Những con đường xà cừ trước và sau khi vắng bóng cây xanh

Khoảng xanh của xà cừ cổ thụ trên nhiều tuyến đường Hà Nội nay được thay bằng những đại công trình giao thông đang dần thành hình.

Hà Nội có thể tốn hàng chục tỷ đồng nếu chặt hạ, đánh chuyển 4.000 cây xà cừ.

Để xây dựng tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp phép cho việc chặt hạ và đánh chuyển trên 200 cây xanh trên các tuyến đường có dự án đi qua để đảm bảo an toàn hành lang. Tháng 10/2016, khoảng 110 cây xà cừ ven hồ Thủ Lệ (Hà Nội) đã được di dời, trong đó có 24 cây xà cừ cổ thụ.

Số xà cừ cổ thụ có đường kính từ 40cm đến trên một mét đã được đánh chuyển về vườn ươm ở Đa Tốn, Gia Lâm đến nay đã được hồi sinh. Còn đường Kim Mã đang trong quá trình thi công trụ và xà mũ phục vụ tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội.

Đường Kim Mã, trước cửa Đại học Giao thông Vận tải cũng có hàng chục cây xà cừ cỡ lớn bị chặt hạ để nhường chỗ cho dự án đường sắt đô thị.

Cũng phục vụ tuyến Metro đầu tiên ở thủ đô, hàng chục cây xanh trên đường Tây Tựu (đường 70) cạnh nhà ga chính (depot) Nhổn - Ga Hà Nội cũng được đánh chuyển năm 2015.

Để xây dựng cầu vượt nút giao Cầu Giấy, tháng 8/2015, Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty cây xanh chặt hạ cả chục cây xà cừ cỡ lớn, đường kính từ 50cm đến hơn 1m. \"Đây là việc bất khả kháng, Sở đã tính phương án hạn chế tối đa việc đốn hạ những cây xanh như thế này\", lãnh đạo Công ty cây xanh Hà Nội nói.

Cũng trong năm 2015, hàng xà cừ ven sông Tô Lịch trên đường Láng với gần 30 cây to cỡ hai người ôm ở dải phân cách giữa cũng bị chặt bỏ để phục vụ xây dựng nhà ga đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Theo thống kê, cây xanh Hà Nội được trồng trên 500 tuyến phố với hơn 100 loài trong đó 25 loài có số lượng cá thể lớn. Số lượng trồng khoảng 50.000 cây trong đó xà cừ chiếm 1/10. Loài cây truyền thống này của Hà Nội được trồng nhiều ở các tuyến phố cổ, phố cũ với ưu điểm là cây cao, tán rộng. Tuy nhiên nhược điểm của xà cừ là cây rễ chùm bám đất rất nông, ăn nổi gây hư hại cho các công trình ngầm và vỉa hè, dễ bị đổ khi gặp mưa bão hoặc bị xâm hại do quá trình thi công của con người.

Cuối năm 2014, gần 400 cây xà cừ và nhiều cây xanh khác cũng bị chặt để đảm bảo an toàn cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Hàng xà cừ với hơn 1.300 cây đường Phạm Văn Đồng cũng dự kiến phải di dời để nhường chỗ cho dự án đường Vành đai 3 mở rộng và xây đường trên cao. Ngày 13/6, Sở Giao thông Hà Nội cùng sở Xây dựng và một số ban ngành sẽ thực địa để đưa ra quyết định cuối cùng về số phận của hàng cây này.

Ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Hà Nội cho rằng, các dự án đều tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước và khi giải phóng mặt bằng thì lấy ý kiến người dân. “Chặt cây đi ai cũng tiếc, mình đang trồng chả được, nhưng trong quá trình phát triển, chỗ nào cần di dời cây thì bắt buộc phải làm, chẳng lẽ dừng lại không làm gì”, ông Hải nêu quan điểm.

Theo Bá Đô/Vnexpress.net

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/nhung-con-duong-xa-cu-truoc-va-sau-khi-vang-bong-cay-xanh.html