Những chiến công trong xử lý tội phạm kinh tế

Điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng là một lĩnh vực khá nhạy cảm và gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Việc phải đối mặt với đối tượng là những người có học thức, có tiền, có địa vị và quan hệ xã hội rộng đã đòi hỏi người chiến sĩ cảnh sát kinh tế phải có nghiệp vụ sắc bén, sự khôn khéo và hơn tất cả là một bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi cám dỗ.

Xét xử Phạm Công Danh tại tòa. Ảnh: TL

Bản lĩnh người chiến sĩ CA

Trong những năm trở lại đây, số vụ án trong lĩnh vực kinh tế được điều tra làm rõ ngày càng nhiều hơn, đặc biệt nhiều vụ án kinh tế tham nhũng lớn cũng đã được vạch trần. Theo thống kê của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng cảnh sát kinh tế (Bộ CA) đã phát hiện xử lý 9.391 vụ phạm tội về kinh tế, tham nhũng, chức vụ.

Những thành tích của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) trong vòng những năm trở lại đây đã phần nào nói lên chiến công của cán bộ chiến sĩ (CBCS) C46. Đóng góp vào những thành tích kể trên phải kể đến nhiều “đại án” lớn có ý nghĩa về chính trị - kinh tế - xã hội - đối ngoại, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Có thể kể đến một số vụ án mới đây nhất được dư luận quan tâm như: Vụ án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB); vụ khởi tố, bắt giam ông Trầm Bê cùng nhiều bị can khác...

Không có vùng cấm

Điển hình trong thành tích được C46 lập công là vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm phạm tội Kinh doanh trái phép, cố ý làm trái…, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Đức Kiên không chỉ nổi tiếng trong giới kinh doanh cũng như bóng đá, mà còn rất am hiểu pháp luật.

Kiên đã khôn khéo lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong chính sách thuế và hoạt động tài chính, ngân hàng để thực hiện hàng loạt các thủ đoạn kinh doanh trái pháp luật, chuyển lợi nhuận để trốn thuế, thao túng hoạt động ngân hàng, đầu cơ cổ phiếu. Hành vi của Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã làm lũng đoạn thị trường tài chính, tiền tệ, ảnh hưởng xấu đến chính sách tài chính, tiền tệ trong nước.

Tuy nhiên, hành vi phạm tội của Nguyễn Đức Kiên đã không thể lọt lưới pháp luật. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và lãnh đạo C46, các điều tra viên đã dày công nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng, chính sách tài chính - tiền tệ; trực tiếp tham kiến các chuyên gia tài chính - ngân hàng, vượt qua những rào cản, áp lực vô hình để từng bước củng cố chứng cứ chứng minh tội phạm, bẻ gãy mọi lý luận bao biện của Nguyễn Đức Kiên.

Thành công của vụ án đã góp phần ngăn chặn hành vi đầu cơ, lợi ích nhóm, thâu tóm ngân hàng, thao túng thị trường tài chính - tiền tệ, là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước chấn chỉnh hoạt động sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Đây cũng là lần đầu tiên việc điều tra, xử lý một vụ án kinh tế được nêu trong văn kiện Hội nghị Trung ương 6, khóa XI của Đảng.

Ngoài những vụ án kể trên, trong thành tích của Cục C46 không thể thiếu những vụ án lớn ở tất cả các lĩnh vực kinh tế mà qua mỗi vụ án đều tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý, không để các đối tượng lợi dụng phạm tội. Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng là vụ án Hà Văn Thắm (Ngân hàng Đại Dương) gây thiệt hại 27.000 tỉ đồng; vụ Phạm Công Danh (Ngân hàng Xây dựng Việt Nam) gây thiệt hại 18.000 tỉ đồng; vụ Vũ Quốc Hảo (ALCII) cố ý làm trái, tham ô tài sản, gây thiệt hại 10.000 tỉ đồng…

Những thành tích của Cục C46 đã góp phần phát huy truyền thống vẻ vang của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Vẫn biết rằng phá án kinh tế và tham nhũng là một lĩnh vực khá “nhạy cảm”, nhưng CBCS của Cục C46 luôn ý thức được rằng, họ đang chiến đấu vì danh dự của lực lượng Công an Việt Nam và cái giá họ sẽ phải trả nếu sa ngã.

Cao Nguyên (tổng hợp)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phap-luat/nhung-chien-cong-trong-xu-ly-toi-pham-kinh-te-550147.ldo