Những con thú đá

PN - Một trong những thú vui của trẻ con là tưởng tượng những đồ vật vô tri thành những hình ảnh ngộ nghĩnh. Dưới con mắt trẻ thơ, những thứ tưởng như rất bình thường như hòn đá cuội bên đường, đám mây trên trời đều mang dáng dấp của những con thú sống động và vui nhộn. Bố mẹ có thể cùng tham gia giúp trẻ phát triển khả năng tưởng tượng như thế, chỉ bằng một trò chơi thủ công đơn giản mang tên “Các con thú đá”.

Đàn vịt con

Đơn giản với đá

Nguyên liệu chính của trò chơi thủ công này là đá cuội hay sỏi có bề mặt nhẵn nhụi, có thể dễ dàng bám màu vẽ hay sơn. Kích thước của đá chỉ cần có đường kính từ 3-5cm, vừa nằm lọt trong lòng bàn tay của trẻ. Màu sắc và hình dáng của đá cuội hay sỏi càng đa dạng càng tốt, như thế sẽ cho trẻ thỏa trí tưởng tượng. Bố mẹ có thể đến các tiệm bán đồ dùng trang trí cây cảnh, hòn non bộ, hồ cá... để tìm mua những loại đá như thế. Công cụ còn lại sẽ là cọ vẽ và màu nước (hoặc sơn nước), bút lông, giấy thủ công nhiều màu, kéo, keo dán (hồ hoặc keo sữa), súng bắn keo (sử dụng thanh keo), keo 502 (còn gọi là keo con voi).

Các con thú đá

Thỏa trí tưởng tượng

Hãy cho các bé quyền chủ động quyết định viên đá sẽ “là cái gì”. Trong con mắt của trẻ, viên đá có thể trông giống một con thú, hay là những cô tiên, ông sao... Chúng không cần phải chính xác như thế giới thực. Bố mẹ cứ để cho trí tưởng tượng của bé tha hồ bay bổng, sau đó mới bắt tay vào giúp bé trang trí cho viên đá đó.

Vận dụng cọ vẽ lớn để sơn lấp hết một viên đá tùy theo màu da của con thú, hay vật mà bé tưởng tượng. Dùng cọ vẽ nhỏ hay bút lông vẽ thêm các chi tiết khác để hoàn thiện con thú. Hình vẽ không nhất thiết phải chính xác hay đẹp, đôi khi chỉ cần đơn giản như vẽ thêm mắt mũi lên viên đá là đủ. Các bộ phận nhỏ như tai, đuôi, đôi cánh có thể được thêm vào bằng giấy thủ công và hồ dán. Hay một cách khác là dán nhiều viên đá vào nhau làm thành các bộ phận.

Cú mèo

* Lưu ý: Nếu khi dán cần sử dụng keo 502 hay súng bắn keo, người lớn nên làm giúp bé, vì loại keo này khá độc.

Người lớn nên làm mẫu cho bé xem trước, rồi cho bé tự sử dụng cọ vẽ và bút lông để tạo nên các “kiệt tác” bằng đá của riêng mình. Khuyến khích bé sử dụng càng nhiều màu sắc và dụng cụ càng tốt, cùng lúc giúp bé phát triển sự khéo tay.

Sau khi hoàn tất, các con thú đá có thể được dùng để trưng bày trên kệ sách hay bàn học.

XI NHI

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/cam-nang-gia-dinh/nhung-con-thu-da/a129500.html