Những câu chuyện hào hùng về một thời để nhớ…

Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng của một thời hoa lửa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính năm nào. Nhớ về tình đồng đội là động lực để họ viết tiếp bản hùng ca trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

NHỚ NGƯỜI ĐỒNG ĐỘI "THÀ HY SINH CHỨ KHÔNG RỜI TRẬN ĐỊA"

Bình yên trên con ngõ nhỏ của đường Lê Viết Thuật (thành phố Vinh), căn nhà giản dị của ông Đặng Hùng Kế (sinh năm 1952) - Chủ tịch Hội Truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào là nơi đi về của nhiều cựu binh tại mảnh đất Nghệ An.

Khi ngày 30/4 cận kề, họ cùng ngồi lại với nhau, ôn lại những hồi ức cũ. Trong những câu chuyện ấy, nhiều cựu binh vẫn còn xúc động khi nhớ về một người đồng đội đặc biệt, dù bị thương rất nặng nhưng đã từ chối điều trị để bám trận địa đến giây phút cuối cùng.

Theo lời chia sẻ của ông Đặng Hùng Kế, người đồng đội đặc biệt ấy là Nguyễn Văn Phú (sinh năm 1950), quê ở huyện Yên Thành thuộc Đơn vị S4 Đặc công, sau này sáp nhập vào Trung đoàn 39, Sư đoàn 968, Quân khu 4.

Bộ đội tình nguyện Việt Nam chia tay các bạn Lào trước khi trở về nước. Nguồn ảnh: Sách ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Nhà xuất bản Thông tấn.

Mùa khô năm 1972-1973, tình hình chiến sự vùng Salavan (Nam Lào) diễn biến phức tạp, gay go và quyết liệt. Cuối tháng 10/1972, địch dùng trực thăng đổ bộ đánh chiếm Salavan vừa nhằm giải tỏa thị trấn Sêđôn đang bị ta vây ép, vừa để thu hẹp vùng giải phóng của ta. Đầu năm 1973, chiến sự càng ác liệt hơn, ta và địch giành nhau từng đoạn đường, từng ngọn đồi, tấc đất nhằm tạo lợi thế trước khi Hiệp định Viêng Chăn về Lào được ký kết.

Trước tình hình đó, theo phân công của tổ chức, Sư đoàn 968 nhận lệnh hành quân về thị xã Salavan. Đây là thị xã nằm bên bờ sông Sedone, có sân bay và chỉ cách đường chiến lược Tây Trường Sơn gần 10km. Sau một trận đánh ác liệt giữa ta và địch vào năm 1973, sau khi làm chủ trận địa, đơn vị S4 Đặc công tiến hành thu dọn chiến trường và kiểm tra quân số thì phát hiện thiếu một đồng chí tên Nguyễn Văn Phú, quê ở Yên Thành.

Ông Đặng Hùng Kế (sinh năm 1952) - Chủ tịch Hội Truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam (thứ 3 từ trái sang) tại buổi làm việc cùng đoàn cán bộ chủ chốt Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Lào. Ảnh: Thanh Quỳnh

Bởi đồng chí Phú là một trong những chiến sĩ chiến đấu rất gan dạ và mưu trí, là mũi tên tiên phong của nhiều anh em đồng đội trong những trận chiến trước đó, nên ai cũng lo lắng khi không thấy anh đâu. Đơn vị cũng đã tỏa đi tìm kiếm nhưng không một dấu vết nào về đồng chí Phú được tìm thấy. Bởi thời gian gấp rút, đơn vị buộc phải rút về hậu cứ, bàn giao trận địa cho các đơn vị bộ binh chốt giữ.

Về hậu cứ, đơn vị tổ chức tăng gia sản xuất, tiếp tục huấn luyện, trang bị kiến thức chính trị, hậu cần. Sau gần 1 tháng, đơn vị chợt thấy đồng chí Nguyễn Văn Phú xuất hiện.

Lúc này đơn vị mới vỡ lẽ, hóa ra đồng chí bị chấn thương nặng và được các đồng đội của đơn vị bạn đưa đi cấp cứu tại bệnh xá. Thấy vết thương có phần trở nặng, bệnh xá đã quyết định cho đồng chí Phú trở về Việt Nam để điều trị tiếp. Tuy nhiên, nhìn chiến sự còn ác liệt, đồng chí Phú không thể bỏ đồng đội về nước.

Nhìn vết thương trước trán của đồng chí vẫn mưng mủ, Chỉ huy đơn vị lúc này vô cùng lo lắng. Dù hết lòng khuyên nhủ đồng chí trở về nước điều trị vết thương, nhưng một lần nữa đồng chí Phú kiên quyết xin ở lại cùng chiến đấu với đồng đội.

Biết không thể lay chuyển được quyết định của con người sắt đá ấy, đơn vị chấp nhận để đồng chí ở lại.

"Tiếc rằng, trong một trận đánh sau đó, đồng chí Nguyễn Văn Phú đã hy sinh. Sự hy sinh đó là mất mát không thể khỏa lấp, nhưng cũng là động lực để đơn vị tiếp tục chiến đấu, tiếp tục bảo vệ những giá trị mà đồng đội mình đã phải ngã xuống trong độ tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời".

Ông Đặng Hùng Kế - Chủ tịch Hội Truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào

NGÀY 30/4 " ĐẶC BIỆT" TRONG KÝ ỨC NGƯỜI LÍNH

Đối với ông Nguyễn Văn Tuất (sinh năm 1958) - Nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 330, Quân khu 9 thì những ngày tháng đồng cam cộng khổ trên đất bạn Campuchia đã trở thành những ký ức không bao giờ phai.

Điều đọng lại trong ông và các đồng đội cho đến hôm nay ngoài sự hy sinh, mất mát lớn lao còn có cả niềm tự hào sâu sắc vì đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả.

Ông Nguyễn Văn Tuất (sinh năm 1958) - Nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 330, Quân khu 9 cùng vợ đang xem lại các kỷ vật thời chiến. Ảnh: Thanh Quỳnh

Quay ngược thời gian về ngày 2/12/1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập, đã đề nghị Việt Nam: “Hãy cứu giúp chúng tôi, không phải chỉ cứu mấy vạn người tị nạn, mà phải cứu giúp cả một dân tộc!”. Theo tiếng gọi khẩn thiết của người bạn láng giềng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược và sau đó chuyển sang tiến công, phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đánh tan lực lượng quân sự Khmer Đỏ và xóa bỏ chế độ diệt chủng.

Năm 1984, ông Nguyễn Văn Tuất lúc đó đang là chiến sĩ của Trung đoàn 30, Sư đoàn 4, Quân khu 9 được nhận nhiệm vụ sang chiến trường biên giới Campuchia ở tỉnh Koh Kong.

Ông cùng các đồng đội của mình đã trải qua chiến dịch Mùa khô 1984–1985. Bước sang năm 1986 cho tới năm 1989, nhận thấy chế độ Cộng hòa Nhân dân Campuchia đã tự đứng vững được, Quân đội Việt Nam rút dần quân khỏi Campuchia.

Tuy nhiên, trong năm 1986, tàn quân Khmer Đỏ vẫn triển khai một số đợt tập kích lên quân ta. Và trong những tháng ngày chiến đấu gian khổ đó, ông Tuất cùng đồng đội vẫn mãi không thể nào quên trận đánh vào ngày 30/4/1986.

Theo lời kể của ông Tuất, sáng 30/4/1986, quân Khmer đỏ mở đầu trận tập kích vào Sư đoàn 4 bằng một loạt đạn cối. Hai bên chiến đấu không khoan nhượng cho tới gần nửa đêm thì quân ta đã làm chủ được trận địa.

Lúc này, trinh sát bộ binh thống kê đã có gần 6 nghìn quả đạn cối đã bị quân địch tấn công vào căn cứ. Kết thúc trận đánh, ông Tuất bị thương nhẹ, còn người đồng đội đã kề vai sát cánh với mình quê ở Cà Mau bị trúng đạn khiến cho phần chân và tay bị thương rất nặng. Dù rằng đồng đội đã kịp thời được chữa trị và giữ lại mạng sống của mình, nhưng một phần thân thể vẫn phải nằm lại chiến trường xưa.

Tình cảm quyến luyến giữa bộ đội Việt Nam và nhân dân Campuchia. Ảnh: Vnmilitaryhistory

Hòa bình lập lại, trong đơn vị năm xưa của ông Tuất, có người đã nằm lại vĩnh viễn hoặc để lại một phần xương máu trong lòng đất mẹ. Có người xuất ngũ trở về địa phương lao động sản xuất, người tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc…

Vậy nhưng, dù ở cương vị, hoàn cảnh nào, ông và các đồng đội vẫn luôn động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống để tiếp tục giữ vững phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Thanh Quỳnh

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nhung-cau-chuyen-hao-hung-ve-mot-thoi-de-nho-post288601.html