Những chiêu dàn cảnh để cướp giật tại Sài Gòn

- Tình trạng cướp giật lộng hành, người dân ra đường luôn cảnh giác, nhưng vẫn bị mắc lừa những chiêu thức cũ của bọn cướp. Chúng thường tìm những "con mồi" mới để ra tay nên vẫn có hiệu quả. Nhiều người bị giật mất tài sản mới hiểu được chiêu thức của kẻ cướp.

Chiêu cũ bắt nạn nhân mới Thời gian gần đây, người dân tuy có đề cao cảnh giác về tình trạng cướp giật như không đeo trang sức hở ra ngoài, cẩn thận để giỏ xách trên xe hay không nghe điện thoại trên đường. Nắm bắt được điều đó, những tên cướp giật đã nhanh chóng thay đổi “cách thức làm ăn” bằng những chiêu thức dàn cảnh để cướp. Tuy những chiêu thức có cũ nhưng vẫn còn rất nhiều người trở thành “con mồi béo” của bọn chúng. Đầu tháng 2/2010, chị Nguyễn Thị Thanh (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đi xe máy trên đường Kha Vạn Cân về cầu Bình Triệu thì bất ngờ có hai tên thanh niên chạy xe ép sát rồi nhanh tay giật sợi dây chuyền trên cổ chị. Sau đó chị Thanh truy hô nhưng hai tên cướp vẫn không tăng ga tẩu thoát mà chạy chầm chậm rồi bất ngờ vất lại sợi dây chuyền xuống đường. Thấy vậy chị Thanh mừng rỡ vội dừng xe ở lề đường chưa kịp rút chìa khóa rồi đi bộ ra giữa đường để nhặt dây chuyền. Cùng lúc này, ở phía sau chị có hai thanh niên khác chạy xe tới, một tên ngồi phía sau nhảy xuống leo lên xe của chị Thanh nổ máy rồ ga chạy mất trước sự ngỡ ngàng của nạn nhân. Khi chị định thần lại và kiểm tra sợi dây chuyền mà vừa nhặt của tên cướp quăng lại thì không phải là sợ dây của mình mà là dây chuyền làm bằng vàng giả. Một kiểu dàn cảnh cướp mới khác là chiêu thức nhận “người quen” trên đường để tài sản. Đã có rất nhiều người trở thành nạn nhân “béo bở” của chiêu thức này. Như anh Nguyễn Thanh Hải, (sinh viên trường Đại học Bách Khoa) kể lại vụ anh bị một “nữ quái” cướp mất chiếc điện thoại ngay trước mắt. Vào đầu tháng 1/2010 khi anh Hải đi xe máy trên đoạn đường Lý Thái Tổ (quận 10) thì bất ngờ có một người con gái ăn mặc khá lịch sự đi chiếc xe Atila màu đen chạy tới ép sát và nhanh nhẹn nhận làm người quen. Cô gái nói với anh Hải: "Anh không nhận ra em sao? Em tên là Vân gặp anh rồi mà. Anh dừng lại em nhờ xíu được không” Khi đó anh Hải vẫn chưa nhận ra “người quen” nhưng thấy cô gái miền nở nên anh không một chút nghi ngờ nên dừng xe sát lề đường để nói chuyện. Vừa dừng xe lại cô gái liền vui vẻ “mừng quá, lâu rồi không gặp anh, muốn nói chuyện với anh mà giờ em có việc bận phải đi gấp. Anh có số điện thoại của em chưa? Chưa có đúng không? Anh bỏ điện thoại lưu lại số của em đi, em đọc cho…”. Anh Hải vừa rút điện thoại đang định bấm số thì ngờ “người đẹp” giật ngay cái điện thoại trên tay anh và rồ ga chạy mất. Khi anh định thần lại thì “người đẹp” đã mất biến dạng. Cần có sự quản lý tốt hơn nữa Tình trạng trên đã cho thấy rằng hiện nay, bọn cướp chúng dùng mọi thủ đoạn, và chiêu thức để “hành nghề” mà nhiều người dân nhẹ dạ trở thành “con mồi” của bọn chúng. Trong khi các cơ quan chức năng chưa thực sự tìm ra giải pháp ngăn chặn hiệu quả thì nạn cướp giật gia tăng tại, đối tượng phạm tội ngày càng manh động. Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP.HCM nhấn mạnh: Thời gian gần đây tình trạng cướp giật tài sản không chỉ gia tăng về số lượng mà mức độ nguy hiểm, táo tợn và hung bạo, xảy ra khắp nơi trên địa bàn thành phố. Điều đó làm người dân hết sức lo sợ. Do vậy cơ quan chức năng có liên quan và nhất là ngành công an cần tập trung giải quyết. Nhưng một thực tế hiện nay có một số nơi lực lượng công an khu vực còn mỏng nên để phòng chống tội phạm cướp giật còn gặp không ít khó khăn”. Ông Khoa còn cho biết thêm: Hiện nay trên địa bàn TP.HCM lượng người từ các tỉnh đến làm việc, sinh sống rất đông nên vấn đề quản lý tạm trú tạm vắng là điều hết sức cần thiết. Qua cơ quan quản lý hành chính có thể sàng lọc các đối tượng nghi vấn và phát hiện, xóa bỏ được sự hình thành băng nhóm. Điều đó sẽ giúp được một phần lớn trong việc giảm bớt nạn cướp giật tài sản trên địa bàn thành phố. Trước tình trạng nạn cướp giật ngày một manh động, “hiệp sĩ đường phố” Nguyễn Văn Minh Tiến tâm sự: “Kẻ cướp giật tài sản bây giờ chúng không chủ quan như trước nữa. Thường mỗi khi hành động kẻ cướp tìm hiểu con mồi, nếu có động là chúng rút ngay chứ không liều mình. Chính điều đó mà vây bắt được bọn chúng cũng rất khó. Ngoài bọn cướp liên tục thay đổi những chiêu thức mới làm cho người đi đường mất cảnh giác. Vì vậy mỗi khi ra đường người dân luôn đề cao cảnh giác để tránh mắc lừa của bọn chúng”. Chị Nguyễn Thị Thúy (ngụ quận 1, TP.HCM), nhân viên ngân hàng lo lắng: “Thấy tình trạng nạn cướp giật xảy ra liên tục nên tôi hết sức cẩn thận lúc nghe điện thoại hoặc treo túi xách mỗi khi ra đường. Nhất là không dám đeo đồ trang sức như vàng trên người vì mình rất dễ trở thành nạn nhân của bọn cướp giật. Bạn bè tôi cũng vậy, ai ra đường cũng đều cảnh giác mà vẫn vẫn có người bị cướp tài sản.” Thượng tá Mai Văn Tấn, Trưởng Phòng PC14 Công an TP.HCM, cho biết: Để ngăn chặn tình trạng cướp giật trên đường người dân phải cảnh giác cao độ đối với tội phạm và chọn phương cách bảo vệ tài sản của mình. Bọn cướp giật thường lợi dụng những đoạn đường vắng để ra tay. Bên cạnh đó, lực lượng đặc nhiệm sẽ tăng cường công tác trinh sát, phối hợp với công an các quận, huyện rà soát địa bàn, phát hiện, triệt phá những băng nhóm cướp giật và các loại tội phạm khác để mang lại cuộc sống bình yên cho người dân. T.Bình

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1987/201003/Nhung-chieu-dan-canh-de-cuop-giat-tai-Sai-Gon-1746512/