Những chuyển động tích cực của ngành đường bộ

Năm 2013 đánh dấu sự bứt phá trên các mặt hoạt động quản lý nhà nước chuyên ngành về đường bộ. Từ những việc như thoát nước mặt đường đến thay đổi cách thức quản lý bảo trì, lập kế hoạch sửa chữa đường bộ, quản lý vận tải, xử lý xe quá tải, quản lý xây dựng cơ bản... đều bắt đầu có bước đi mới và tích cực.

Nếu đảm bảo thoát nước mặt đường tốt sẽ tiết kiệm chi phí duy tu bảo dưỡng thường xuyên

Tiết kiệm triệt để

Theo ông Nguyễn Đức Thắng – Q Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN (ĐBVN), năm 2013, Tổng cục Đường bộ VN (ĐBVN) chỉ tập trung cho quản lý nhà nước về đường bộ, hoạt động bảo trì đường sá được xã hội hóa do các thành phần kinh tế đảm nhiệm, cùng với sự ra đời của Quỹ Bảo trì đường bộ chịu trách nhiệm cung cấp nguồn tài chính ổn định cho duy tu sửa chữa đường bộ, cùng với sự quyết liệt của lãnh đạo Bộ và Tổng cục trong chỉ đạo điều hành đã khởi đầu cho những chuyển biến lớn.

Những việc tưởng chừng như đương nhiên của hoạt động bảo trì đường sá sau nhiều năm không được quan tâm đầu tư đúng mức, năm 2013 đã được khởi động mạnh mẽ trên các tuyến quốc lộ như tổ chức đấu thầu đặt hàng bảo trì thường xuyên theo tiêu chí chất lượng đầu ra; Phê duyệt các dự án sửa chữa định kỳ xong trước tháng 6 để hoàn thành sửa chữa đường trước mùa mưa trong năm... Bên cạnh đó, các chiến dịch khác cũng đã có những thành quả bước đầu như thành lập Trung tâm dữ liệu đường bộ làm cơ sở để xây dựng chiến lược, quy hoạch và phục vụ công tác lập kế hoạch công tác hàng năm; Kiểm soát xe quá tải phá hoại đường; Tổ chức kiểm tra công tác bảo dưỡng đường tại các quốc lộ được ủy thác...

Ông Nguyễn Đức Thắng cho biết: Đưa hoạt động quản lý nhà nước về đường bộ vào đúng quỹ đạo lành mạnh của nó đã giúp tiền đầu tư của nhà nước và nhân dân được sử dụng hiệu quả, còn mang lại đã một khí thế làm việc hăng hái cho ngành Đường bộ.

Ngay sau khi Tổng cục ĐBVN ban hành Chỉ thị về việc tăng cường giải quyết công tác thoát nước và xây dựng bổ sung hệ thống thoát nước trên các quốc lộ, các Cục quản lý đường bộ và các Sở GTVT đã tiến hành đào rãnh trên toàn hệ thống quốc lộ. Đây là bước chuyển biến mang tính quyết định trong việc bảo vệ kết cấu mặt đường, tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng cho công tác bảo dưỡng thường xuyên.

Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Xuân Cường, thách thức lớn nhất của QLBT hiện nay là khối lượng đường hư hỏng lớn thiếu vốn sửa chữa. Trên tổng số 19.000 km quốc lộ thì có tới gần 10.000 km đã quá thời hạn sửa chữa lớn 8 năm và gần 2.600 km quá thời hạn sửa chữa vừa 4 năm chưa được đầu tư sửa chữa.

Gần 1.400km đường tỉnh chuyển lên thành quốc lộ mới đạt tiêu chuẩn đường cấp 4, cấp 5 miền núi nhiều năm chưa được sửa chữa, cần phải sửa chữa cấp bách. Trên 400 cầu yếu và gần 3000 km (chiếm khoảng 15%) quốc lộ xấu và rất xấu cần được đầu. Trong khi, hàng năm, vốn bố trí cho BTĐB mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu (4.100 tỷ đồng/11.063 tỷ đồng).

Cũng lần đầu tiên, việc phê duyệt sớm các dự án sửa chữa định kỳ xong trước tháng 6, đã giúp cho khối lượng phải sửa chữa do bị phá hoại trong mưa lũ giảm tới 30%, do mặt đường được gia cố kịp thời.

Hay việc cho áp dụng công nghệ Tifo đã giúp sửa chữa nhanh các cầu yếu không cần làm cầu tạm đảm bảo giao thông, mà còn duy trì khai thác tiếp tục các cầu này một cách an toàn. Riêng với 40 cầu được sửa chữa năm 2012 và 80 cầu năm 2013 đã tiết kiệm cho ngân sách hàng ngàn tỉ đồng, giảm được bức xúc về vốn đầu tư thay thế cầu yếu. Phát huy kết quả đạt được, Tổng cục ĐBVN đã đề nghị và được Bộ GTVT chấp thuận cho rà soát toàn bộ các cầu yếu trên toàn quốc…

Tới dự Tổng kết công tác năm 2013 của Tổng cục ĐBVN, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã biểu dương Tổng cục ĐBVN, các Sở GTVT đã có nỗ lực, mang lại sự chuyển biến theo hướng tích cực năm qua, có thể dễ dàng nhận thấy trong hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước của Tổng cục ĐBVN.

Thách thức còn lớn

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, năm 2014 này, những thách thức còn rất lớn, những nỗ lực mới được khởi động cần phải đi vào nề nếp và đột phá mạnh mẽ hơn. Đổi mới toàn diện công tác bảo trì còn hạn chế do hệ thống cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, một số tiêu chuẩn, quy trình, định mức liên quan đến công tác bảo trì còn bất cập, trong năm 2014 cần được tổ chức xây dựng bổ sung, thay thế chưa kịp thời.

Thứ trưởng yêu cầu tăng cường sự phối kết hợp giữa trung ương và địa phương, để đẩy lùi các vi phạm hành lang đường bộ, kiểm soát tải trọng xe một cách đồng bộ tại cả 64 địa phương đã được bàn giao trạm cân di động... Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh công tác cập nhật dữ liệu đường bộ, theo dõi nắm chắc tình trạng cầu đường kịp thời, phát hiện và khắc phục kịp thời các hư hỏng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác.

Quyết liệt chỉ đạo nghiệm thu công tác bảo dưỡng thường xuyên theo các tiêu chí; Kiên quyết xử lý các đơn vị vi phạm hợp đồng; Tăng cường quản lý Nhà nước các dự án BOT trong giai đoạn đang khai thác còn hạn chế; Chủ động đề xuất những biện pháp hữu hiệu cho công tác an toàn giao thông... cũng là các biện pháp Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Tổng Cục đường bộ VN triển khai ngay trong năm 2014.

Phương Anh

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/giao-thong-phat-trien/201401/nhung-chuyen-dong-tich-cuc-cua-nganh-duong-bo-443124/