châu. Đúng là năm qua, con thuyền ACB có những lúc tròng trành, nghiêng ngả. Thủy thủ đoàn cũng mất mát một vài trong những người thiện chiến. “Hồi chuông cảnh tỉnh” dù có hơi muộn và nặng nề, nhưng dù sao nó đã giúp người trong cuộc neo lại con thuyền ACB để tìm một hải trình ít sóng gió hơn.

Một cái nhẫn kim cương rất hoàn hảo đặt trên những tảng than đá là trang bìa BCTN của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Kim cương và than chì chỉ là hai dạng thù hình khác nhau của carbon, những chắc không ai “dám” so sánh giá trị của hai khoáng chất này. Vươn tới sự khác biệt về đẳng cấp là thông điệp mà PNJ muốn nói đến

Trong thời khó khăn, đâu là chìa khóa để kinh doanh không Phát thì ít nhất cũng Hòa? Cái chìa khóa này nếu có thì chắc là với giá nào (miễn là có thể), các ông chủ DN Việt cũng mua, chứ không riêng gì ông Chủ tịch Trần Đình Long của Tập đoàn Hòa Phát.

Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Cuộc bình chọn BCTN năm nay có một giải thưởng tôn vinh DN phát triển bền vững. Hướng tới trách nhiệm xã hội, trong đó có một phần từ các hoạt động thiện nguyện, chính là cách đầu tư bền vững nhất cho tương lai. Chắc không riêng gì Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội, mà các DN đã và đang có rất nhiều hành động cụ thể hóa điều này.

Bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch Dược Hậu Giang lại được coi là người thật thà, đơn giản. Bà bảo mình thành công “toàn là nhờ may mắn” và “may được nhân viên thương”, chứ không hiểu biết nhiều về chiến lược này, tầm nhìn kia. Lại vốn xuất thân dược sĩ nên bà chả dám bon chen chứng khoán, bất động sản… mà chỉ có thuốc và thuốc, Công ty dư hơn ngàn tỷ thì gửi ngân hàng lấy lãi. Nhưng “Khôn ngoan chẳng lọ thật thà” nên mũi tên dược phẩm của DN này trước giờ vẫn bắn trúng hồng tâm.

Hình ảnh này của CTCK Sài Gòn chắc chắn không phải là cái bắt tay giữa các đối tác. Đó là sự chung tay, đoàn kết và biểu thị sự quyết tâm của những người trong “một gia đình”.

Con số 13 để ghi dấu thời điểm Cuộc bình chọn BCTN lần thứ 6 diễn ra. Xin được kết thúc phần bình chọn "Ấn tượng từ những hình ảnh" trong mùa BCTN năm nay bằng những nụ cười trẻ thơ trong BCTN của PV Drilling. Trẻ thơ luôn là tương lai và những nụ cười của chúng luôn khiến ta nhẹ lòng, dù cuộc sống xung quanh vẫn bộn bề gian khó.

Chủ đề BCTN năm nay của Gỗ Trường Thành là “Thuyền trong bão lớn”. Nhìn vào hình ảnh này, ta toàn thấy bão mà ít thấy thuyền. Những năm qua, đã có rất nhiều con thuyền rơi rụng trong bão, để những thủy thủ đoàn còn lại giữ vững tay chèo, họ không chỉ cần thuyền trưởng giỏi mà phải có niềm tin rằng, đã có bàn tay nhà nước chìa ra trong gian khó, hoặc ít nhất là “đội cứu hộ” đang lên đường ra khơi.

Lại là những cái nắm tay rất chặt. Nhìn hình ảnh này trong BCTN của CTCP Nhựa Sài Gòn, chắc nhiều người liên tưởng đến tác phẩm “Gắng sống đến bình minh” của văn hào người Nga Vaxin Bưcốp. Nền kinh tế đã bắt đầu ló rạng những gam màu sáng, nhưng để đợi đến lúc “nắng lên” xua tan cái lạnh lẽo, hơi ấm từ những bàn tay có thể khiến người ta vững tâm hơn.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/DJGHCH/nhung-ban-tay-trong-gian-kho.html