Những chuyến đò nặng tình quân dân

Thấm thoắt cũng đã 38 năm kể từ ngày ông Bảo có "duyên" được đưa bộ đội, lương thực ra tiếp tế cho anh em trên đảo Sơn Dương. Tuy sức khỏe đã yếu nhiều, mái đầu xanh ngày ấy giờ đổi màu sương gió, nhưng không kể ngày đêm hay những khi biển động, sóng lớn, bộ đội cần ông lại sẵn sàng vượt biển.

Cảm phục những việc làm và tấm lòng của ông, nhiều thế hệ bộ đội đóng quân trên đảo Sơn Dương, vẫn gọi ông với cái tên trìu mến "bố Bảo"… Không khó cho chúng tôi để tìm vào nhà ông Mai Bảo ở thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi bởi căn nhà nhỏ nằm giữa thôn này lâu nay đã trở thành một "trạm giao liên" của lính đảo Sơn Dương. Từ mấy chục năm nay, căn nhà trở thành nơi tập kết hàng hóa, nhu yếu phẩm để ông Bảo vận chuyển ra cho bộ đội trên đảo. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê biển nghèo Kỳ Lợi, phẩm chất giản dị, đôn hậu vẫn hiện rõ trong từng nụ cười, cử chỉ và lời nói của ông. Chân tình, gần gũi ông kể cho chúng tôi nghe cái "duyên số" đã đưa ông gắn liền với lính đảo Sơn Dương. Chuyện là vào năm 1972, trong một đêm mưa to gió lớn, biển động dữ dội, có ba người lính vào làng chài nơi ông ở, nhờ người chở ra đảo Sơn Dương. Đây là hòn đảo không có người ở mà chỉ có một đơn vị bộ đội đóng trên đó. Ngày đó chưa có thuyền gắn máy phải chèo bằng tay. Khoảng cách từ làng chài ra đến đảo chỉ chưa đầy 5 cây số, nhưng đêm tối, sóng lớn nếu ra đảo vào thời điểm này rất nguy hiểm nên dân trong làng không ai dám đưa các anh lính ra đảo để làm nhiệm vụ. Là một ngư dân thường xuyên đi đánh cá gần đảo Sơn Dương, ông thấu hiểu những khó khăn, vất vả của những người lính đang làm nhiệm vụ trên hòn đảo, nên ông quyết định chấp nhận nguy hiểm chèo thuyền đưa các anh ra đảo. Sau cái lần đó, ông trở thành một địa chỉ để bộ đội trên đảo nhờ cậy. Ngoài những chuyến đưa đón bộ đội ra, vào đất liền, đều đặn 2 ngày một lần, không kể ngày biển động, ông một mình chèo thuyền đưa lương thực, thực phẩm ra đảo. Ông coi việc chèo đò giúp bộ đội như một nhiệm vụ của mình mà không đòi hỏi bất cứ một chế độ đãi ngộ hay đồng tiền công nào… 38 năm qua ông không nhớ nổi mình đã chèo tay bao chuyến đò để giúp bộ đội ra vào đảo hay đưa lương thực, thực phẩm ra tiếp tế cho anh em trên đảo và cũng không thể nhớ được bao lần chết hụt vì sóng to, gió lớn, hay vì bom đạn máy bay Mỹ. Trong những lần đó ông cũng góp công cứu sống được 5 cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Vợ chồng ông Mai Bảo nói chuyện với phóng viên Báo CAND. Ông vẫn nhớ một ngày tháng 11 năm 1972, lúc đó bộ đội mới ra đóng quân trên đảo. Trong lúc phát cỏ, dọn dẹp để xây dựng doanh trại, có một đồng chí tên Tý người Quảng Bình bị rắn lục cắn. Nhận được tin báo, lòng ông như lửa đốt, nhưng lúc đó do giặc Mỹ đang đánh bom điên cuồng, nên không ai có thể ra được đảo. Ngày thứ ba, máy bay Mỹ vẫn đánh phá ác liệt, nhưng không thể để bộ đội mình nguy hiểm đến tính mạng, ông đi tìm một y tá rồi chèo thuyền ra đảo. Trong lúc chèo thuyền ra, máy bay Mỹ bổ nhào bỏ bom, hai quả bom rơi ngay gần thuyền nan, khiến thuyền bị lật úp. Nếu lúc đó mà là trên đất liền thì chắc chắn ông và cô y tá đã chết, nhưng cũng may là trên biển, nên ông và cô y tá chỉ bị ù tai, choáng váng rồi ngoi ngóp lật đò chèo tiếp vào bờ. Tấm lòng và sự dũng cảm của ông đã được đền đáp khi người lính kia được cứu sống. Ông thật thà: "Sau này ngồi nghĩ lại chuyến đi đó, tôi mới toát mồ hôi!". Cảm kích trước tấm lòng của ông, anh bộ đội tên Tý đã nhận ông là anh em kết nghĩa, mấy chục năm rồi, thi thoảng anh vẫn lặn lội từ Quảng Bình ra thăm ông... Một kỷ niệm ấn tượng khác đến giờ ông vẫn chưa quên, đó là ngày 28 Tết năm Mậu Thìn (1988). Thời gian đó biển động hai tuần lễ, chẳng có thuyền bè nào ra biển được cả. Trên đảo lúc này có 12 cán bộ, chiến sỹ, gạo đã hết ba bốn ngày rồi, cháo loãng cầm hơi cũng chẳng còn. Ông biết, anh em đã phải ăn cháo loãng, nhưng cũng không thể cầm cự được lâu nếu không có tiếp tế. Ngồi trong nhà nhìn ra biển, lòng ông như lửa đốt và ông vẫn quyết định khởi hành với chiếc thuyền nan nhỏ bé của mình. Ngày thứ nhất mới chèo ra được một đoạn thì sóng quá lớn, không thể đi tiếp, ông đành phải quay lại. Đêm đó nằm nghe tiếng gió biển gào thét mà ông không tài nào chợp mắt được. Sáng hôm sau ông quyết định liều một phen, ông cho gạo vào trong bao ny lon cho khỏi ướt và liều mình chèo ra đảo. Mất gần 12 tiếng đồng hồ, gấp gần 3 lần quãng thời gian bình thường, ông cũng cập đảo. Thấy ông, cán bộ, chiến sỹ trên đảo ôm chầm lấy ông mà khóc và ông cũng khóc; nước mắt của họ chan hòa giữa vị mặn mòi của biển cả… Giờ đây, sức khỏe đã yếu, những chuyến đi biển đánh cá của ông vì thế cũng thưa dần. Vậy nhưng ông vẫn tiếp tục giúp đỡ anh em bộ đội ngoài đảo. Chỉ khác một chút là giờ ông không phải chèo nữa mà đã có xuồng máy. Nhờ lưng vốn tích cóp mấy chục năm rồi vay mượn thêm, cách đây mấy năm, ông cũng sắm được xuồng máy. Có chiếc xuồng máy, ông ra vào đảo nhanh hơn, những chuyến đò giúp đỡ bộ đội lại càng nhiều hơn. Trong căn phòng nhỏ của ông ở thôn Đông Yên, hàng chục Bằng khen, giấy khen của các Ban, ngành tỉnh Hà Tĩnh, cả Kỷ niệm chương tham gia Chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2009 do Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân và Báo Lao Động tổ chức, nhưng khi chúng tôi hỏi về những đóng góp của ông cho bộ đội trên đảo Sơn Dương, ông xua tay: "Có chi mô chú, giúp đỡ bộ đội là vinh dự và nghĩa vụ của mỗi người dân chúng tôi…"

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2010/3/128105.cand