Những dấu vết biết nói

(24h) - Mặc dù Nguyễn Đức Nghĩa đã tính toán rất kỹ lưỡng để công an không thể nhận diện được nạn nhân (cũng như không thể tìm ra hung thủ) nhưng nhiều dấu vết biết nói vẫn chống lại hắn.

Trở lại hành động của tên Nghĩa Sau khi làm xong những công việc của một tên đồ tể, hắn bèn dùng dao rạch hết quần áo của nạn nhân ra, rồi cởi bộ quần áo vấy máu của hắn, cùng với quần áo nạn nhân cho vào túi ni lông và nhét vào trong tủ quần áo của Hoàng Thị Yến. Xong xuôi đâu đó, hắn mới nghĩ đến việc phải giấu xác nạn nhân. Trước khi quyết định ra tay sát hại Linh để cướp xe máy và máy tính, hắn đã nghĩ đến việc phải giấu xác ở đâu. Hắn biết rất rõ không thể mang nạn nhân đi giấu ở nơi xa bởi vì nhà G4 có hệ thống camera an ninh, cho nên không thể tránh được sự theo dõi. Vì vậy nơi giấu nạn nhân kín đáo nhất là căn phòng kỹ thuật đặt trên tầng thượng của tòa nhà. Hắn đã nhiều lần “lang thang” lên đó chơi và thấy có một phòng đặt các thiết bị cung cấp điện nước và có một ống thông dưới tầng 1 dùng để các hộ gia đình đổ rác. Phòng kỹ thuật đó không bao giờ khóa, và chắc chắn không có ai lai vãng đến đấy, trừ khi có sự cố kỹ thuật về điện nước thì nhân viên của ban quản lý tòa nhà mới lên. Suy tính mãi, hắn thấy chỉ có đưa lên đó là dễ che giấu nhất. Đến khoảng 4h sáng thì hắn mở cửa đi ra ngoài theo dõi và thấy tất cả đều im ắng. Hắn quay vào bọc xác của Linh vào trong chiếc chăn mỏng rồi vác lên vai… đi rất nhẹ nhàng không hề gây ra tiếng động và khi đến sảnh tòa nhà, hắn ngước nhìn camera theo dõi rồi nép mình đi dưới góc chết của máy quay… Lên chiếu nghỉ của tầng 12, hắn đặt xác xuống rồi dừng lại một lúc để thở. Khoảng 1 phút sau, hắn đi lên tiếp, đến tầng thượng hắn hé mở cánh cửa của căn phòng kỹ thuật ra đẩy xác Linh vào trong đó, rồi lại mang chiếc chăn đó xuống. Trong lúc hắn dừng ở chiếu nghỉ thì những giọt máu đã rơi xuống nền mà hắn không để ý. Hắn trở về căn phòng rồi tìm cách xóa dấu vết. Ngoài cái đầu và những ngón tay của Linh hắn cho vào túi ni lông rồi nhét vào trong cái túi du lịch màu đen mà hắn đựng quần áo mang đi từ nhà. Hắn mang con dao ra ngoài ban công rồi ném xuống dưới gác, rồi vào lau chùi các vết máu trong nhà vệ sinh. Cũng không khó khăn lắm hắn phát hiện ra máu của Linh đã phun lên tường, hắn dùng khăn ướt lau không được, đành để đấy và nghĩ một kế hoạch phi tang khác… Rồi hắn lục lọi trong túi quần áo của Linh thấy chẳng có cái gì đáng tiền cả, ngoài số tiền mặt cô mang theo chỉ có… 2 ngàn đồng, nhưng hắn thấy được một thứ khá quan trọng đó là chiếc thẻ xe mà Linh đã gửi từ chiều hôm trước. 6h5 sáng ngày 5-5, người bảo vệ trông giữ xe của tòa nhà G4 thấy một thanh niên trông rất “lương thiện” xuống lấy xe. Đối chiếu vé xe với số xe đã ghi trong sổ thấy trùng khớp, anh bảo vệ giao xe cho hắn. Tại hiệu cầm đồ số 524 đường Láng, ông Phạm Xuân Tùng, phụ trách cửa hàng vừa mở cửa thì thấy hắn đi chiếc Honda SCR tới. Ông nhận ra hắn ngay bởi đó là “thượng đế” của cửa hàng. Tại cửa hàng này, hắn đã mang nhiều thứ đến cầm cố. Khi thì điện thoại, lúc thì máy ảnh, lúc máy tính rồi cao hơn là xe máy. Mới hơn chục ngày trước, hắn đã mang chiếc Honda của cô bạn gái là Hoàng Thị Yến đến cầm cố để lấy 11 triệu đồng… Dù thừa biết đây chẳng phải xe của hắn, nhưng ông Tùng vẫn cho hắn đặt. Hóa đơn ghi tên người đặt là Yến, chữ ký người đặt xe cũng là… Yến. Chỉ có điều là chính hắn đã ký chữ Yến. Nguyễn Đức Nghĩa – nói với ông Tùng là cho hắn gửi chiếc xe SCR vào để lấy chiếc xe của Yến ra, đi có việc. Thấy việc này không bị thiệt hại gì, vì dù sao con xe “sắp chết rồi – SCR” cũng cao giá hơn chiếc xe kia, nên ông Tùng đồng ý ngay. Mặc dù đã có quy định là nghiêm cấm các hiệu cầm đồ nhận cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc hoặc không phải chính chủ, nhưng rất nhiều các chủ hiệu cầm đồ đã phớt lờ. Nếu nói tất cả các hiệu cầm đồ là nơi tiêu thụ hàng ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp, là nơi tiếp tay cho những hành vi phạm pháp thì… hơi quá và có người chạnh lòng tự ái. Nhưng chắc chắn là nếu kiểm tra bất ngờ, nghiêm túc các hiệu cầm đồ thì thế nào cũng thấy sự bất chấp pháp luật của họ. Hắn lấy xe của Yến phóng đến cửa hàng cầm đồ 240 đường Láng bán chiếc máy tính Compac HP của Linh được 5 triệu đồng, rồi bán luôn chiếc điện thoại Sony W580 được 150 ngàn đồng. Có tiền, hắn đến một quán phở trên đường Láng ăn sáng rồi sau đó lại đến cửa hàng 524 xin đưa chiếc xe của Yến vào và lấy chiếc xe của Linh ra. Chiếc xe SCR màu trắng của nạn nhân được Nghĩa mang ra cửa hàng dán xe máy để "biến" thành màu đen Hắn mang chiếc xe của Linh đến một cửa hàng chuyên dán giấy màu trang trí cho xe và yêu cầu “biến” chiếc xe màu trắng cho thành màu đen, kèm theo một vài đường hoa văn diêm dúa. Hai tiếng đồng hồ sau, chiếc xe đã được đổi màu. Hắn phóng xe ra chợ Giời, tìm mua một chiếc biển “đểu” mang số 14F8-0310 thay cho biển gốc của xe rồi lại mang đến hiệu cầm đồ 524 và lại nằn nèo với ông Tùng cho “thế” chiếc xe này vào, lấy xe của Yến ra. Hắn quay về nhà Yến, xách chiếc túi đựng đầu và các ngón tay của Linh đàng hoàng đi ra bến xe Mỹ Đình và bắt xe đi Quảng Ninh. Khi xe chạy đến cầu Cấm, qua thị xã Đông Triều khoảng 3km hắn bảo lái xe dừng lại để hắn xuống. Hắn đi ngược lại, đến giữa cầu thì mở túi rút bọc túi ni lông trong đó có đựng đầu và các ngón tay của Linh ném xuống dưới sông Cấm, rồi sau đó hắn đi xe ôm về xã Đức Chính là quê của Hoàng Thị Yến. Khỏi phải nói là Yến đã mừng như nào khi thấy người yêu đã lặn lội từ trên Hà Nội về tận quê đón mình. Chiều tối hôm đó, hắn và Yến về tới chung cư G4. Hắn đi mua một hộp sơn và nói với Yến rằng hôm trước hắn bị chảy máu cam máu phun ra nhiều quá cho nên một số chỗ ở trên tường bị lấm tấm máu. Không nghi ngờ lời nói của người yêu, Yến cùng với hắn dùng chổi lăn sơn lại những chỗ dính máu. Nhưng dù có khéo đến mấy thì hắn cũng không thể nào sơn lại những chỗ mà máu của Linh đã phun ra trong đó có những chỗ ở phía sau tủ lạnh và ở gờ chân tường có những vết máu bụi li ti. Ngày 7-5, Nghĩa tạm biệt cô người yêu Hoàng Thị Yến để về Hải Phòng. Khi đi hắn không quên ôm bọc quần áo trong đó có những chiếc áo quần của Linh và của hắn đã dính máu. Hắn về tới Hải Phòng rồi mang cái túi đựng quần áo đó ra sông cầu Niệm ném xuống… Tại chung cư G4 Bắt đầu vào khoảng ngày 12-5 người dân ở chung cư G4 luôn luôn ngửi thấy phảng phất một mùi gì mà họ chưa bao giờ thấy. Mùi đó giông giống mùi của xác súc vật chết. Càng ngày mùi đó càng nặng mà nhất là những gia đình nào mở lỗ cửa đổ rác thì một tay mở cửa, một tay phải bịt mũi. Cái mùi khó tả ấy được báo lên ban quản lý khu nhà. Ban quản lý cho người đi tìm và họ chỉ nghĩ rằng có xác con chuột hay con mèo nào đó ở trên trần xốp cho nên các nhân viên của ban quản lý cầm gậy đi chọc ở các trần xốp nhưng cũng không thấy gì. Đến trưa ngày 17-5 thì có một nhân viên bảo vệ tên là Long đi lên tầng thượng và càng đi gần tới nơi thì mùi hôi thối bốc lên càng nồng nặc. Long vào khu kỹ thuật của tòa nhà thì suýt té ngửa vì thấy xác một cô gái nằm quay chân ra phía cửa và không quần, không áo cũng không có cả đầu. Lúc đó là 11 giờ trưa ngày 17-5. Long hốt hoảng chạy xuống báo lên CA phường Trung Hòa rồi từ phường báo lên quận, từ quận báo lên CA thành phố và chỉ 30 phút sau thì Đại tá Nguyễn Đức Chung, Trưởng phòng PC14 cùng với Thượng tá Đào Thanh Hải, Phó phòng PC14 phụ trách điều tra trọng án cùng đội trưởng Đội điều tra trọng án, Trung tá Trần Ngọc Hà có mặt tại hiện trường. Và khi các anh tới nơi thì đã thấy các cán bộ chỉ huy CA quận Cầu Giấy, Cảnh sát hình sự CA quận, Chỉ huy CA phường Trung Hòa. Mấy phút sau, Thượng tá Nguyễn Văn Quyên, Trưởng phòng khoa học kỹ thuật hình sự cùng phó phòng Hùng và đồng chí Hải – Đội trưởng đội pháp y cũng có mặt. Có thể nói từ trước đến nay tại phòng CSHS CA Hà Nội luôn giữ được một truyền thống rất đáng tự hào đó là khi có vụ trọng án xảy ra thì người đầu tiên có mặt tại hiện trường là Trưởng phòng và các đồng chí phụ trách điều tra trọng án cùng cán bộ khoa học hình sự. Sự có mặt của chỉ huy tại hiện trường không chỉ giúp cho công tác điều tra luôn đi đúng hướng mà còn là “chỗ dựa” cho anh em làm việc. Sau khi xem xét hiện trường, Đại tá Nguyễn Đức Chung khẳng định: Đây chỉ là hiện trường phụ. Nạn nhân có thể bị giết ở một chỗ nào đó rồi đưa lên đây. Ngay tại phường Trung Hòa, Đại tá Nguyễn Đức Chung đã phân công như sau: CA phường Trung Hòa cùng với các điều tra viên phòng PC14 lên danh sách tất cả mọi người trong tòa nhà xem có ai vắng mặt không, đồng thời kiểm tra tạm trú, tạm vắng. Việc trước mắt phải tìm xem nạn nhân có phải là người trong khu chung cư G4 hay không? Hàng chục CSHS và CS quản lý hành chính trật tự trị an, CA phường chia làm 5 tổ đi vào từng căn hộ để rà soát đếm người. Nhưng việc rà soát hoàn toàn không đơn giản vì khu chung cư này có tới 20 căn phòng cho thuê, số người ra vào rất lộn xộn, hàng ngày không biết có bao nhiêu người ra vào và ban đêm có bao nhiêu người ngủ lại. 5 tổ công tác này chia nhau đi vào từng nhà, ngoài nhiệm vụ là kiểm danh, kiểm diện những người trong gia đình và có một nhiệm vụ bí mật khác mà Đại tá Chung giao cho họ, đó là phải tìm xem có dấu vết gì bất thường trong từng căn nhà không? Đến 17h thì không phát hiện gia đình nào có gì bất thường. 17h30, Ban chuyên án đã họp xem xét đánh giá vụ án căn cứ vào kết quả khám nghiệm hiện trường. Chỉ trong khoảng hơn 3h đồng hồ, các cán bộ pháp y và khám nghiệm hiện trường đã “soi” từng “centimet vuông” cầu thang từ tầng 1 lên tận nơi nạn nhân nằm và đã phát hiện ra những dấu vết quan trọng. Tại chiếu nghỉ cầu thang tầng 12, có đọng một vệt máu lớn và một số vết máu rải rác khác suốt từ tầng 11 lên, thậm chí có cả giọt máu ở tầng… 3. Nhưng theo “đường đi” của những giọt máu thì thấy khả năng lớn nhất là nguồn gốc từ căn phòng 1101. Thấy anh em khoa học hình sự làm việc quá vất vả dưới trời nóng ngột ngạt, cộng với môi trường bị ô nhiễm, một số bà con trong chung cư đã mua nước, mua bánh, hoa quả mang đến cho anh em. Có gia đình còn khẩn khoản đề nghị là dành căn phòng nhà mình cho Ban chuyên án làm việc và mời anh em vào nghỉ ngơi. Còn tất cả các gia đình khi được cán bộ điều tra đến hỏi về nhân khẩu đều hợp tác rất tích cực và có trách nhiệm. Phòng 1101, hiện trường chính của vụ án mạng Căn cứ vào kết quả khám nghiệm hiện trường thì có giả thiết đưa ra là hung thủ phải là 2 tên, hành động rất chuyên nghiệp và đã đưa nạn nhân lên chiếu nghỉ cầu thang tầng 12 để hạ sát, rồi sau đó mới đưa xác lên tầng thượng. Nhưng Đại tá Nguyễn Đức Chung lại nhận định hoàn toàn khác. Anh khẳng định rằng: Trước hết hiện trường này là hiện trường phụ. Vì không có bọn tội phạm nào lại ngớ ngẩn đến mức lôi nạn nhân ra chiếu nghỉ cầu thang – là nơi trống trải – để hạ sát. Hơn nữa, sau khi giết nạn nhân bằng một nhát dao, chúng còn phải mất khá nhiều thời gian làm những việc để xóa dấu vết nạn nhân… Như vậy, hiện trường chính phải là trong một căn phòng nào đó ở tòa nhà G4. Kết quả khám nghiệm tử thi cho biết nhát đâm đã thấu phổi nạn nhân cho nên chắc chắn là khi rút dao thì máu sẽ phun thẳng và phun rất mạnh. Như vậy căn cứ vào vết đâm thì chắc chắn máu sẽ phun lên tận tường nhà chứ máu không chảy xuống sàn. Đại tá Nguyễn Đức Chung khoanh vùng lại và xác định hung thủ gây án chỉ từ tầng 9 cho đến tầng 12. Đối tượng làm được việc này chắc chắn phải sống độc thân hoặc nhà vắng người. Nạn nhân chết trước đó 10-12 ngày, như vậy thời gian đó trùng với kỳ nghỉ lễ dài ngày từ 30-4 cho đến ngày 4-5 cho nên nhiều gia đình tổ chức đi du lịch. Đại tá Nguyễn Đức Chung yêu cầu: Trước hết phải rà soát những hộ độc thân, những hộ vắng người và phải tìm cho ra những nhà nào đi vắng trong thời gian đó, có nhà nào nhờ người trông hộ và nhà nào có người phục vụ hoặc có người khác đến ở nhờ. Sau này, những cán bộ tham gia điều tra vụ án đều nói với tôi rằng đánh giá của Đại tá Nguyễn Đức Chung là cực kỳ chính xác và đã giúp cho việc điều tra được đi đúng hướng ngay từ đầu.

Nguồn 24H: http://www21.24h.com.vn/an-ninh-hinh-su/nhung-dau-vet-biet-noi-c51a299474.html