Những con số 8 kỳ lạ và chuyện khó tin ở ngôi đền 'bất cứ ai cũng phải dừng chân vái lạy'

Bất cứ ai qua lại đều phải dừng chân thành tâm nhang khói ở ngôi đền thiêng đến kỳ lạ này. Đây là "quy định" không bắt buộc nhưng chẳng ai dám "bước qua"

Buồng chuối lạ ra 8 nải, tắc kè đẻ 8 trứng và kêu đúng 8 tiếng trong một buổi lễ kỷ niệm hoành tráng và xúc động… chỉ là số ít những chuyện lạ lùng xảy ra ở đền thờ hang Tám Cô trên đỉnh Trường Sơn (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình ).

Suốt mấy năm nay, dưới tán rừng già u tịch, ngôi đền nhỏ thờ 8 thanh niên xung phong hi sinh trong chiến tranh chống Mỹ này đã tồn tại rất nhiều những câu chuyện lạ kỳ mà đến giờ vẫn chưa thể giải thích.

Bởi sự linh thiêng, kỳ bí đó nên tuy mới dựng từ 2005 nhưng bây giờ, ngôi đền này đã là địa chỉ tâm linh của đông đảo mọi người.

Con số 8 định mệnh

Đường 20 khởi đầu từ Kỳ quan thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng nhắm đỉnh núi Trường Sơn cao vời vợi rồi đâm tuột qua biên giới. Chiến tranh chống Mỹ đây là con đường được đắp bằng xương bằng máu.

Ngôi đền thiêng bất cứ ai lại qua cũng phải dừng chân vái lạy

Thời đó, để ngăn cản đường tiếp viện, chuyển quân của ta, giặc Mỹ điên cuồng bắn phá tuyến đường huyết mạch Đông Trường Sơn. Trước sự điên cuồng của kẻ thù, ta quyết định mở những tuyến đường “xương cá” nối liền Đông với Tây Trường Sơn để cuộc tiếp vận cho chiến trường miền Nam được liên tục thông suốt.

Đường 20 là một trong những tuyến đường “nối liền” Đông- Tây ấy. Khởi công từ 22/12/1965 đến 27/4/1966, con đường dài gần 100 cây số này đã thần tốc hoàn thành.

Khi đường được thông xe, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá đây là “kỳ công, kỳ tích, kỳ quan…” của tinh thần yêu nước.

Hoàn thành con đường đã khó, giữ gìn để từng đoàn xe nối đuôi nhau ùn ùn ra tiền tuyến cũng là một kỳ tích phi thường. Ngày ấy, mỗi thước đất của đường 20 đều bị bom đạn kẻ thù cầy xéo, lật đi lật lại tới cả trăm lần.

Mỗi trọng điểm như cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu - La - Nhích là một chiến trường khốc liệt, thấm máu không biết bao nhiêu chiến sĩ vận tải, công binh và thanh niên xung phong.

Mỗi nắm đất, mỗi cành cây, ngọn cỏ trên tuyến đường này đều thấm máu của những người con ra đi vì nước.

Bí ẩn ở hang Tám Cô, nơi 8 thanh niên xung phong anh dũng hi sinh

Đoạn đường chạy qua hang Tám Cô cũng là một điểm nóng, là một cái túi để máy bay quân thù trút bom, trút đạn. Cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn thắc mắc tại sao lại gọi là “hang Tám Cô” khi thực tế những 8 thanh niên xung phong hi sinh trong hang có cả nam giới.

Cái tên “hang Tám Cô” đã có từ trước đó, do người dân địa phương đặt khi qua lại trên con đường này. Bởi thế nên việc 8 thanh niên xung phong quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa trên hi sinh ở trong hang khiến mọi người liên tưởng tới một sự trùng hợp ngẫu nhiên và oan nghiệt do cái tên đã được người ta vô tình đặt trước này.

Nhiều người bảo, cái chết của 8 thanh niên xung phong đó như một định mệnh đã được sắp đặt từ trước.

Quặt lòng nhìn đồng đội hi sinh

Theo lời kể của các nhân chứng còn sống thì hôm đó, ngày 14/11/1972, trước cửa hang Tám Cô, 8 anh chị thanh niên xung phong đang san lấp hố bom để thông đường thì máy bay Mỹ ập đến. Họ vội chạy vào hang để tránh bom.

Lúc đó, bầu trời đường 20 như vỡ vụn bởi tiếng gầm rú của động cơ máy bay và tiếng bom nổ vang dền, rung chuyển tứ phía.

Khi khói bụi tan đi, những đơn vị khác chiến đấu gần đó bàng hoàng nhận ra cửa hang Tám Cô đã bị một khối đá khổng lồ nặng hàng trăm tấn bịt kín. Chạy đến nơi, họ chỉ nghe văng vẳng tiếng kêu cứu của đồng đội từ sau tảng đá.

Ngay lập tức 3 chiếc xe tăng được điều đến với hi vọng cứu thoát những người trong hang. Xe tăng đồng loạt rú ga, dây cáp căng lên, bánh xích cày vào đá tóe lửa nhưng tảng đá vẫn trơ trơ.

Không thể làm khối đá lớn xê dịch, một phương án khác được đưa ra là nổ mìn phá đá. Sau một hồi cân nhắc, người chỉ huy cao nhất lúc ấy đã không đồng ý vì ức ép của lượng thuốc nổ đủ để phá tảng đá khổng lồ đó gần như chắc chắn sẽ giết chết ngay lập tức những người trong hang.

Tấm bia ghi tên tuổi 8 thanh niên xung phong hi sinh ở hang Tám Cô

Thêm nữa, lượng đá văng ra sẽ làm ách tắc tuyến đường huyết mạch vào miền Nam.

Dọn dẹp số đá này trong thời gian ngắn dưới sự oanh tạc điên cuồng của máy bay Mỹ sẽ tổn hao thêm rất nhiều xương máu. Cái giá phải trả cho việc này quá đắt so với hi vọng sống mong manh của 8 người trong hang sau khi nổ mìn.

Suốt những những ngày tiếp theo, đồng đội của 8 anh chị thanh niên xung phong đó vẫn liên tục quanh quẩn ở cửa hang. Họ mò tìm những khe hở, đường nứt của khối đá để luồn ống bơm nước, bơm sữa, đổ cháo nhưng không thành công.

Sau 8 ngày đêm, cũng là con số 8 lạ kỳ, các thanh niên xung phong ấy đã anh dũng hi sinh trong nước mắt tiếc thương của đồng đội, đồng chí, đồng hương mình.

Nơi bất cứ ai lại qua cũng phải dừng chân thành tâm nhang khói

Trong dặm dài nghề báo của mình, chúng tôi đã nhiều lần trở lại “con đường quyết thắng” này. Lần thì trở lại để thắp nén nhang tỏ lòng thành kính, tri ân với những người nằm xuống, lần thì xuyên rừng vào tận xã Tân Trạch, sát biên giới nước bạn Lào để tận thấy cuộc sống còn nhiều khó khăn của đồng bào Ma Coong, Arem - những tộc người có cuộc sống gắn chặt với rừng.

Trong tất thảy những lần trở lại ấy, chúng tôi đều dừng chân ở hai điểm không thể không dừng đó là hang Tám Cô và hang Y Tá cách Phong Nha chừng 20 cây số.

Còn nhớ chuyến đi đầu tiên, khi thám hiểm rừng quốc gia nổi tiếng này, ông Phan Hồng Thái, khi đó là Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Phong Nha- Kẻ Bàng khi chia tay đã dặn dò kỹ lưỡng: “Các anh đi đường đó thì phải nhớ mua ít hương hoa để thắp ở hang Tám Cô và hang Y Tá. Nhớ đấy, đừng quên nhé!”.

Người qua lại đường 20 đều dừng chân để thành kính dâng hương

Thấy ông hạt trưởng nói vậy, nhiều người trong đoàn chúng tôi đã rất đỗi ngạc nhiên. Thế nhưng, không giải thích thêm, ông Thái chỉ bảo: “Cứ làm như lời tôi dặn!”.

Đúng như lời ông Thái nói, hai điểm trên chúng tôi không thể không dừng. Và, không chỉ chúng tôi mà tất thảy những người qua lại trên tuyến đường này đều làm như vậy. Dù vội đến đâu cứ đến hang Tám Cô, hang Y Tá là tất thảy mọi người đều dừng xe.

Người có điều kiện thì vào tận nơi thắp nhang, người không thì bái vọng từ ngoài. Làm xong “thủ tục” đó thì mọi người mới vững tâm tiếp tục hành trình của mình.

Ngay trong lần đi đó, tìm hiểu, chúng tôi được biết, những người có kinh nghiệm thường xuyên qua lại trên tuyến đường này đều cho rằng, ai tỏ lòng thành kính ở hang Tám Cô thì thượng lộ bình an, gặp nhiều may mắn.

Ai thắp hương ở hang Y Tá thì sức khỏe dồi dào, chuyến đi không bị bệnh tật, tai ương hù dọa.

Ngược lại, nếu ai vô tình hay cố ý quên việc nhang khói ở hai “địa chỉ đỏ” trên thì phải chuốc lấy rất nhiều chuyện không hay, thậm chí nguy hại cả đến tính mạng!?. Những câu chuyện lạ lùng này được truyền tai nhau khiến con đường này ngày một linh thiêng, kỳ bí.

Những chuyện không thể lý giải

Lần trở lại này, bởi sức hút của những câu chuyện lạ lùng trên chúng tôi đã liên lạc với ông Lê Thanh Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Du lịch văn hóa sinh thái Phong Nha- Kẻ Bàng, đơn vị quản lý hai khu di tích linh thiêng trên.

Qua điện thoại, ông Lợi cho biết, những chuyện kỳ lạ đến khó tin xuất hiện ở 2 khu di tích trên, đặc biệt ở hang Tám Cô là có thật. Và, cho tới thời điểm này, những chuyện lạ ấy đang là “đề tài” nóng hổi được đông đảo mọi người đang làm việc ở đây cũng như khách thập phương bàn luận.

Để chúng tôi tìm hiểu rõ hơn, ông Lợi đã giới thiệu chúng tôi đến gặp ông Lê Thanh Lương, Trưởng ban quản lý Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Đường 20 Quyết Thắng, bởi theo ông Lợi, là người công tác lâu năm ở hang Tám Cô, ông Lương là người rõ nhất chuyện chúng tôi cần tìm hiểu.

Nghe chúng tôi trình bày mục đích của mình, sau vài phút trầm ngâm, ông Lương khẳng định, những chuyện tưởng như không có thật trên vẫn xảy ra một cách thường xuyên ở khu di tích này.

Bởi tần suất thường xuyên ấy mà đến giờ, mọi người công tác tại đây cũng không cho là… lạ nữa. Tuy nhiên, chẳng ai có thể lý giải tại sao nơi này lại hay có những chuyện khó tin đến vậy.

Ngày trước, khi chưa về đây công tác, ông Lương đã được nghe nhiều chuyện ly kỳ xảy ra ở hang Tám Cô này. Thế nhưng, khi đó, ông cho rằng đó chỉ là những lời thêu dệt, đồn thổi chứ chẳng có thực.

Nhiều người khăng khăng khẳng định, chính họ mắt thấy tai nghe những chuyện tưởng như phi lý đó thì ông lại cho rằng, người đó yếu bóng vía, nên ám thị, nhìn gà hóa quốc mà thôi.

Chính thế, khi về Trung tâm công tác, được cử lên làm nhiệm vụ nhang khói, trông nom ở hang Tám Cô thì ông xung phong đi ngay, dù người khác thì tìm cách thoái thác, phần vì ngại xa, ngại khổ, phần vì “các o, các cậu trêu hãi lắm!”.

(Còn nữa)

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/nhung-con-so-8-ky-la-va-chuyen-kho-tin-o-ngoi-den-bat-cu-ai-cung-phai-dung-chan-vai-lay-27147-3.html