Những dấu ấn của môi trường Thủ đô

Năm 2016, năm “Trật tự, văn minh đô thị” được đánh giá là có những bước đột phá về môi trường của Thành phố với việc đưa công nghệ, tăng cường cơ giới hóa thực hiện vệ sinh môi trường, cải thiện môi trường sống cho người dân. Đây là bước đệm mang dấu ấn quan trọng, từng bước nâng cao chất lượng môi trường sống để Thành phố thực sự sạch và xanh.

Đổi mới vận hành thu gom rác thải

Triển khai năm “Trật tự và văn minh đô thị 2016”, công tác nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, trong đó đổi mới công nghệ thu gom rác thải theo hướng cơ giới hóa được lãnh đạo Thành phố chỉ đạo quyết liệt nhằm từng bước hướng đến một Thủ đô văn minh, sạch đẹp sánh ngang với các nước phát triển trong khu vực.

Những hàng cây phượng vĩ mới được trồng trên một số tuyến phố một hai năm nữa sẽ là điểm nhấn ấn tượng của Thủ đô.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện, tỉ lệ thu gom, vận chuyển rác thải theo hướng tăng cường cơ giới hóa đạt 80% tại địa bàn các quận nội thành và khoảng 30% địa bàn các huyện. Cụ thể, đã đầu tư mua sắm mới 30 xe 2,5 tấn cuốn ép; 50 xe 0,5 -1 tấn thu rác trực tiếp tại nhà; 250 xe đạp; 13 xe quét hút 6m3; 10 xe quét hút

Quy trình thu gom, vận chuyển rác thải mới sau một thời gian thực hiện đã thu được kết quả tốt, xóa được các điểm chân rác, hạn chế xe thu gom rác thủ công, tiết giảm được 30- 40% kinh phí. Bên cạnh đó, Thành phố cũng triển khai kế hoạch lắp đặt 1.000 nhà vệ sinh công cộng. Đến nay, đã khảo sát được 392 vị trí/471 vị trí quận, huyện, thị xã đề xuất đủ điều kiện lắp đặt nhà vệ sinh.

Hồ Hoàn Kiếm Xanh - Sạch - Đẹp.

Đã lắp đặt hoàn chỉnh 3 nhà vệ sinh. Đang hoàn chỉnh mẫu thiết kế để đảm bảo lắp đủ 200 nhà vệ sinh trước tết Nguyên đán 2017. Chỉ sau thời gian ngắn cải tiến quy trình thu gom rác thải bằng xe cơ giới, công tác vệ sinh môi trường tại khu vực nội thành Hà Nội có chuyển biến tích cực, được người dân ủng hộ và ghi nhận.

Được biết, công tác đổi mới quy trình công nghệ thu gom rác theo hướng cơ giới hóa bắt đầu triển khai từ tháng 4/2016 và đến nay đã áp dụng rộng rãi tại 4 quận trung tâm (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng). Quy trình công nghệ mới thực hiện nguyên tắc “4 thay” và “4 kín”.

Hình ảnh nhân viên Urenco lịch sự với các công cụ gọn nhẹ, mặc áo đồng phục tuyên truyền hướng dẫn người dân bỏ rác đúng quy định tác động tích cực tới quần chúng nhân dân.

Trong đó, nguyên tắc 4 thay là thay việc thu rác bằng xe gom sang thu rác trực tiếp bằng xe cơ giới và thiết bị thu chứa; thay quét đường, quét hè thủ công bằng quét hút cơ giới; thay các điểm cẩu hở, mất vệ sinh, mỹ quan đô thị bằng các điểm chuyển tải; thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi, mọi lúc mọi nơi bằng bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định.

Nguyên tắc 4 kín là bỏ rác vào túi kín; thùng thu chứa, phương tiện thu gom, vận chuyển, chuyển tải và xử lý khép kín; điều độ phương tiện bằng mạch vòng khép kín (thông qua trung tâm điều hành phương tiện); giữ gìn vệ sinh kín trong 24h/ngày và 7 ngày/tuần.

Chia sẻ với LĐTĐ, ông Nguyễn Hữu Tiến - Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) - đơn vị chủ lực thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường Thành phố - cho hay, việc thay đổi quy trình mới này là thay đổi từ thu gom thụ động sang chủ động, có nghĩa là chỉ thu rác từ các hộ dân vào 1 khung giờ trong ngày (từ 20h-22h), giờ thu gom được thông báo trước với người dân và đến giờ thu rác, người dân mang rác trực tiếp để lên xe thu gom của công nhân Urenco.

“Đây là cách thức thu gom rác được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, thay đổi quy trình là thay đổi thói quen, việc thay đổi thói quen xả rác đã tồn tại rất lâu của người dân cần phải có thời gian để tất cả mọi người cùng quen với nếp sinh hoạt mới nên công tác tuyên truyền, vận động luôn được công ty chú trọng.

Hơn nữa, việc đổi mới đồng bộ quy trình công nghệ thu gom rác đòi hỏi đội ngũ những người thực hiện phải quyết tâm, luôn sáng tạo, không ngừng nỗ lực và hết sức kiên trì. Đây là “đợt cải cách” mang tính dài hơi và cần có những đầu tư mạnh mẽ từ nguồn lực đến con người”- ông Tiến nói.

Phủ xanh Thủ đô bằng 1 triệu cây xanh

Trong tiến trình đô thị hóa, giữa ngột ngạt của những khối bê tông và đường nhựa, những hàng cây xanh càng trở nên quý giá hơn bao giờ hết góp phần cải thiện mỗi trường sống cho người dân Thủ đô.

Hệ thống xe City Master số hiệu 600, 1250, 1600. Đây là thiết bị máy công nghiệp được nhập khẩu từ Đức chuyên phục vụ việc vệ sinh đô thị.

Vì thế, chủ trương phủ xanh Thành phố năm 2016, với việc thực hiện trồng thêm 1 triệu cây xanh đến năm 2020, do Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung khởi xướng được người dân Thủ đô hào hứng đón đợi.

Hiện việc thay thế, trồng bổ sung cây xanh tạo cảnh quan đẹp, đồng bộ một số tuyến đường quan trọng, đường chính đô thị, tuyến văn minh thương mại, cửa ngõ Thủ đô theo hướng giảm chi phí duy tu, duy trì, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão đã và đang được Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội thực hiện.

Sau nửa năm triển khai, đến nay, Thành phố đã trồng trên 200 nghìn cây xanh theo chương trình trồng một triệu cây xanh đến năm. Trong đó 4.000 cây được trồng trên các tuyến đường, tuyến phố; 2.500 cây long não trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp; 3.283 cây chiêu liêu trên tuyến đường 5 kéo dài (đường Trường Sa, Hoàng Sa, Lý Sơn); ... Hiện, Thành phố đang tập trung hoàn thiện các thủ tục và triển khai xây dựng các vườn ươm cây để chủ động về nguồn cung cấp cây; phối hợp với Học viện Nông nghiệp, Học viện Lâm nghiệp để nghiên cứu đề án phát triển cây xanh đô thị.

Cùng với việc triển khai phủ xanh Thành phố, công tác cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn đô thị cũng được thực hiện với quy mô lớn. Đầu năm 2016, Thành phố đã trang bị cho Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội máy móc, trang thiết bị rất hiện đại, chuyên dụng cho việc tỉa cây xanh nhập từ Đức, Pháp có năng suất cao, kích thước bé, trọng lượng nhẹ, gồm 11 xe nâng, 3 xe cẩu tự hành, 3 máy nghiền cành, lá (để sản xuất phân, tiết kiệm kinh phí vận chuyển đổ đi.

“Nếu như trước đây, việc cắt tỉa chủ yếu được tiến hành bằng phương pháp thủ công và mỗi năm chỉ xử lý được khoảng 3.500 cây, thì với thiết bị hiện đại này, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, Công ty đã cắt tỉa được 26.000 cây xanh, bằng tổng số hơn 7 năm qua và đảm bảo tuyệt đối an toàn, không ảnh hưởng đến đời sống người dân”- ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty Công viên Cây xanh cho biết.

Người dân ngoại thành có thể uống nước tại vòi

Cùng với những bước chuyển lớn trong công tác thu gom rác, trồng và duy tu duy trì cây xanh, năm 2016, Thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh khai thác nguồn nước ngầm, nâng công suất các nhà máy nước hiện có, Thành phố đã nỗ lực nghiên cứu và quyết định tập trung đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng và Nhà máy nước mặt sông Đuống, công suất 300.000 m3/ngày đêm (bằng 30% tổng lượng nước cung cấp hiện nay trên địa bàn Thành phố).

Cả hai dự án đang được Thành phố đốc thúc khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị mặt bằng xây dựng, lập tiến độ chi tiết để khởi công, phấn đấu hoàn thành giai đoạn 1 dự án vào năm 2018 và giai đoạn 2 vào năm 2020.

Cùng đó, tập trung đẩy mạnh tiến độ dự án nhà máy nước Dương Nội – Hà Đông 30.000 m3/ ngày đêm; dự án mở rộng Nhà máy nước mặt Bắc Thăng Long – Vân Trì lên 150.000 m3/ ngày đêm và dự án nâng công suất nhà máy nước sông Đà lên 600.000 m3/ ngày đêm.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội, bên cạnh những nỗ lực đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt ở đô thị, Thành phố còn quan tâm công tác cấp nước sạch cho người dân ngoại thành, nhất là ở những khu vực mà nguồn nước ngầm đang cạn kiệt hoặc bị ô nhiễm, theo công nghệ lọc nước bằng bình lọc Katalox Light của Đức.

Theo kế hoạch, đến năm 2020, Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu 100% dân số được dùng nước sạch, có thể uống tại vòi theo tiêu chuẩn châu Âu. Năm 2016, Thành phố đã thực hiện lắp đặt thí điểm mô-đun lọc nước giếng khoan tại Chương Mỹ và Phú Xuyên. Mô hình này sử dụng công nghệ Đức, có nhiều ưu điểm so với việc sử dụng dàn mưa và bể lọc truyền thống, cho chất lượng nước sau lọc đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế; lắp đặt nhanh; không tốn diện tích thi công; khai thác, vận hành đơn giản.

Vật liệu lọc từ 5 đến 7 năm mới phải thay. Một mô-đun lọc đáp ứng được nước sinh hoạt cho khoảng 150 hộ dân. Đây được đánh giá là biện pháp xử lý nhanh vấn đề nước sinh hoạt ở ngoại thành khá hiệu quả và kinh tế.

Hiện, Thành phố đang tiếp tục triển khai khảo sát và xây dựng phương án cấp nước vùng ảnh hưởng cho 3 xã Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ của huyện Sóc Sơn. Đây là những xã nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng về môi trường từ bãi rác Nam Sơn. Đến nay đã khoan được 10/14 giếng nước, dự kiến đầu quí 1/2017 bắt đầu cấp nước sạch cung cấp cho người dân ở đây.

Về lâu dài, Thành phố sẽ lắp đặt khoảng 20 nghìn bộ lọc nước tương tự cho khoảng 300 nghìn hộ dân ở các huyện ngoại thành, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng sống của người dân. Cùng với đó, Thành phố cũng khẩn trương đẩy mạnh các biện pháp nhằm khôi phục những trạm cấp nước không hoạt động và triển khai các dự án trạm cấp nước mới trên địa bàn các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Thường Tín, Thanh Oai, …

Xử lý 80 hồ ô nhiễm môi trường nước

Bước đột phá trong công tác thoát nước năm 2016 có lẽ là việc UBND thành phố Hà Nội tổ chức nghiên cứu và đặt hàng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nước hồ trên địa bàn. Sau khi thí điểm tại 3 trong số các hồ ô nhiễm nặng nhất là Giáp Bát, Hố Mẻ và Ba Mẫu, Thành phố tiếp tục xử lý đột xuất Hồ Tây và nhân rộng ra 68 hồ nội thành và 7 hồ ngoại thành, hồ Hữu Tiệp được xử lý bằng dung dịch ph 104TM của Mỹ, đạt kết quả khả quan.

Được biết, trước khi xử lý, nước của các hồ đều bị ô nhiễm hữu cơ và đang trong tình trạng phì dưỡng, nước mầu xanh đậm, có mùi tanh, thối. Tuy nhiên, chỉ sau 5 ngày xử lý, nước hồ đã trong, không còn mùi khó chịu, sinh vật thủy sinh phát triển bình thường, các chỉ tiêu về nước mặt giảm về ngưỡng cho phép.

Không chỉ chú trọng cải tạo cảnh quan môi trường các hồ nước, Thành phố bắt đầu tập trung đưa công nghệ tiên tiến vào xử lý nước thải. Đây là công việc khó bởi đòi hỏi nguồn lực lớn, nhưng nếu thực hiện thành công sẽ khắc phục tận gốc tình trạng ô nhiễm do nguồn nước thải gây ra, môi trường Thành phố được cải thiện rõ rệt.

Tháng 10/2016, Thành phố đã khởi công Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, đồng thời hoàn thành và đưa vào sử dụng Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức.

Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá sẽ xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 270 nghìn m3/ngày đêm tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì; hệ thống thu gom nước thải dọc hai bờ sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần tả ngạn sông Nhuệ, để xử lý nước thải sinh hoạt thu gom trên diện tích 4.874 ha bao gồm các quận: Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và huyện Thanh Trì; góp phần làm trong sạch lại các sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần sông Nhuệ.

Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Cầu Ngà có công suất xử lý 20 nghìn m3 nước thải/ngày đêm, sử dụng công nghệ xử lý sinh học khép kín, với dây chuyền thiết bị tự động hóa được nhập khẩu từ châu Âu. Nhà máy đi vào hoạt động góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực phía tây thành phố - nơi tập trung nhiều làng nghề, hằng ngày thải lượng nước thải lớn, gây ô nhiễm môi trường.

Thương Huế

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhung-dau-an-cua-moi-truong-thu-do-47879.html