Ứng dụng Phật giáo vào cuộc sống

'Đạo Phật thực chất là Đạo của giáo dục hơn là một tôn giáo', Tuệ Lạc (tác giả cuốn Sống Sâu) lý giải. Từ các triết lý của đạo Phật, con người sẽ có góc nhìn khác về cuộc sống.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Rainbow.

Ảnh minh họa. Nguồn: Rainbow.

Đối với nhiều người gắn bó với đạo Phật, được sống là một điều may mắn, sống là để tu dưỡng không phải để hưởng thụ. Tất cả những gì bản thân gặp phải đều là do duyên, nghiệp mà nên. Những triết lý về đạo Phật đã ăn sâu vào đời sống. Không chỉ các tăng ni phật tử, những người dân hiểu được triết lý đạo Phật cũng sẽ dần thay đổi suy nghĩ của mình về những sự việc xảy ra xung quanh, từ đó điều chỉnh lại lối sống của mình. Chính vì vậy, nhà sư Tuệ Lạc trong cuốn Sống Sâu đã viết rằng: “Đạo Phật thực chất là Đạo của giáo dục hơn là một tôn giáo”.

Để thấy được những triết lý của đạo Phật có thể ứng dụng ra sao trong cuộc sống, độc giả có thể tìm tới một số cuốn sách sau đây.

Lòng an người an đến (Soul)

Qua cuốn sách, Soul (Tánh Pháp) đưa ra những suy nghĩ và định nghĩ về duyên và hạnh ngộ. Theo tác giả, “Đời này vẫn đẹp là vì, có một số đoạn duyên phải ngừng, số khác lại nảy nở. Tùy ngộ mà an, tùy duyên mà sống”.

Tác giả cho rằng đời sống tinh thần ra sao sẽ thu hút những con người tương tự tìm về, chân trời góc bể cũng gặp được nhau. Những ai càng “nhớ” và “chạm” sâu tới thế giới bên trong, họ càng ít có sự chiếm hữu, càng dần bao dung, từ ái và mong muốn được làm những việc có lợi ích thiết thực cho nhiều người. Đây cũng là điều mà triết lý về duyên trong Phật giáo nói tới.

Lòng an người an đến là những ghi chép của tác giả về quá trình rèn luyện thân tâm, viết những điều cảm nhận được và chia sẻ những trải nghiệm đã qua. Soul thường bắt đầu viết sau khi đọc kinh, nghe pháp, tĩnh lặng để tâm hồn bớt xao động.

Thong dong bước đến, tự tại đi về (Pema Chödrön)

Trong Thong dong bước đến, tự tại đi về, ni sư Phật giáo khả kính Pema Chödrön cung cấp cho người đọc một "khóa học" về cách sống một cuộc đời trọn vẹn và nhân ái trước bóng tối của cái chết và sự thay đổi.

 Thong dong bước đến, tự tại đi về (Pema Chödrön). Ảnh: Thái Hà Books.

Thong dong bước đến, tự tại đi về (Pema Chödrön). Ảnh: Thái Hà Books.

Những giáo huấn sâu sắc của bà về những giáo lý bardo - tiếng Tây Tạng nghĩa là “trạng thái chuyển tiếp", tức là những gì xảy ra giữa kiếp này và kiếp sau tiết lộ sức mạnh và mối liên hệ của chúng với từng thời điểm trong cuộc sống. Bà cũng đưa ra những phương pháp thiết thực để chuyển hóa những cảm xúc khó khăn thành con đường dẫn đến tỉnh thức và yêu thương. Như những gì bà truyền dạy, càng tự do trong tâm thức và trải nghiệm của mình khi sống cuộc đời này, chúng ta càng dũng cảm đối mặt với cái chết.

Bà Pema Chödrön là một nữ tu sĩ Phật giáo người Mỹ theo truyền thống Tây Tạng, gắn bó chặt chẽ với trường phái Kagyu và dòng truyền thừa Shambhala. Khi ở độ tuổi ngoài ba mươi, bà du hành đến dãy núi Alps của Pháp và gặp Lama Chime Rinpoche, người mà Chödrön đã học tập trong vài năm. Bà trở thành sa di ni vào năm 1974 khi đang học với Lama Chime ở London. Ni sư Pema Chödrön còn được độc giả Việt Nam biết tới qua cuốn sách Khi mọi thứ sụp đổ (When things fall apart).

Thiền và nghệ thuật hạnh phúc (Chris Prentiss)

Thiền định là một phần quan trọng và phổ biến trong đạo Phật bởi nó đóng vai trò then chốt trong việc thực hành và đạt được giác ngộ. Một trong những lý do chính khiến thiền trở nên phổ biến là vì nó cung cấp một phương pháp trực tiếp và hiệu quả để hiểu rõ bản chất của tâm thức và hiện thực. Qua thiền, người thực hành học cách quan sát và hiểu sâu về các hoạt động của tâm trí, từ đó giảm bớt phiền não và khổ đau.

 Thiền và nghệ thuật hạnh phúc (Chris Prentiss) bản mới năm 2024.

Thiền và nghệ thuật hạnh phúc (Chris Prentiss) bản mới năm 2024.

Qua cuốn Thiền và nghệ thuật hạnh phúc của thiền sư Chris Prentiss độc giả có thể tìm thấy những hướng dẫn thực hành và triết lý về thiền. “Một bản thể nếu không trải qua một khoảng thời gian nâng cấp, cải tiến, cập nhật cho phù hợp với năng lượng của vũ trụ hiện nay thì làm sao có thể trở thành một phiên bản tốt hơn so với phiên bản hiện tại được”, Chris Prentiss viết về ý nghĩa của thiền định.

Thông qua phương thức thiền, cuốn sách sẽ giúp độc giả biết cách thích nghi với những thay đổi không thể tránh khỏi trong cuộc sống, làm sao để xử lý stress một cách lành mạnh và làm thế nào để nuôi dưỡng được hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày. Sự uyên bác nhẹ nhàng của cuốn sách sẽ chỉ cho độc giả thấy làm thế nào để đưa những trải nghiệm đẹp đẽ vào trong cuộc sống của mình và tạo ra được một triết lý giúp các cá nhân vượt qua bất cứ khó khăn nào.

Nguồn gốc Thiền Phật giáo (Alexander Wynne)

Cũng là một cuốn sách về thiền nhưng, Alexander Wynne (TS Phật học tại Đại học Oxford) lại có một hướng đi tiếp cận đi từ lịch sử.

 Nguồn gốc Thiền Phật giáo (Alexander Wynne).

Nguồn gốc Thiền Phật giáo (Alexander Wynne).

Mặc dù nhiều học giả Phật giáo Ấn Độ hiện đại vẫn còn hoài nghi về tính xác thực và khả năng tái hiện lại những giáo lý nguyên thủy, cuốn sách này bảo chứng rằng việc đó là khả thi.

Dựa trên các tác phẩm của văn học Bà la môn sơ kỳ, đặc biệt là các tác phẩm tiền Áo nghĩa thư (Upanisạd) và Giải thoát đạo (Moksạdharma), tác giả khẳng định rằng Đức Phật đã học các phương pháp thiền từ hai vị đạo sư này.

Những phương pháp thiền này sau đó được Đức Phật phát triển và hoàn thiện, trở thành một phần không thể thiếu trong giáo lý của Ngài. Bằng cách sử dụng các nguồn tư liệu này, tác giả cũng cố gắng xác định và làm sáng tỏ một số lời dạy chân chính của Đức Phật về thiền, minh chứng cho sự liên kết giữa các phương pháp thiền sơ kỳ và giáo lý Phật giáo sau này.

Bên cạnh đó, cuốn sách khẳng định giá trị của thiền và cho thấy hoạt động này đã đi vào đời sống con người qua hàng thế kỷ ra sao. Từ đó, giúp người đọc hiểu thêm về giá trị của thiền trong thực tiễn.

Sống sâu (Tuệ Lạc)

Sống Sâu (Deep living) là một khái niệm sống còn khá mới nhưng mang ý nghĩa rộng sâu, phản ánh cách chúng ta vận hành cuộc sống trên nhiều khía cạnh khác nhau. "Chúng ta cứ lo sợ rằng nếu chúng ta dừng lại trong chốc lát, nếu chúng ta chậm lại sẽ bị thế giới tất bật này bỏ lại sau, nhưng thật ra bấy lâu nay chúng ta đã bị bỏ lại phía sau rồi", tác giả viết trong Sống Sâu.

 Sống sâu (Tuệ Lạc) lần đầu ra mắt năm 2024.

Sống sâu (Tuệ Lạc) lần đầu ra mắt năm 2024.

Thông qua cuốn sách này, tác giả dùng Đạo để nói về Đời, và đưa vào một số trích đoạn Kinh điển Phật giáo nhằm dẫn chứng với mong muốn giúp các bạn trẻ có cái nhìn sâu sắc hơn về mọi mặt của cuộc sống. Mục tiêu của tác giả là giúp mọi người thấu hiểu, nhận thức và đạt được một cuộc đời an nhiên, hạnh phúc.

Cuốn sách không chỉ dành riêng cho Phật tử mà còn hướng tới độc giả thuộc các tôn giáo khác, giúp họ chiêm nghiệm và áp dụng khái niệm Sống Sâu vào đời sống thông qua những thông điệp ngắn gọn nhưng thực tế. Đạo Phật thực chất là Đạo của giáo dục, hơn là một tôn giáo, do đó người thuộc mọi tín ngưỡng có thể học hỏi và thực hành Chánh pháp mà vẫn giữ nguyên niềm tin tôn giáo của mình.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-cuon-sach-ung-dung-dao-phat-vao-cuoc-song-post1476715.html