Những địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng

Trên địa bàn Hà Nội có gần 300 di tích cách mạng, kháng chiến và gần 250 di tích, địa điểm di tích gắn với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, nhiều di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Thời gian qua, thành phố đã đầu tư tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, góp phần đưa di tích trở thành những địa chỉ giáo dục truyền thống.

Căn nhà nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến năm 1946 ở làng Vạn Phúc (quận Hà Đông) lúc nào cũng sạch đẹp và vẫn giữ nguyên những đường nét xưa cũ, như khi nó được xây cách đây gần 80 năm. Những hiện vật từ chiếc bàn làm việc Bác sử dụng, chiếc giường Bác nằm, bộ bàn ghế, hay chiếc áo ka-ki Bác từng mặc... đều được gìn giữ cẩn thận. Bất cứ ai đến đây đều xúc động khi ngắm những kỷ vật về Người, cảm giác bóng dáng Người như vẫn đâu đây. Căn nhà ba gian, hai tầng này nguyên là của cụ Nguyễn Văn Dương. Bác Hồ đã về đây sống, và làm việc trong một thời gian ngắn - nhưng là khoảng thời gian diễn ra những biến cố lớn của đất nước. Sau này, cụ Nguyễn Văn Dương đã hiến toàn bộ căn nhà cho Nhà nước. Đến năm 1975, ngôi nhà được công nhận là Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp quốc gia.

Là địa bàn giàu truyền thống cách mạng, TP Hà Nội có 300 di tích, địa điểm di tích cách mạng, kháng chiến, 250 di tích, địa điểm di tích gắn với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Vạn Phúc là một thí dụ điển hình. Ngày 17-5-2006, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 03 về việc "Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cách mạng, kháng chiến ở Hà Nội". Ngay sau khi Chỉ thị ra đời, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xây dựng đề án "Nghiên cứu, kiểm kê, xác định, phân loại các di tích, địa điểm cách mạng kháng chiến trên địa bàn Hà Nội", đề nghị công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp thành phố, gắn biển các điểm di tích cách mạng, kháng chiến cho nhiều di tích trên địa bàn. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố tiếp tục rà soát và triển khai đề án "Nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến và di tích lưu niệm Hồ Chí Minh" từ năm 2009 đến 2013. Các di tích cách mạng, kháng chiến, di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn được nhận diện, gìn giữ, tu bổ tương xứng với giá trị. Từ năm 2006 đến nay, thành phố đã đầu tư gần 30 tỷ đồng tôn tạo các di tích. Việc thực hiện Chỉ thị 03 của Thành ủy đã góp phần nâng cao ý thức của nhân dân trong việc chung tay bảo vệ các di tích cách mạng, kháng chiến. Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã có chương trình riêng bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Quận Ba Đình phát hành 5.000 cuốn sách "Ba Đình - Di tích cách mạng kháng chiến", huyện Gia Lâm biên soạn cuốn "Di tích lịch sử văn hóa và cách mạng kháng chiến huyện Gia Lâm", quận Hoàn Kiếm tổ chức lễ hội truyền thống Liên khu I tại khu vực chợ Đồng Xuân, nơi diễn ra nhiều trận chiến đấu quyết liệt những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến... Ngành giáo dục Thủ đô cũng đã tổ chức nhiều đoàn học sinh đến học tập thực tế, làm vệ sinh, chăm sóc cây xanh tại các di tích.

Nhiều di tích được tổ chức thành những điểm đến du lịch, vừa kết hợp giáo dục truyền thống cách mạng, vừa quảng bá hình ảnh lịch sử Thủ đô như: Di tích Nhà tù Hỏa Lò, di tích nhà 5D phố Hàm Long, các điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Vạn Phúc, nhà 48 phố Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm), chùa Một Mái (huyện Quốc Oai), chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất)... Trong đó di tích Nhà tù Hỏa Lò không chỉ thu hút khách tham quan trong nước, các đoàn học sinh, sinh viên mà còn là địa danh hấp dẫn đối với khách du lịch nước ngoài. Trung bình mỗi năm, di tích Nhà tù Hỏa Lò đón hơn 200 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế. Những dịp kỷ niệm ngày lễ lớn như Quốc khánh, ngày thành lập Đảng, ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh... tại các di tích kể trên còn diễn ra các hoạt động trưng bày, triển lãm, nói chuyện về lịch sử... để ghi nhớ công ơn của thế hệ đi trước, truyền lửa Cách mạng cho thế hệ trẻ. Điển hình như các trưng bày hiện vật, hình ảnh tại Nhà lưu niệm 48 phố Hàng Ngang, nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập, trưng bày tại Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Vạn Phúc, trưng bày chuyên đề tại Nhà tù Hỏa Lò nhân dịp kỷ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến...

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/tin-moi-nhan/item/31818502-nhung-dia-chi-giao-duc-truyen-thong-cach-mang.html