Những con đường ý Đảng, lòng dân

(Xây dựng) - Nhà nước hỗ trợ vật tư, người dân đóng góp tiền và công sức để xây dựng đường bê tông ở các trục thôn, xóm. Những con đường này được xây dựng từ chính mồ hôi của mình nên được người dân làm và bảo về rất kỹ lưỡng.

Con đường làng Pó đổi mới

Trước đây, những con đường này là nỗi ám ảnh của bà con khi ổ trâu, ổ voi đầy rẫy. Có những con đường mùa nắng thì bụi mù mịt, mùa mưa thì trơn trợt đến độ trâu bò đôi khi đi còn té ngã. Với những người đã trải qua cuộc sống ở Gia Lai này mới hiểu được cái bụi, cái trơn trợt của vùng đất bazan này. Nhều đoạn đường người dân phải lội qua suối, rất khó khăn trong hoạt động dân sinh và vận chuyển nông sản.

Theo định hướng của tỉnh Gia Lai, huyện Chư Prông đã chủ trương làm đường theo phương án Nhà nước cấp vật tư, dân đóng tiền và công sức tự thi công. Sau 3 năm thực hiện chủ trương này, đã có gần 40km đường thôn được hoàn thành. Nhiều công trình được đánh giá cao và được xếp vào “Top” đầu trong chủ trương “Cứng hóa đường nông thôn” của tỉnh..

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Trung - Phó Phòng Kinh tế huyện Chư Prông cho biết: “Vì đặc thù địa hình cũng như khó khăn về kinh tế, tỉ lệ cứng hóa đường giao thông nông thôn của huyện nhìn chung là còn thấp, nhất là các trục thôn xóm. Từ năm 2010, huyện chủ trương làm đường theo phương pháp Nhà nước cấp vật tư, dân đóng góp tiền và công sức tự thi công thì hình hình được cải thiện đáng kể. Do công trình tự thi công nên yên tâm về chất lượng”.

Với những xã đa số là những người dân tộc thiểu số nghèo nhờ sự vận động, công tác tư tưởng của cán bộ thôn xã và bằng phương pháp này, nhiều con đường cũng được thông suốt như đường làng Pó, đường làng Klă của xã Ia Kly và đường Giọt Nước, đường làng Nhất của xã Ia Băng...

Nhiều nơi vì quá bức thiết về con đường nên người dân tập trung toàn bộ sức lực thi công hoàn thành với thời gian kỷ lục. Cụ thể, đường xã Thăng Hưng dài 200km chỉ thi công trong 5 ngày, đường liên thôn ở xã Bình Giáo dài 1 km hoàn thành chưa đầy 1 tháng, tính cả thời gian san ủi mặt bằng.

“Nếu như Nhà nước không phát động làm đường bê tông thì dân làng mình sẽ khổ mãi. Nhờ con đường mà dân làng mình đang ngày càng khởi sắc” - chia sẻ của ông Kpă Thiên, người dân huyện Chư Prông.

Một cán bộ huyện dẫn PV đi thực địa con đường bê tông hóa làng Pó (Xã Kly) dài 1.200m, do Nhà nước và nhân dân cùng làm với tổng trị giá hơn 900 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 60%, còn lại được sự hỗ trợ của Nhà nước.

Được Nhà nước cấp 300 triệu cho xã Ia Kly để mua xi măng, các loại vật liệu xây dựng. Cán bộ chuyên trách của huyện và xã Kly lập kế hoạch dự toán, thi công. Tất cả các khâu khác như tổ chức ban vận động, giám sát, giải phóng mặt bằng, thi công đều do người dân tự tổ chức, phân chia. Hộ khá thì đóng tiền, nghèo thì góp công sức. Có những đoạn đường người dân cần thêm mặt bằng cho đủ diện tích thi công, người dân tự nguyện hiến đất, di dời tài sản.

“Trước đây, từ nhà mình đến rẫy là một chặng đường khó khăn. Khốn khó nhất là vào mùa thu hoạch, phải mất nhiều công sức mới đưa được nông sản đến điểm tiêu thụ. Nhiều khi còn bị ứ đọng lại do nước ngầm suối Mơ dâng cao không thể lội qua được, từ bao đời nay vẫn vậy. Để con đường thuận tiện cho dân làng đi lại, phát triển, hiến chút đất có gì mà đáng kể” - Ông Siu Thơ (làng Pó) chia sẻ khi hỏi về lý do tự nguyện hiến hơn 500m2 đất rẫy để con đường được thông thoáng.

“Năm 2014, huyện Chư Prông được tỉnh phân bố gần 9 tỷ đồng để cứng hóa 25km đường nông thôn, huyện đã lên kế hoạch thực hiện 34km. Hiện nay, nhiều con đường đã được thi công xong, từ nay đến Tết Dương lịch, chúng tôi chắc chắn sẽ hoàn thành kế hoạch”- ông Trung chia sẻ thêm.

Như Mai

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/nhung-con-duong-y-dang-long-dan.html