Những địa điểm kỳ lạ nhất thế giới

Giải mật được bí ẩn này ở nơi vùng cực của thế giới, sự sống ngoài hành tinh có thể không còn là "bài toán" khó của nhân loại.

Nghĩa địa mối bí ẩn khổng lồ

Đây là bộ sưu tập tổ mối trong màu xám mà nhìn từ xa giống như một nghĩa địa khổng lồ.

Nằm trong vườn quốc gia Litchfield, gần thị trấn Batchelor của Australia, những gò đất được mối xây dựng lên liên kết với từ trường của trái đất một cách lạ thường.

Tại một khu vực đất trống hoang, rộng lớn trong vườn quốc gia này lại được lắp đầy hàng trăm tổ mối mà nhìn từ xa trông giống như những bia mộ nhưng lại cao lớn hơn rất nhiều. Nhiều tổ mối ở đây ngày càng cao lên, độ cao trung bình mỗi tổ là 3m, nhìn chúng tương đối bằng phẳng và tất cả cùng quay mặt về một hướng, với các cạnh mỏng của gò hướng mặt đối diện với phía bắc và phía nam như kim của la bàn.

Nhiều giả thuyết được các nhà khoa học đưa ra về mối xây dựng gò, nhưng hiện nay giả thuyết được nhiều người chấp nhận hơn hết đó là sự liên kết chính xác cho phép mối giữ ngôi nhà của chúng được thoải mái hơn. Ở miền bắc nước Úc, vào ban ngày vô cùng nóng bức, nhưng vào ban đêm lại mát mẻ cho nên các nhà nghiên cứu tin rằng bằng cách nào đó mà mối đã khai thác sức mạnh từ trường của trái đất để có chiến lược kiểm soát khí hậu và làm nên ngôi nhà tốt nhất.

Graham Brown, một nhà quản lí côn trùng trước kia ở Bảo Tàng Lãnh thổ Phía nam giải thích rằng các gò mối cao chót vót có thể được coi là những tòa nhà căn hộ mối. Chỉ một tổ mối duy nhất cũng có thể chứa tới hàng chục nghìn con. Đối với tất cả côn trùng, để làm cho ngôi nhà hoàn toàn thoải mái thì kiến trúc gò cần phải có chỉ là chính xác. Graham Brown cũng liên tưởng và nói thêm rằng tất cả các phòng nhỏ hay phòng trưng bày trong một ngôi nhà đều cần độ ẩm thích hợp và nhiệt độ bên trong tốt nên sự liên kết bắc nam của gò dường như là để giúp giữ cho mối có cuộc sống thoải mái.

"Hồ ma quỷ": Phát hiện chấn động ở độ sâu 4.000m

Giải mật được bí ẩn này ở Nam Cực, sự sống ngoài hành tinh có thể không còn là "bài toán" khó của nhân loại. 7/2013 trở thành dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát hiện địa lý - lịch sử vô cùng quan trọng của loài người: Vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phát hiện một hồ nước khổng lồ, bị chôn vùi hoàn toàn dưới lớp băng dày 4.000 mét ở Nam Cực...

Giới chuyên môn ước lượng, Vostok bị tách biệt và "giam cầm" dưới lớp băng dày lạnh giá ở phía Đông châu Nam Cực trong suốt 15 đến 25 triệu năm nay. Sâu hơn 700 mét, dài 250km, nơi rộng nhất là 50km và chứa khoảng 5.400 km³ nước, Vostok chính thức là hồ nước ngọt lớn nhất trong tổng 140 hồ nước ngầm ở Nam Cực được phát hiện cho đến thời điểm hiện nay.

Vì sự tồn tại khó hiểu và bí ẩn tại chính hồ nước có tên "Hồ Vostok - Hồ phương Đông" mà các nhà khoa học quốc tế còn gọi nó với cái tên "Hồ ma quỷ" (Ghost Lake).

Mô hình 3D cho thấy hồ nước khổng lồ (màu vàng tím) bên dưới lớp băng dày 4.000m ở Nam Cực. (Nguồn ảnh: British Antarctic Survey).

100 năm sau khi giới thám hiểm đặt chân đầu tiên đến châu Nam Cực, các nhà khoa học đã "khao khát" thám hiểm các hồ nước ngọt ngầm bên dưới lớp băng dày lạnh giá tại châu lục rộng thứ tư trên thế giới này (sau châu Á, châu Phi và châu Mỹ, lớn hơn châu Âu và châu Úc). Là lục địa lạnh nhất Trái Đất, với 98% diện tích bề mặt bị lớp băng dày trung bình gần 2.000 mét bao phủ, châu Nam Cực có nhiệt độ tự nhiên thấp nhất đo được ở nhiệt độ đóng băng: −89,2°C.

Hoang mạc chỉ chứa sự lạnh giá, băng tuyết và những "cơn gió sát thủ" khiến con người co rút mắt, chảy máu mũi, nghẹt thở, nôn mửa và tăng huyết áp đột ngột này vẫn không thể làm "nguội" ý chí thám hiểm của giới khoa học quốc tế. Một năm sau ngày phát hiện "Hồ ma quỷ", vào năm 2014, các nhà khoa học Nga dẫn đầu một đội thám hiểm quốc tế lên đường đi khám phá địa điểm nguyên thủy bậc nhất Trái Đất.

Vì nằm ở phía Đông châu Nam Cực (lạnh hơn phía Tây Nam Cực) và bị chôn vùi ở độ sâu 4.000 mét băng dày, nên việc tiếp cận hồ nước khổng lồ này của các nhà khoa học không hề dễ dàng. Để khoan thủng 4.000 mét vào lớp băng dày, Giám đốc Trạm nghiên cứu Vostok - Nhà khoa học người Nga Alexei Turkeyev, đã cho tiến hành việc khoan vào các mùa hè ở Nam Cực để giảm bớt sự lạnh giá, mặc dù nhiệt độ đo được lúc khoan là −40°C.

Sau khoảng thời gian dài làm việc miệt mài trong nhiều năm với việc sử dụng công nghệ lỗ khoan ngăn cản sự tái đóng băng của nước, các nhà khoa học đã khoan được 3.750m băng. Đến tháng 1/2015, các nhà khoa học đã lấy thành công mẫu nước dưới hồ và gửi đến Phòng Thí nghiệm Băng và Địa ký Môi trường Grenoble ở Pháp để tiến hành nghiên cứu.

Các nhà khoa học sử dụng công nghệ mũi khoan ngăn cản sự tái đóng băng của nước xuống hồ Vostok. (Hình minh họa: Fox News).

Mặc dù khát khao giải mật bên trong hồ nước ngầm lớn nhất Nam Cực, nhưng các nhà khoa học vẫn "tiếc" rằng: Một khi con người chạm tay xuống hồ Vostok thì nó sẽ vĩnh viễn mất đi sự nguyên sơ ban đầu, thời điểm lưu dấu lịch sử Trái Đất cách đây 15 đến 25 triệu năm.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ tích cực khác, việc phát hiện hồ nước khổng lồ từ vệ tinh và những nỗ lực to lớn của giới khoa học nhằm tiếp cận "hồ ma quỷ" này lại mang một ý nghĩa cực kỳ to lớn. Do tính chất cổ xưa của hồ nước, lưu dấu tích của lịch sử (nơi có thể đang ẩn chứa dạng sống hoàn toàn khác biệt), giới khoa học hi vọng có thể vén màn bí ẩn về lịch sử địa chất hàng chục triệu năm của Trái Đất (cụ thể là tìm hiểu được đặc điểm của Trái Đất chúng ta thời kỳ trước Kỷ Băng hà). Khám phá này cũng sẽ giúp nhà khoa học tìm hiểu về sự sống ngoài hành tinh mà bấy lâu nay giới khoa học vẫn "điên đầu" săn lùng bên ngoài vũ trụ rộng lớn; giúp giải đáp phần nào về các điều kiện hình thành sự sống ở sao Hỏa và các mặt trăng của sao Mộc.

"Cuộc thám hiểm xuống hồ nước bị chôn sâu 4.000m lớp băng thú vị và háo hức như việc chúng ta được khám phá sự sống ở một hành tinh xa xôi mà chưa ai chạm tới ở ngay trên Trái Đất vậy", một nhà khoa học thuộc Viên nghiên cứu Nam Cực ở St. Petersburg nói. Hi vọng, trong tương lai gần nhất, các nhà khoa học quốc tế sẽ sớm tìm được câu trả lời đầy đủ về hồ nước "ma quỷ" ở Nam Cực, giúp giải mật phần nào về Trái Đất cổ xưa và có thêm phát kiến trong công cuộc khám phá "Dự án thế kỷ": Sự sống ngoài hành tinh.

"Vùng chết" ở Đại Tây Dương

Nhóm chuyên gia sinh vật học chỉ ra rằng những vùng có tỷ lệ oxy bão hòa thấp tồn tại ở Đại Tây Dương, một số có diện tích khoảng 260 km2. Chúng di chuyển liên tục và theo mùa.

Ví dụ một xoáy nước ở đại dương được nhìn từ không gian. (Ảnh: NASA Earth Observatory)

Tại đây, chất dinh dưỡng là thức ăn để tảo phát triển và chúng lần lượt bị vi sinh vật nuốt chửng. Hoạt động này tạo ra chất thải, nhưng sau đó cũng bị vi khuẩn khác ăn. Quá trình trên tiêu tốn rất nhiều oxy và dần hình thành những vùng không có oxy. Động vật biển hoặc cá sẽ chỉ còn hai lựa chọn, di chuyển để sống sót, hoặc ở lại và chết.

Theo RT, vùng chết thường xuất hiện ở nơi nước nông và không có nhiều xáo trộn. Trong khi đó, đặc điểm ở Đại Tây Dương hoàn toàn khác, cần giải thích của các nhà khoa học.

Vùng chết "ngụy trang" bằng các xoáy nước, có thể xoáy liên tục trong nhiều tháng. Những cấu trúc này hình thành một bức tường ngăn quanh vùng lõi, nơi diễn ra quá trình làm cạn kiệt oxy. Nhóm chuyên gia lo ngại sự tồn tại của vùng chết ở Đại Tây Dương có thể ảnh hưởng đến đời sống của con người trên cạn, đặc biệt là ở Cộng hòa Cabo Verde.

"Tốc độ quay nhanh của xoáy nước khiến việc trao đổi oxy qua ranh giới giữa dòng nước quay và đại dương ở xung quanh khó khăn hơn. Hơn nữa, quá trình này tạo ra một tầng rất nông ở phía trên vùng nước xoáy có ích cho sự phát triển của thực vật", tác giả Johannes Karstensen của Đại học Bremen, Đức, nói.

Những khu vực cạn kiệt oxy có tồn tại trong tự nhiên và từng được phát hiện dọc theo vùng ven biển đông dân cư, ngoài khơi bờ biển phía đông và phía nam của Mỹ, biển Baltic. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên vùng chết được quan sát dưới đại dương.

Hoàng Anh (tổng hợp)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/nhung-dia-diem-ky-la-nhat-the-gioi-208790/