Những biến chuyển tích cực từ người học

GD&TĐ - Hơn trăm trường ĐH, CĐ tuyển bổ sung số lượng lớn, kể cả các trường khối ngành Quân đội phải xét tuyển bổ sung hơn trăm nghìn thí sinh.

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng theo nhận định của nhiều thầy cô giáo, hiệu trưởng các trường THPT thì đây là hiệu ứng tốt, đang phản ánh một thực tế là xã hội đã có những biến chuyển tích cực. Nhiều phụ huynh và thí sinh không còn quá nặng nề với việc bằng mọi giá phải vào một trường đại học, thay vào đó, họ có thể chọn lựa một trường nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Xuân Nghị - Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp:

Trong đợt xét tuyển ĐH, CĐ đầu tiên năm 2016 này, thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào 2 trường và không được thay đổi nguyện vọng. Các trường không được cập nhật và công khai tình hình thí sinh đăng ký xét tuyển. Kết quả là nhiều thí sinh có điểm trên 20 đã trúng tuyển cả hai đại học, tất nhiên các em sẽ chọn lựa những trường, ngành mà mình yêu thích nhất.

Điều đáng nói ở đây là việc cho đăng ký tối đa 4 nguyện vọng giúp thí sinh tăng cơ hội chọn trường, chọn ngành mình mong muốn. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh là để đảm bảo quyền lợi của thí sinh thì các trường phải chấp nhận tỷ lệ ảo, đây là điều mà Bộ cũng đã có ý kiến và các trường cũng đã đồng ý chấp nhận nhận phần vất vả về mình.

Cũng nên biết rằng, nếu năm 2015, số thí sinh dự thi THPT quốc gia là hơn một triệu, nhưng năm nay số này giảm xuống còn hơn 870.000 (giảm khoảng 12%). Trong đó có tới 519.000 em thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (chiếm 70%), số còn lại chỉ để xét tốt nghiệp. Con số này cũng nói lên một điều là thí sinh và gia đình có những tính toán khác.

Họ đã không còn quá quan trọng việc con em mình phải vào một trường đại học nào đó. Thay vào đó có thể chọn một trường nghề. Thêm nữa, thực tế cũng chứng minh những tính toán của người dân đang là phù hợp bởi các số liệu thống kê đưa ra cho thấy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp các trường đại học chưa có việc làm khá cao. Trong khi đó, lao động tốt nghiệp các trường nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp lại có điều kiện việc làm tốt hơn.

Ông Nguyễn Văn Tuế - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh:

Quảng Ninh là một tỉnh miền núi Đông Bắc, với đặc thù đa dạng về dân cư và dân tộc, điều kiện kinh tế – xã hội, được ví như một Việt Nam thu nhỏ nên nhu cầu học tập trong nhân dân cũng hết sức phong phú và đa dạng. Nhiều năm nay, chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh này được nâng cao rõ rệt, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học ngày càng lớn.

Năm 2016, theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT toàn tỉnh Quảng Ninh có 14.444 học sinh đăng kí dự thi. Tuy nhiên, có một ghi nhận là nhận thức trong nhân dân cũng đã đổi thay, có nhiều thí sinh và gia đình đã chọn lựa các trường cao đẳng nghề thay bằng vào đại học.

Tôi xin được dẫn chứng ở Kỳ thi THPT quốc gia 2016 vừa diễn ra, tại cụm thi đại học tổ chức ở TP Uông Bí có 5.967 học sinh, chiếm 41,29% so với tổng số thí sinh đăng kí dự thi toàn toàn tỉnh. Trong đó, số thí sinh đăng ký dự thi vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ là 5.177 (chiếm 35,8%). Số thí sinh đăng ký chỉ thi để xét tuyển sinh ĐH, CĐ là 790 học sinh (chiếm 6,7%) so với tổng số thí sinh đăng kí dự thi toàn tỉnh.

Còn tại cụm thi tốt nghiệp, số thí sinh đăng ký dự thi chỉ xét tốt nghiệp là 8.477 em (chiếm 58,71%) so với tổng số thí sinh đăng kí dự thi toàn tỉnh. Kết quả này đã phản ánh đúng tâm lý của thí sinh, việc số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp có tỷ lệ cao, đặc biệt là số này tăng nhiều hơn ở những huyện miền núi, hải đảo, vùng dân tộc ít người. Điều này cho thấy công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông đang được thực hiện rất hiệu quả.

Ông Vũ Văn Hoa – Hiệu trưởng Trường THPT Bãi Cháy, Quảng Ninh:

Chúng ta nên vui với việc thí sinh và gia đình không quá nặng nề với việc phải bắt con em mình vào bằng được một trường đại học nào đó. Thực tế đã chứng minh đại học là con đường duy nhất để vào đời. Việc này liên quan đến thực chất tỷ lệ nhập học của thí sinh trong đợt 1 xét tuyển ĐH, CĐ vừa qua.

Nếu nhiều ý kiến, phần đông là của các trường ĐH khi thấy tỷ lệ nhập học ở đợt 1 thấp thì nói là tỷ lệ ảo cao. Tôi lại cho rằng, tỷ lệ nhập học thực chất là phản ánh thí sinh mong muốn vào học một trường cụ thể nào đó. Đợt xét tuyển đầu tiên, Bộ đã cho thí sinh 4 nguyện vọng ở 2 trường, nhiều thí sinh đã lựa chọn những trường có thương hiệu, phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình.

Trong thời buổi công nghệ thông tin đến tận ngõ ngách, từ hải đảo cho đến vùng núi cao, bất kể đâu cũng có thể tham khảo những thông tin về việc làm và học hành. Khi gia đình nào đó có con em đến tuổi trưởng thành thì họ không thiếu kênh thông tin để tham khảo nên theo học ngành, nghề gì để ra trường có việc làm, đây là ưu tiên đầu tiên của nhiều gia đình.

ường phổ thông cũng đang ngày một hiệu quả. Kết hợp 2 lý do trên, tôi cho rằng, hơn ai hết thí sinh và gia đình sẽ quyết định chọn trường nào và đi học ở đâu, đó là vấn đề của thí sinh chứ không phải nhà trường quyết định thay được.

Ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định:

Thí sinh nhập học trường nào là quyền chọn lựa của họ, như ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tất nhiên các em sẽ chọn những trường tốp đầu. Tôi cho rằng thí sinh sẽ lựa chọn theo thương hiệu và uy tín chất lượng, của các trường.

Khi có nhiều trường ĐH, CĐ và nhiều chỉ tiêu đào tạo, điều này cũng đồng nghĩa với việc người học có nhiều cơ hội lựa chọn nơi học, tất nhiên sẽ đặt các trường ĐH, CĐ vào thế cạnh tranh cao, không có cách gì khác các trường phải nỗ lực tự khẳng định thương hiệu của mình để sao cho thí sinh ưu tiên lựa chọn trường mình. Dù muốn hay không thì các trường phải chấp nhận điều đó, không thể có mệnh lệnh hành chính nào buộc được người học vào trường mà họ không muốn.

Năm nay, việc có nhiều học sinh tốt nghiệp THPT chuyển hướng sang học nghề là điều đáng mừng. Điều này cho thấy công tác phân luồng, hướng nghiệp đã phát huy hiệu quả. Như ở Nam Định, quan điểm của Sở chỉ đạo các nhà trường là phải đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, đặc biệt là với học sinh lớp 12.

Các thầy cô giáo phải có trách nhiệm tư vấn để học sinh hiểu rằng năng lực học tập của mình thế nào, nên chọn trường ĐH, CĐ nào cho phù hợp, có nhất thiết phải học đại học không hay là chọn cao đẳng và trường nghề.

Thực tế cho thấy qua hoạt động tư vấn hướng nghiệp ở các trường THPT cho thấy xu hướng lựa chọn cho tương lai của học sinh đang chuyển biến theo chiều tích cực. Nhiều học sinh và gia đình đã lựa chọn hướng đi khác phù hợp với năng lực, hoàn cảnh của mình, chứ không nhất thiết vào đại học.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nhung-bien-chuyen-tich-cuc-tu-nguoi-hoc-2238793-b.html