Những chàng trai trên "cổng trời"

ND- Trên độ cao 1.600 m ngắm nhìn mây bảng lảng trôi giữa một vùng trập trùng non xanh mà ngỡ ngàng mê đắm trước những đổi thay của một miền biên giới Nghệ An.

Dưới chân Pu xai lai leng Đầu năm, tôi lại háo hức theo con đường vành đai biên giới lên xã Na Ngoi nơi có đỉnh Pu xai lai leng - Bắc Trường Sơn, cao 2.711m nằm phía tây-nam huyện Kỳ Sơn. Hơn bảy năm về trước, tôi cùng đoàn liên ngành huyện Kỳ Sơn đi bộ suốt một ngày theo con đường này lên Na Ngoi phá nhổ cây anh túc. Con đường cheo leo, gập ghềnh xưa giờ được trải nhựa cấp phối từ cửa khe Kiền thuộc xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương qua xã Nậm Càn lên gần tận trung tâm xã Na Ngoi bằng dự án của quốc phòng. Con đường dài hơn 100 km vòng xuống xã Mường Ải, Mường Típ thông ra Mường Xén - thủ phủ của huyện Kỳ Sơn. Những đám sương trắng dưới thung núi cứ đùn lên như mây. Qua cửa kính ô-tô nghe tiếng xuýt xoa: "Chẳng khác nào lên Sa Pa!". Và khi ngồi trên độ cao 1.600 m bên vách núi ngắm nhìn cả một vùng non xanh phủ trong mây lại càng ngỡ ngàng trước sự kỳ vĩ của một vùng đại ngàn đang đổi thay bởi bàn tay, khối óc của các chàng trai trẻ. Đón chúng tôi giữa trập trùng mây núi dưới chân Pu xai lai leng vẫn là Nguyễn Trọng Cảnh, dáng thấp đậm, Tổng đội trưởng "Tổng đội người Mông" đã từng đón chúng tôi năm trước ở Huồi Tụ. Bây giờ Cảnh lại kiêm Trưởng ban dự án Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi. Cảnh giới thiệu: Làng chính thức động thổ xây dựng ngày 22-3-2009 là làng thứ 22 do Trung ương Đoàn đầu tư xây dựng dự án Làng thanh niên lập nghiệp trong cả nước với tổng kinh phí 29 tỷ đồng. Làng nép mình bên sườn Pu xai lai leng thuộc địa bàn bản Kà Trên đang bừa bộn, ngổn ngang gạch, đá, cát, sỏi... Cảnh nói: Vừa cắm lều dựng trại vừa xây dựng cơ sở hạ tầng và bắt tay triển khai ngay hai dự án thí điểm ban đầu trồng hoa ly và nuôi cá hồi, làm ruộng nước, trồng rau màu... Dự án thí điểm chủ yếu ở Kà Trên, Kà Dưới, Buộc Mú, Xiềng Xí và Tằng Phăn. Mục tiêu đến hết dự án vào năm 2012 làng sẽ có khoảng 200 hộ. Trước mắt trên diện tích tám ha thu hút 15 hộ vừa thí điểm nuôi cá hồi vừa trồng 200 ha chè, hoa ly, rau màu. Trước đây bộ đội biên phòng đã nhiều lần làm thử ruộng nước nhưng chưa thành công, lần này làng sẽ tập trung và quyết tâm vận động bà con người Mông mở rộng hết diện tích của khu vực này khoảng 30 ha. Bước đầu làng cử cán bộ về cùng ăn, cùng ở, cầm tay chỉ việc hướng dẫn bà con trồng lúa nước, rau màu... Cảnh cho biết: "Giống lúa đang trồng ở đây là giống địa phương chỉ làm được một vụ hè thu năng suất thấp. Mồng sáu Tết năm ngoái Cảnh đưa quân từ Huồi Tụ sang tìm nguồn nước cách xa hơn một cây số dẫn về khai hoang năm ha ruộng. Vụ đông xuân vừa rồi lúa đạt năng suất sáu tấn/ha. Muốn dân tin, mình phải làm trước cho họ thấy. Đó là lý do Chủ tịch UBND xã Na Ngoi Lầu Bá Chồng chỉ đạo 18 bản ở Na Ngoi khai hoang 30 ha lúa nước trong vụ tới. Ông Lầu Nỏ Khư, bản Kà Trên đầu tiên học theo khai hoang 1,5 ha ruộng, trồng đậu, bí, bắp cải, su hào, đạt năng suất cao. Ông nói: "Người Mông ta bao đời nay chỉ biết phát đốt rừng tra hạt, không biết làm ruộng nước, không biết mặt con cá. Nay nhờ có Làng thanh niên, có bộ đội bày dạy đã biết cách làm ăn mới no cơm, ấm áo". Sau khi thành công, cán bộ của làng sẽ từng bước chuyển giao kỹ thuật nuôi, trồng cho bà con. Cảnh lạc quan: "Với kinh nghiệm sau bảy năm ở Huồi Tụ đã đưa thành công một số giống cây, con phù hợp thổ nhưỡng ở đây như chè ô long, chè shan tuyết, bí đao, khoai sọ cao sản, gà đen... Các anh đã biết, nhiều gia đình ở Huồi Đun, Huồi Khả... đã có của ăn, của để, chắc chắn lần này cũng sẽ thành công ở Na Ngoi". Nghe Cảnh nói, tôi chợt nhớ năm trước lên Huồi Tụ gặp ông Vừ Vá Chống, bản Huổi Đun có thu nhập từ chè shan tuyết một năm gần 30 triệu đồng. Ông Chống xúc động nói: "Người Mông ta biết trồng chè, làm ruộng nước, trồng rau, bầu bí, khoai sọ... tốt, cho củ, quả to là nhờ Tổng đội trưởng Nguyễn Trọng Cảnh. Chúng tôi coi Cảnh như con em của người Mông và đã làm lễ cho Cảnh đổi tên họ thành Vừ Xa Lỳ. Bây giờ bà con người Mông gặp còn gọi tên Cảnh là bị phạt rượu ngay đó". Tôi cảm phục bản tính cần cù chịu khó tìm tòi và khát vọng đi mở đất chưa nguôi của anh Chủ nhiệm HTX Nam Xuân, huyện Nam Đàn thuở nào. Để hoa ly, hoa chè, bầu bí, khoai sọ nở xòe thay hoa anh túc, cho cá hồi quẫy đạp trên "cổng trời", Cảnh đã dày công đến Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ, vào Đà Lạt, lên Sa Pa tìm giống cây, con và cùng với đội quân tình nguyện mạnh dạn trồng thí điểm giống hoa ly mang từ Bắc Âu về miền tây Nghệ An. Từ thành công đó, Tổng đội đã chuyển giao thành công kỹ thuật nuôi cá hồi, hoa ly cho bà con người Mông ở Huồi Tụ. Khi Làng thanh niên Na Ngoi ra đời, Nguyễn Trọng Cảnh chuyển sang khảo sát thấy khí hậu hợp với điều kiện sống của cá hồi và cây hoa ly cho nên anh đề xuất ý tưởng mạnh dạn phối hợp với Viện Thủy sản Trung ương, chi nhánh Nghệ An nuôi thí điểm năm nghìn con cá hồi giống Sa Pa và trồng năm nghìn cây hoa ly. Kết quả khả quan, tỷ lệ sống đạt 90%, trọng lượng cá đạt 2,7 đến 3 lạng/tháng. Năm nghìn gốc hoa ly lứa đầu ở Na Ngoi đang phát triển tốt vừa xuất ra thị trường vào dịp Tết Nguyên đán Canh Dần và dự án cá hồi hai nghìn con lứa đầu đã thu hoạch, trừ chi phí, lãi 50%. Dẫn chúng tôi ra vườn ươm, Cảnh còn cho biết một ý tưởng mới là thí điểm trồng hoa địa lan. Sáng sớm ra thăm vườn ươm chè, chúng tôi gặp kỹ sư Úy. Vương Trung Úy là một trong những người đầu tiên tình nguyện lên hạ trại xây dựng kinh tế ở Kỳ Sơn. Cũng như Cảnh, Vương Trung Úy được bà con người Mông làm lễ buộc chỉ tay đổi thành tên họ rất đỗi gần gũi thân thương - Vừ Nành Úy. Úy cho biết thêm, trong số cán bộ Tổng đội thanh niên xung phong 8-Xây dựng kinh tế Kỳ Sơn lần đầu lên hạ trại còn có người thứ ba là Nguyễn Văn An được bà con cho nhập họ thành Xồng Chá Lầu. Thăm khu nuôi cá hồi rộng chừng hai nghìn m2 với sáu chiếc bể nuôi mười nghìn con cá hồi được bố trí khoa học, máy bơm liên tục cung cấp nước suối mát lạnh dẫn từ đỉnh núi Phù Xai xuống, Úy cho biết: Mô hình nuôi cá hồi được làng triển khai thực hiện từ tháng 8-2008. Cá giống mua từ Sa Pa, công nghệ nuôi cá hồi không khó, miễn phải làm đúng quy trình, nước luôn bảo đảm độ lạnh dưới 18 C. Trên đường trở xuống tình cờ gặp ông Vừ Giống Mà, bản Kà Dưới đang bán gừng, dong riềng, sắn cho bộ đội phấn khởi nói: "Trước đây ta trồng gừng, khoai dong riềng, sắn nhiều lắm, nhưng người, lợn, trâu, bò ăn không hết không biết bán cho ai. Nay bộ đội mua, gia đình ta có tiền mua các vật dụng sinh hoạt trong gia đình". Ông Dĩnh, Đoàn trưởng Đoàn 4 Kinh tế quốc phòng cho biết: Khi đưa quân lên đây làm nhiệm vụ, thấy bà con sản xuất nhiều sắn và dong riềng không biết tiêu thụ ở đâu, đơn vị đã lập dự án chế biến sản phẩm từ cây dong riềng, sắn. Qua khảo sát trong vùng có hơn 300 ha và một số vùng phụ cận trồng cây dong riềng, Đoàn 4 cùng với chính quyền địa phương vận động bà con trồng nguyên liệu, thay thế diện tích trồng cây thuốc phiện phá bỏ. Bộ đội chịu trách nhiệm cấp tiền và giống mới có năng suất cao cho bà con trồng và tiêu thụ. Chỉ huy Đoàn 4 cử người ra tận huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (trước đây) để học cách chế biến dong riềng ra sợi miến dong. Hệ thống dây chuyền sản xuất liên hoàn trị giá gần 500 triệu đồng, công suất nghiền hai tấn nguyên liệu/giờ được lắp đặt, một năm tiêu thụ hàng trăm tấn nguyên liệu trong vùng dự án. Từ ngày có hệ thống chế biến, đồng bào sản xuất sắn và dong riềng đã có nơi tiêu thụ. Cuộc sống dần ổn định, bà con người Mông, Khơ Mú, Thái Na Ngoi, giảm diện tích phát rừng làm rẫy, không còn di dịch cư tự do và tái trồng cây thuốc phiện. Với nhãn hiệu miến "Pu Xai", Đoàn 4 đã góp phần tìm ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con các dân tộc thiểu số nơi đây. Nhen lên ngọn lửa làm giàu Huyện rẻo cao Kỳ Sơn có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế rừng... nhưng vẫn được xếp vào tốp huyện nghèo nhất nước. "Người dân trong huyện vẫn mang nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách trợ cấp của Nhà nước. Đây cũng là lực cản không nhỏ đối với công cuộc đi lên của huyện", Bí thư Huyện ủy Vi Hải Thành nhiều lần nói với tôi về điều này. Lần này gặp, ông phấn khởi: Năm 1996 sau khi có chủ trương xóa bỏ trồng cây thuốc phiện, cùng với một số cây lương thực truyền thống, huyện đã chủ động đưa nhiều loại cây ăn quả như mận, đào, xoài, mít, lê, hồng Nhật, đào Ô-xtrây-li-a và các loại cây công nghiệp như lạc, chè shan tuyết, đậu, cánh kiến đỏ,... vào trồng, dần hình thành một số vùng chuyên canh nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Huyện cũng huy động mọi nguồn lực để củng cố mạng lưới giao thông trên địa bàn. Với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng với ngân sách của tỉnh, huyện, mỗi lao động trong huyện đã tự nguyện đóng góp. Nhờ đó những năm qua, nay đã có 18 trong số 21 xã có đường ô-tô vào đến trung tâm xã. Nhiều tuyến đường quan trọng khác cũng được triển khai thi công như: đường vành đai biên giới, hệ thống đường nối quốc lộ 7 với các xã phía nam huyện,... Với sáng kiến, công chức mỗi cơ quan gắn với một xã nghèo, mỗi đảng viên tùy điều kiện, khả năng giúp bà con thoát nghèo, đến nay hàng nghìn hộ trên địa bàn huyện đã được giúp đỡ và nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Đến nay toàn huyện cơ bản không còn diện tích trồng cây thuốc phiện. Đây là thành công nổi bật của Kỳ Sơn. Cùng với sự ra đời của Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi, Kỳ Sơn, Nghệ An, cây hoa ly, con cá hồi, nuôi gà đen, bò, dê, lợn Mông, làm ruộng nước, trồng chè shan tuyết, cây dong riềng, gừng, khoai sọ..., đã được nuôi, trồng thí điểm ở Na Ngoi. Với sự có mặt của Đoàn 4 Kinh tế quốc phòng sẽ giúp bà con vùng cao biên giới nơi đây thoát khỏi đói nghèo. Sự thành công bước đầu của "cây" và "con" xóa nghèo này đã nhen lên ngọn lửa làm giàu của bà con người Mông, Khơ Mú Kỳ Sơn.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=172695&sub=131&top=38