Những cảm xúc Theo gió trăng ngàn

Mặc dù đã khá nổi tiếng lâu nay với các truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, bút ký, tiểu phẩm, kịch, nhất là về bộ đội, thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, nhưng gần đây, Châu La Việt mới trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là một sự ghi nhận, đánh giá xứng đáng cho quá trình lao động nghệ thuật và những sáng tác của anh, từ thuở là một chiến sĩ trong các đội Tuyên văn ở chiến trường.

Tôi hiểu, dù thơ - truyện - kịch của anh luôn luôn âm vang "tiếng kèn xung trận" của thế hệ thanh niên khi đó, tự nguyện và mê say lý tưởng, song với riêng tôi, những thiên đoản văn in đậm dấu ấn Châu La Việt lại gây nhiều cảm xúc hơn cả. Và tôi tin rằng, đó sẽ là thứ có thể lưu giữ được lâu dài.

Mới đây nhất, Châu La Việt ra mắt tập ký Theo gió trăng ngàn (Nhà xuất bản Văn học 2016). Cầm tập sách của anh trên tay mà rưng rưng cảm động. Người đọc dễ dàng nhận ra chất thơ cuộc sống được anh phát hiện bằng một trái tim nhạy cảm, đồng thời cũng tìm thấy nhiều tính kịch căng thẳng và bao chi tiết nghệ thuật quý. Ở Theo gió trăng ngàn, người đọc có thể tìm thấy âm hưởng xa gần những thiên hồi ký, tùy bút của các nhà văn Xô-viết nổi tiếng một thời như:Chiếc khăn màu lửa, Hoàng hôn cháy, Hoa xoan tháng ba, Con ngựa hoang, Cánh đại bàng của núi, Người mà cậu nợ,... Ở đó, các số phận và tâm trạng được đặt trong một cấu trúc đầy kịch tính như một tác phẩm sân khấu hay điện ảnh, nhưng lại khác ở chỗ đó là sự thật chứ không phải hư cấu.

Tình yêu với các nghệ sĩ Việt Nam, trong đó có những người thân yêu nhất của Châu La Việt đã giúp anh chớp được những khoảnh khắc bất thần kỳ lạ, để tạo ra những thiên đoản văn mang dáng dấp cổ điển. Tôi cũng thầm mong, một lúc nào đó anh sẽ cho chuyển thể một trong những đoản văn đó như: Chiếc khăn màu lửa hayHoàng hôn cháy trở thành kịch bản phim truyện đậm tính nhân văn Việt Nam.

Đọc Theo gió trăng ngàn, có nhiều đoạn tôi đã phải dừng lại cho cảm xúc dồn nén được tuôn trào trước những nghĩa tình cao đẹp của con người Việt Nam ta trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, gian truân mà hào hùng và thấm thía đau xót khi giờ đây chúng đang bị mai một dần đi. Phải chăng, đó cũng là một động lực để Châu La Việt dày công thu thập, viết hoàn chỉnh “những mẩu chuyện long lanh như kim cương" (chữ dùng trong sách) của một thời? Những mẩu chuyện đó, những "ký họa" chân dung đó không chỉ có sự suy tưởng trang nghiêm, sự xúc động sâu sắc, mà còn có cả nụ cười hóm hỉnh, óc hài hước, sự quan sát tinh tường của tác giả. Tôi tin người đọc sẽ biết ơn anh bởi anh đã lôi cuốn họ một cách không thể cưỡng nổi vào cảm xúc nồng nàn của tình cha con, tình thầy trò, tình bạn, nhất là mỗi khi anh viết về người mẹ là nghệ sĩ - ca sĩ nổi tiếng Tân Nhân...

Không phải ngẫu nhiên mà Châu La Việt đưa lên đầu sách bài ký Theo gió trăng ngànvà lấy nó làm tiêu đề cả sách, kể về cố đạo diễn, GS, TS Đình Quang, người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ sân khấu - điện ảnh (trong đó có Châu La Việt và tôi). Với những cảm nhận và hiểu biết sâu sắc về người thầy của mình, tác giả đã thể hiện được phần nào những suy nghĩ của một người thầy, một nghệ sĩ lớn, một nhà nghiên cứu nghệ thuật suốt cuộc đời và sự nghiệp đã gắn bó với tình yêu dân tộc, tình yêu đất nước.

Ấn tượng nhất với tôi trong tập sách này là câu chuyện mà Châu La Việt kể về nhạc sĩ Vũ Huy Tiến, người ôm mộng viết nhạc kịch từ năm 17 tuổi giữa chiến trường. Khi đó, sau trận chiến đấu với máy bay quân thù, mặt mũi, quân phục xạm đen khói súng, anh lính trẻ đã thổ lộ với đồng đội khát vọng cháy bỏng, mong muốn sau này sẽ trở thành tác giả vở nhạc kịch Nhà thờ Đức bà Pa-ri (mà nay đã thành hiện thực). Từ lòng cảm phục sâu xa, nhà văn đã nói hộ tâm tư của nhiều người: "Đáng trân trọng thay, một Tình yêu, một Khát vọng bền bỉ từ những tháng năm lửa đạn...". Có lẽ, đó cũng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tập sách đáng yêu này của Châu La Việt.

Đạo diễn, nhà văn

NGUYỄN ANH TUẤN

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/31849402-nhung-cam-xuc-theo-gio-trang-ngan.html