Những chiến dịch giải cứu con tin nổi tiếng thế giới

- Khôn khéo và hành động dứt khoát là những bí quyết dẫn tới thành công của những vụ giải cứu con tin hiểm hóc nổi tiếng trên thế giới.

Israel giải cứu 103 con tin bị không tặc bắt cóc Ngày 27/6/1976, chuyến bay 139 của hãng hàng không Air France, một chiếc Airbus A300, cất cánh từ Tel Aviv, Israel hướng tới Paris. Nhưng ngay sau lúc cất cánh, chiếc máy bay đã bị không tặc là hai người Palestine thuộc Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine và hai người Đức thuộc Các chi bộ Cách mạng Wilfried Böse và Brigitte Kuhlmann khống chế. Những kẻ không tặc yêu cầu máy bay chuyển hướng tới Benghazi, Libya và ở đó trong 7 giờ để nạp nhiên liệu. Một phụ nữ đã được trả tự do tại đây khi cô có dấu hiệu sắp bị sẩy thai. 15h15 cùng ngày, Airbus A300 bị buộc cất cánh lần nữa hướng tới sân bay Entebbe ở Uganda. Tại Entebbe, bốn kẻ không tặc được tăng cường thêm ít nhất bốn tên khác, với sự hỗ trợ của các lực lượng ủng hộ người Palestine của Tổng thống Uganda, Idi Amin. Chúng yêu cầu một cuộc thương lượng ngoài sức tưởng tượng là trao trả tự do cho 40 người Palestine đang bị giam giữ tại Israel và 13 người khác đang bị bỏ tù tại Kenya, Pháp, Thụy Sĩ và Tây Đức. Chúng đe dọa nếu các yêu cầu này không được thỏa mãn, chúng sẽ bắt đầu giết hại con tin vào ngày 1/7/1976. Việc giải cứu con tin bị đặt vào tình huống vô cùng khó khăn khi các quốc gia châu Phi trên đường từ Israel tới Uganda thì Israel đều không thể trông chờ vào sự giúp đỡ từ phía Chính phủ của họ. Khó khăn thứ hai là nhóm khủng bố có tai mắt ở tất cả các sân bay trên tuyến đường trên. Vào hạn chót mùng 1/7, Chính phủ Israel một mặt đề xuất đàm phán với những kẻ không tặc kéo dài thời hạn tới ngày 4/7, mặt khác cho triển khai một chiến dịch giải cứu bí mật mang tên Chiến dịch Entebbe (còn được gọi là Chiến dịch Yonatan). Sau nhiều ngày thu thập thông tin tình báo và lên kế hoạch, một đội bay chở lính đặc nhiệm đã được huy động gồm 4 chiếc máy bay vận tải C-130 Hercules của Không quân Israel bí mật bay tới sân bay Entebbe mà không có sự trợ giúp của không lưu mặt đất sân bay này và vượt qua cả radar theo dõi của Ai Cập, Sudan, Ả Rập Saudi với 35 lính đặc nhiệm và một đội hỗ trợ mặt đất xấp xỉ 100 người. Chiến dịch nằm dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Yekutiel Adam, trên chiếc Boeing bay trên sân bay Entebbe trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch. Toàn bộ chiến dịch chỉ diễn ra trong vòng 53 phút trong đó thời gian tấn công chỉ kéo dài 30 phút. Khi tiến vào khu vực giam giữ con tin, một người lính đặc nhiệm Israel hét lên bằng tiếng Do Thái “Nằm xuống! Nằm xuống! Chúng tôi là lính Israel”. Theo hiệu lệnh, tất cả các con tin đều nằm xuống đất, trong khi những kẻ khủng bố vẫn đứng im và trở thành mục tiêu của những người giải cứu. Toàn bộ cuộc đọ súng chỉ diễn ra trong 45 giây. Kết quả của hành động tấn công táo bạo trên đã tiêu diệt toàn bộ không tặc và chỉ có 3 trong số 105 con tin thiệt mạng, 1 lính Israel thiệt mạng cùng khoảng 5 người khác bị thương. Tuy nhiên có thông tin cho hay, Idi Amin, lãnh đạo Uganda ở thời điểm đó đã bị bẽ mặt bởi cuộc đột kích bất ngờ. Ông tin rằng Kenya đã hợp tác với Israel trong việc lập kế hoạch đột kích và hàng trăm người Kenya sống tại Uganda đã bị thảm sát ngay sau đó. Lính đặc nhiệm Pháp giải cứu con tin trong 10 phút Ngày 24/12/1994, một chiếc máy bay của hãng Air France tại sân bay Houari Boumedienne của Algieria bị một nhóm khủng bố vũ trang đột ngột tấn công và bắt 265 hành khách cùng 12 thành viên phi hành đoàn làm con tin. Những kẻ khủng bố là những người Hồi giáo cực đoan gồm 4 thanh niên trẻ tuổi thực hiện vụ bắt cóc nhằm yêu cầu trả tự do cho hai nhà lãnh đạo của họ đang ở trong tù. Tới ngày 26/12, chiếc máy bay bị bắt cóc đã được hướng dẫn tới sân bay ở Marseille, Pháp. Những kẻ bắt cóc từ chối trao trả các con tin trừ phi yêu cầu của chúng được đáp ứng khiến cảnh sát quyết định dùng vũ lực để giải cứu. Khoảng 17h ngày 26/12, các không tặc từ buồng lái bắt đầu bắn súng vào tháp kiểm soát sân bay để gây áp lực. 15 phút sau, hơn 50 cảnh sát đặc nhiệm thuộc Lực lượng đặc nhiệm của Pháp (GIGN) nhanh chóng được triển khai chia thành các nhóm áp sát phần đầu, giữa và đuôi máy bay thực hiện một cuộc giải cứu. Một nhóm cố gắng mở cửa khẩn cấp để cho thang bộ trượt xuống trong khi một nhóm cảnh sát khác tiến vào khu phòng lái khống chế các tay súng và giải phóng con tin. Tất cả quá trình giải cứu chỉ diễn ra trong vòng 10 phút. Sau 54 giờ bọn cướp khống chế máy bay, tất cả các con tin vẫn còn sống và chỉ có một vài người bị chấn thương nhẹ. 4 kẻ khủng bố đã bị tiêu diệt. Tên tuổi của GIGN kể từ đó được nhắc tới gắn liền với sự kiện trên. Hiện nay, GIGN đang hỗ trợ cho các nước khác trên thế giới trong việc đào tạo và huấn luyện các lực lượng chống khủng bố chuyên nghiệp và lực lượng đặc biệt của Hàn Quốc (Korean Special Force) là một ví dụ điển hình. Đào hầm dưới Đại sứ quán giải phóng các chính trị gia Đêm 18/12/1996, Đại sứ quán Nhật Bản tại Peru đang tổ chức lễ kỷ niệm, đột nhiên một nhóm vũ trang chuyên nghiệp người Peru xuất hiện. 400 chính trị gia, nhà ngoài giao và những người khác đã bị bắt cóc làm con tin. Những kẻ bắt cóc tự xưng là người thuộc phong trào Cách mạng Tupac Amaru. Hai bên bế tắc trong nhiều tháng vẫn không thể đàm phán thành công vụ trao trả con tin. Tổng thống Peru Alberto Fujimori lúc bấy giờ quyết định kéo dài thương lượng để lấy thời gian ngày đêm đào một hầm quân sự bí mật vào tận sào huyệt của những kẻ bắt cóc. Sau 127 ngày khủng hoảng kéo dài, vào lúc 15h27 theo giờ địa phương, một tiếng nổ lớn vang lên và từ đường hầm dưới Đại sứ quán, một nhóm biệt kích xuất hiện, chỉ 10 phút, tất cả các kẻ khủng bố đã thiệt mạng mà không có một con tin nào bị thương vong. Nga giải cứu chóng vánh máy bay bị cướp tại Moscow Ngày 28/7/2010, Nga thực hiện thành công chiến dịch giải thoát máy bay nhanh nhất trong lịch sử hàng không dân dụng nước này khi giải thoát 105 hành khách đồng thời bắt giữ kẻ cướp máy bay chỉ trong vòng 2 giờ kể từ thời điểm máy bay bị tấn công. Âm mưu không tặc bất thành xảy ra tại sân bay Domodedovo của Moscow. Chuyến bay từ Mineralnye Vody ở Caucasus đến Moscow bị một người đàn ông khống chế. Kẻ bắt cóc đặt điều kiện thả con tin là được nói chuyện qua điện thoại với Thủ tướng Nga Vladimir Putin. Lực lượng đặc nhiệm cải trang thành các bác sĩ để lên máy bay và giải thoát an toàn các hành khách. Người phát ngôn sân bay Domodedovo xác nhận đây là chiến dịch giải thoát máy bay nhanh nhất trong lịch sử hàng không dân dụng Nga, nhờ sự phối hợp hiệu quả giữa Bộ Nội vụ và Cơ quan An ninh Liên bang. Kẻ bắt cóc được nhận dạng là Magomet Bakyev, không mang theo chất nổ hay vũ khí lên máy bay. Bakyev là một người gốc Ingushetia, đòi gặp Thủ tướng Putin để thảo luận tình hình ở khu vực thuộc Nga này. Nguyễn Hường (Theo Xinhua, Wikipedia)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1987/201008/Nhung-chien-dich-giai-cuu-con-tin-noi-tieng-the-gioi-1765760/