Những cổ phiếu vụt tăng mạnh từ “vực thẳm”

Rơi không phanh vì những lý do khác nhau, một số cổ phiếu đang tạo ra sự tiếc nuối cho nhà đầu tư vì đã không dám bắt dao rơi, khi đà tăng trở lại cũng mạnh mẽ không kém lúc lao dốc.

Bí ẩn CDO

Câu chuyện của Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế và Phát triển Đô thị (CDDC, mã CDO) có lẽ là một trong những trường hợp gây đau đầu nhiều cho cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý.

Ngày cuối năm 2016, khi cả thị trường đang tất bật chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết thì cơ quan quản lý vẫn phải tiến hành kiểm tra CDO, sau sự kiện cổ phiếu này giảm sàn liên tiếp từ mức giá 37.200 đồng/cổ phiếu ngày 30/11/2016.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/1/2017, giá cổ phiếu này tiếp tục giảm sàn về mức 3.090 đồng/cổ phiếu, với thanh khoản rất thấp, trước khi bắt đầu chuỗi tăng trần trở lại kể từ phiên giao dịch ngày 24/1/2017 đến nay.

Đây có lẽ là cổ phiếu có mức biến động lớn nhất trong thời gian qua, khi giảm liên tục gần 91,7% và đến hết ngày 8/2/2017 đã kịp tăng 59,55% kể từ đáy.

Điều gì tạo nên sự hồi sinh của CDO?

Đến thời điểm hiện tại, sau 6 phiên tăng trần liên tiếp, CDO vẫn chưa có báo cáo tài chính quý IV/2016. Do đó, những thông tin chi tiết về kết quả kinh doanh của Công ty trong năm 2016 chưa có, ngoại trừ thông tin được Ban lãnh đạo Công ty cập nhật trước đó trong thư gửi cổ đông và tại ngày họp báo, khi cổ phiếu CDO giảm mạnh.

Chính vì vậy, câu hỏi lớn liên quan đến tình hình tài chính của Công ty, bao gồm các khoản phải thu lớn ở thời điểm cuối quý III/2016 vẫn chưa có lời giải. Tuy nhiên, việc tăng giá này lại hoàn toàn có thể giải thích ở góc độ thị trường.

Diễn biến giá cổ phiếu CDO 6 tháng qua

Tại phiên đảo chiều ngày 24/1/2017, gần 5,672 triệu cổ phiếu CDO đã được giao dịch khớp lệnh thành công. Tiếp sau đó, 2 phiên có khối lượng khớp lệnh lớn là ngày mùng 2 và 3/2/2017, gần 4,5 triệu cổ phiếu CDO đã được giao dịch.

Như vậy, tính trong 3 phiên đột biến khối lượng, tổng số cổ phiếu CDO được khớp lệnh đã lên tới hơn 10 triệu đơn vị, tương đương 1/3 tổng vốn điều lệ Công ty. Với khối lượng giao dịch lớn trên, cung tự do của CDO trở nên hạn chế. Không khó hiểu vì sao cổ phiếu này có thể tăng trở lại, dù chưa biết chính xác tình hình tài chính Công ty như thế nào.

Trong câu chuyện của CDO những ngày qua, chủ thể đau nhất có lẽ chính là các nhà đầu tư và công ty chứng khoán trong hợp đồng giao dịch ký quỹ cổ phiếu này. Dù có hồi phục và bán được thì ở mức giá này, nhà đầu tư cũng đã mất trắng tài khoản và công ty chứng khoán cũng bị thất thoát phần lớn vốn đã cho vay.

Cặp đôi HNG - HAG

Năm 2014, 2015 và cả năm 2016, câu chuyện của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và "con ruột" Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) khiến thị trường dậy sóng.

Từ mức giá xấp xỉ 30.000 đồng/cổ phiếu cuối năm 2015, HNG đã rơi về mức đáy trên 5.420 đồng/cổ phiếu ngày 23/9/2016, sau khi tạm dừng chân nghỉ ngơi ở mức xấp xỉ 10.000 đồng/cổ phiếu. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với cổ phiếu HAG của Công ty mẹ HAGL, nhưng với mức giảm chậm hơn. Từ mức giá xấp xỉ 25.000 đồng/cổ phiếu cuối năm 2014, HAG đã giảm về mức đáy là 4.930 đồng/cổ phiếu ngày 16/9/2016.

Các mảng kinh doanh chính gặp khó khăn, đặc biệt là đọng vốn mảng cao su do giá cao su giảm mạnh, chăn nuôi bò không hiệu quả như đã từng công bố trước đó, áp lực nợ vay lớn… khiến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp suy giảm mạnh.

Tính đến hết phiên giao dịch ngày 8/2/2017, giá cổ phiếu HAG và HNG tương ứng đạt mức 6.160 đồng/cổ phiếu và 8.700 đồng/cổ phiếu; tương đương mức tăng lần lượt là 25% và 60,52%. So với việc tăng trần liên tục của các mã chứng khoán khác, mức tăng giá của 2 cổ phiếu này không phải là quá lớn, nhưng đặt trong bối cảnh vốn hóa thị trường rất lớn của 2 doanh nghiệp, thì đây là lại con số rất ấn tượng.

Vì sao có sự tăng giá này?

Thị trường vẫn chưa có thông tin chi tiết hơn về đề án tái cấu trúc nợ của HAGL, ngoại trừ những thông tin đã được công bố trước đó, nên có thể nói, đà tăng giá này không đến từ việc tái cấu trúc nợ. Mảng bất động sản tại Myanmar dù được thông tin tích cực từ doanh nghiệp, nhưng cũng không khiến thị trường trong nước hào hứng. Điều tạo nên sự hứng khởi lớn nhất của các nhà đầu tư với cổ phiếu HAG, HNG chính là sự phục hồi của mảng cao su.

Cụ thể, giá cao su tự nhiên tăng gần gấp đôi so với mức giá đáy cuối năm 2015 trong khi diện tích trồng cây cao su của HAGL rất lớn, lên tới trên 30.000 héc-ta. Các năm trước, khi giá cao su rớt thảm, HAGL bị lỗ bởi giá bán thấp hơn giá thành. Vì thế, khi giá cao su hồi phục, cơ hội để Công ty có lãi từ mảng cao su là có thể xảy ra.

Tất nhiên, HAGL cũng chịu những sức ép lớn trong mảng này, khi cây cao su trong suốt thời gian qua đã không được chăm sóc tốt nhất, dẫn đến năng suất thực tế có thể thấp hơn kỳ vọng.

Tuy nhiên, thông tin về việc HAGL công bố tuyển dụng 2.200 công nhân cho các nông trường vừa qua tiếp tục là một cú hích lớn cho những ai yêu thích cổ phiếu HAG, HNG. Nếu giá mủ cao su được duy trì như hiện nay và tiếp tục tăng lên, HAGL có thể sẽ được gặt hái quả ngọt từ mảng này, khi chất lượng công nhân và cây cao su đi vào ổn định.

Một thông tin nữa, dù HAGL khá im ắng, nhưng lại đang được các nhà đầu tư quen biết đánh giá cao, đó là mảng trồng cây ăn quả. Một số nhà đầu tư thạo tin cho biết, HAGL đã bắt đầu thu hoạch sản phẩm, mà gần nhất là chanh leo. Năng suất vụ đầu của HAGL khá tốt, được bao tiêu trọn gói với giá bán cao hơn khoảng 20% so với giá bán trong nước. Sắp tới, HAGL sẽ tiếp tục khai thác các mảng khác, với quy mô diện tích lớn thuộc hàng nhất khu vực.

Làm nông nghiệp có những rủi ro riêng. Tuy nhiên, nếu những yếu tố thuận lợi hiện nay được duy trì, có thể chỉ trong vòng một vài năm nữa, HAGL sẽ khẳng được vị thế của mình ở mảng nông nghiệp.

Mặc dù vậy, có hai câu hỏi lớn mà thị trường vẫn đang cần Ban lãnh đạo Công ty giải đáp trước khi có một đợt bứt phá giá cổ phiếu thực sự là: lợi nhuận từ mảng nông nghiệp này có đủ khả năng bù được sức ép tài chính của toàn Công ty và HAGL sẽ giải quyết bài toán làm sạch tình hình tài chính, nâng cao hiệu quả sinh lời vốn như thế nào?

… đến hàng loạt cổ phiếu khác

Câu chuyện giảm sàn liên tục và tăng giá liên tục dường như không còn quá lạ lẫm với thị trường chứng khoán Việt Nam, dù trong lòng các con sóng chứa đầy bất thường.

Cổ phiếu SIC của Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Sông Đà cũng là một trường hợp như thế khi có liên tiếp 16 phiên giảm sàn (từ ngày 3/1/2017 đến hết 20/1/2017), rơi từ mức giá 33.000 đồng/cổ phiếu về 6.500 đồng/cổ phiếu. Đến nay, sau phiên giao dịch “cầm máu” ngày 25/1/2017, SIC đã có 5 phiên tăng trần, 2 phiên giảm giá, vươn lên mức 8.000 đồng/cổ phiếu.

Tăng 23% trong vòng 6 ngày giao dịch là mức lợi nhuận không ít nhà đầu tư thèm muốn. SIC vừa ra báo cáo tài chính quý IV/2016 với lợi nhuận lên tới 34,337 tỷ đồng trong kỳ, đưa tổng lợi nhuận sau thuế cả năm lên 46,331 tỷ đồng, tương đương thu nhập trên mỗi cổ phiếu là 4.469 đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu SJC trong 6 tháng qua

Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là lợi nhuận trong kỳ chủ yếu đến từ thanh lý tài sản, trong khi hoạt động sản xuất - kinh doanh chính lỗ đến hơn 44,343 tỷ đồng năm 2016 trên vốn chủ sở hữu đầu năm là gần 164,9 tỷ đồng, cuối năm là 211,2 tỷ đồng.

Năm 2016, SIC đã trả được khoản nợ hơn 200 tỷ đồng, giúp tiết kiệm trên 20 tỷ đồng chi phí lãi vay cho năm 2017. Nhưng nếu không cải thiện hiệu quả kinh doanh từ hoạt động chính, việc SIC giảm giá trở lại sau hưng phấn lợi nhuận đột biến là có thể xảy ra.

Tương tự, cổ phiếu LHG của Công ty cổ phần Long Hậu tính từ tháng 10/2016 đến nay cũng gây nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư, khi từng đạt mức 26.550 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 10/2016 và giảm dần đều về mức 15.100 đồng/cổ phiếu vào ngày 18/1/2017. Tính đến nay, cổ phiếu này tăng gần 37,75%, sau khi đã giảm nhẹ 3 phiên liên tiếp (ngày 6, 7, 8/2/2017).

Diễn biến giá cổ phiếu LHG trong 6 tháng qua

Đà tăng giá này của LHG được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh quý IV/2016 ấn tượng, tăng 150% so với cùng kỳ năm trước.

Chưa rõ vì sao LHG có đợt sụt giảm giá mạnh đúng vào đợt hoạt động kinh doanh khởi sắc mạnh mẽ và liệu Công ty có thể duy trì được hiệu quả kinh doanh nói trên trong thời gian tới, nhưng rõ ràng, cú giảm giá sâu đã tạo nên cơ hội kiếm lời khá lớn cho cổ đông dám bắt đáy, tính đến thời điểm này.

Bùi Sưởng

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/nhung-co-phieu-vut-tang-manh-tu-vuc-tham-177709.html