Những chiêu độc "nhử mồi câu khách" dịp Black Friday ở Mỹ

Black Friday là ngày thứ sáu ngay sau Lễ Tạ ơn và là ngày mở hàng cho mùa mua sắm tấp nập nhất ở Mỹ. Các siêu thị có đủ loại mồi ngon để nhử khách vào xem và trút hầu bao ra mua hàng.

Người Mỹ xưa nay vẫn có tiếng nghiện mua sắm nhưng cũng nổi tiếng khó tính khi mua hàng. Tuy nhiên, giới kinh doanh Hoa Kỳ vốn rất "già đời" trong nghề marketing có rất nhiều chiến lược khiến khách hàng dốc túi trong dịp này.

Black Friday là ngày thứ sáu ngay sau Lễ Tạ ơn (Lễ Tạ ơn rơi vào thứ năm thứ tư của tháng 11) và được coi là ngày mở hàng cho mùa mua sắm tấp nập nhất ở Mỹ. Năm nay Black Friday rơi vào ngày 25/11. Ngày đặc biệt này có xuất xứ từ tình trạng... kẹt xe xảy ra vào ngày thứ sáu sau Lễ Tạ ơn năm 1965 ở Philadelphia, khi hàng trăm nghìn người Mỹ chen chúc đen kịt các con phố, vỉa hè đi mua sắm để sửa soạn cho Lễ Noel sắp đến.

Ngay lập tức, giới kinh doanh Hoa Kỳ nắm bắt được thị hiếu và nhu cầu lớn của người dân, họ cho quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng về ngày này và đồng loạt khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng.

Vào ngày này, người Mỹ ùn ùn đổ ra các siêu thị, cửa hàng tìm hàng giá rẻ. Các cửa hàng trên toàn quốc giảm giá đậm đến không ngờ. Hầu như tất cả các mặt hàng đều giảm giá trung bình từ 10-30%. Cá biệt có nhiều mặt hàng kim khí điện máy siêu giảm giá đến 60-80%.

Các tên tuổi lớn khác như Adidas, Nintendo, Vera cũng không chịu thua kém khi nhất loạt hạ giá bán xuống vài chục phần trăm.

Ở khắp các thành phố lớn của nước Mỹ, người ta xếp hàng dài dằng dặc chờ từ... 4 giờ sáng với mong mỏi kiếm được một chiếc iPod giá hời hay một cái máy chơi game giá rẻ như cho không. Thực ra phần nhiều siêu thị, cửa hàng, trung tâm mậu dịch chỉ mở cửa vào lúc 5 giờ sáng, nhưng nếu đợi đến 5 giờ mới đến thì e là bạn phải chờ dài cổ.

Khung cảnh mua sắm náo nhiệt làm ta dễ liên tưởng cảnh rồng rắn xếp hàng chờ phát "chuẩn" thời bao cấp ở Việt Nam

Độc chiêu kinh doanh của người Mỹ

Người Mỹ xưa nay vẫn có tiếng nghiện mua sắm nhưng cũng nổi tiếng khó tính khi mua hàng, cho nên muốn họ móc ví ra mua sắm trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia đang trên đà suy thoái là một việc không dễ .

Tuy nhiên, giới kinh doanh Hoa Kỳ vốn rất "già đời" trong nghề marketing vẫn có kế sách khiến người dân phải dốc túi. Có rất nhiều chiến lược bán hàng được tung ra trong dịp này, nhưng tựu trung có thể thấy các siêu thị, cửa hàng, công ty Mỹ thích sử dụng các phương thức sau:

1. Hàng siêu rẻ cho người đến sớm (Loss leader)

Nếu bạn là một trong 50 khách hàng đầu tiên, bạn sẽ được mua Notebook với giá siêu ưu đãi, tiết kiệm được đến 199 USD. Đó là thông điệp quảng cáo của một chuỗi siêu thị điện máy ở San Francisco và nó đã khiến rất nhiều khách hàng dậy rất sớm với hy vọng kiếm được hàng hời. Đây là chiêu thức quen thuộc của giới kinh doanh Hoa Kỳ trong ngày hội mua sắm này, và năm nào nó cũng khiến nhiều khách hàng "dính câu".

Thực ra, đây chỉ là miếng mồi ngon để nhử khách vào xem hàng, và một khi họ đã vào, siêu thị sẽ có cách khác để khiến họ trút hầu bao ra mua thêm. Loss leader dù bán với giá rẻ như vậy, nhưng số lượng lại rất hạn chế, do đó thường số lỗ khi bán loss leader chẳng là gì nếu so với số lợi nhuận do các món hàng khác đem lại trong ngày. Loss leader thực sự là đòn hiểm giúp "đánh thức" cơn nghiện shopping đang âm ỉ trong từng người tiêu dùng Mỹ. Thành công ngoài sự mong đợi của Black Friday năm nay (đạt 10,6 tỷ USD), nhất là doanh số vượt trội của máy chơi game Wii (mặt hàng bán sôn chạy nhất) chính là minh chứng cho thành công của loss leader .

2. Phiếu khuyến mãi (Coupon)

Nhìn chung, cái hay của coupon "made in America" là tính tiện lợi và liên kết rất cao. Bạn có thể mua đồ gia dụng ở Sears và nhận được một phiếu coupon ăn gà nướng KFC; mua nước hoa Channel nhận ngay coupon mua giày Adidas giảm 10%; mua bánh pizza tặng coupon trị giá... vài lít xăng. Ngoài ra, các coupon thường có đính kèm online code để khách hàng sử dụng cho các thương vụ mua hàng trực tuyến. Chỉ cần vài giây nhập mã code, họ đã được hưởng lợi ích mà coupon đem lại.

Nhiều coupon có giá trị chỉ trong mùa Noel, nhưng cũng có một vài cái khác có thể hiệu lực đến vài tháng sau đó, do đó khách hàng không phải lo "xài không hết" coupon. Thực sự, đây chính là độc chiêu bán hàng lợi hại của người Mỹ. Thông thường, khi có coupon, người ta sẽ có tâm lý tò mò muốn sử dụng thử để xem lợi ích thực của coupon lớn đến đâu. Khi sử dụng coupon, họ lại "rơi" vào tay một hãng khác, và lại thêm một coupon nữa trao tay, cứ thế khách hàng lạc vào "mê hồn trận" coupon và vui vẻ dâng số tiền còn lại trong tài khoản cho các siêu thị "xà xẻo". Có nhiều bà nội trợ Mỹ sau mùa Giáng Sinh còn tồn đến cả chục coupon mà không xài vì... còn tiền nữa đâu mà xài .

3. Hàng rẻ nhưng không "ôi"

Thường người Việt khi nghe nói đến hàng sôn hay có tâm lý nghi ngại: hàng sôn là hàng ôi (dỏm). Nhưng với Black Friday, khách hàng có thể phần nào yên tâm về chất lượng các mặt hàng được khuyến mãi. Dĩ nhiên, khi mua hàng giảm giá, chuyện chất lượng cũng rất... hên xui , nhưng cái được của Black Friday là có sự tham gia của rất nhiều hãng tên tuổi như Apple, Walmart, Nike, Dolce, P&G. Các hãng này dĩ nhiên rất hiếm khi dám đem hàng kém chất lượng ra bày bán vì sợ đánh mất thương hiệu.

Thực tế, theo thống kê của hiệp hội người tiêu dùng Mỹ, số người đi mua hàng Friday thừa nhận sự hài lòng về chất lượng sản phẩm vẫn đạt ở mức rất cao (trên 85%). Có nhiều người thậm chí còn mua nhiều thứ mà chính họ cũng không biết mua để làm gì, vì họ tâm niệm: Hàng rẻ có thương hiệu cứ việc mua, không xài thì bán lại vẫn lời chán .

4. Trợ thủ Internet

Cơn sốt mua sắm mùa Black Friday sẽ không thực sự "hot" nếu không có sự trợ giúp đắc lực của các mạng xã hội và các ứng dụng web tiên tiến. Từ trước đó cả tháng, các hãng đã bắt đầu rục rịch gửi newsletter đến khách hàng để "mồi chài" với những lời có cánh, khiến những người không đủ sáng suốt bị kích thích mạnh mẽ. Trên Twitter, mạng xã hội đang lên như diều gặp gió ở Bắc Mỹ và nhiều nước Châu Âu, các banner quảng cáo, các tin nhắn spam về Black Friday bắt đầu xuất hiện với tần suất ngày càng dày.

Facebook cũng rộn rịp không kém khi các siêu thị nổi tiếng vào cuộc giành giật khác hàng tiềm năng trên không gian ảo với các profile bắt mắt kèm thông điệp đầy mời gọi. Những con số phần trăm sale off, những chương trình khuyến mãi cực "sốc" bắt đầu nhảy nhót trong tâm trí người dùng Internet Hoa Kỳ, và kéo họ đến gần hơn các cửa hàng thực khi "ngày trọng đại" bắt đầu.

Cyber Monday (tạm dịch: Ngày Thứ Hai điện tử) là ngày thứ hai đầu tiên ngay sau Black Friday. Ngày này ra đời là nhờ "sáng kiến" của website bán hàng trực tuyến Shop.org, trực thuộc Hiệp hội Các nhà Bán lẻ Hoa Kỳ. Nhận thấy sau Black Friday vẫn còn rất nhiều người Mỹ muốn mua hàng "sôn" mà chưa mua được (cạnh tranh không lại các khách hàng khác, trời quá lạnh, sợ xếp hàng, v.v), các cửa hàng ở Hoa Kỳ cũng tham gia cuộc đua giảm giá để thu hút thêm nhiều đơn hàng. Năm 2007 chỉ trong ngày Cyber Monday giới kinh doanh thương mại điện tử của Hoa Kỳ đã "hốt" được tới 733 triệu USD , một con số không tồi chút nào.

Thành công của Cyber Monday có dấu ấn rất đậm nét của hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại điện tử hoàn thiện của Mỹ. Các website thương mại điện tử của Mỹ vào ngày này được quy về một vài domain chủ rất dễ nhớ. Nhờ vậy, với chỉ "save" vài URL trong đầu, người Mỹ có thể mua bất kỳ sản phẩm giảm giá nào có mặt trên thị trường chứ không cần tìm kiếm loạn xị ở nhiều website khác nhau. Tuy vậy, muốn mua được sản phẩm thực sự "hời"cũng phải hết sức trầy trật vì bạn phải "canh me" đúng thời điểm thì may ra mới tìm được hàng ưng ý giá rẻ. Ngoài ra, do lượng người truy cập quá đông, tình trạng "kẹt xe" trên mạng cũng khó tránh khỏi.

Nguồn Saga.vn: http://saga.vn/cohoigiaothuong/thitruong1/tthh/24140.saga