Những điểm nghẽn cho tinh thần kiến tạo

Thể hiện rõ tinh thần kiến tạo phát triển, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 lần thứ tư liên tiếp và đang xem xét dự thảo Nghị quyết 35 để ban hành lần thứ hai nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp.

Sản xuất mũ bảo hiểm vừa được bổ sung vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ảnh: MAI LƯƠNG

Song, tinh thần “hừng hực” của Chính phủ, như Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nhận xét, lại đang có nguy cơ giảm dần xuống các cấp dưới. Một số sự việc gần đây có thể minh chứng cho nhận xét trên.

Chờ nghị định

“Luật sửa đổi, bổ sung điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư” đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa ban hành được các nghị định, thông tư hướng dẫn. Trong số các điều kiện kinh doanh được bổ sung, đáng kể nhất là xuất khẩu gạo; sản xuất mũ bảo hiểm; kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô...

Ngoại trừ lĩnh vực “sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô” có hiệu lực từ 1-7-2017, tất cả các điều kiện kinh doanh đã có hiệu lực từ đầu năm nay. Ấy vậy mà đến nay các bộ, ngành vẫn chưa thống nhất để tham mưu Chính phủ ra được các nghị định hướng dẫn thi hành, dù Văn phòng Chính phủ đã gửi văn bản “nhắc nhở” từ đầu tháng 12-2016.

Bên cạnh đó, luật trên cũng đã hợp nhất một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Trường hợp, doanh nghiệp chỉ kinh doanh một phần trong các ngành nghề hợp nhất thì sẽ phải tuân thủ như thế nào về thủ tục, liệu họ có phải bổ sung hồ sơ, tài liệu cho những lĩnh vực mà họ không kinh doanh không? Bất luận thế nào, chi phí tuân thủ chắc chắn sẽ tăng.

Tuy nhiên, có luật mà doanh nghiệp và người dân vẫn không thể thực thi luật bởi vì thông lệ ở nước ta là phải chờ văn bản hướng dẫn luật.

Dự thảo về độc quyền

Dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại, theo đó có 20 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc độc quyền nhà nước, đang gây nhiều quan ngại. Dự thảo, như Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì soạn thảo giải thích, được xây dựng nhằm cụ thể hóa quy định tại khoản 4 điều 6 Luật Thương mại 2005: Nhà nước thực hiện độc quyền có thời hạn về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hóa, dịch vụ, địa bàn độc quyền Nhà nước”.

Có thể thấy, danh mục 20 lĩnh vực độc quyền này không quy định về thời hạn độc quyền là vi phạm chính quy định “có thời hạn” như trong Luật Thương mại. Luật Thương mại đã qua 12 năm, vì sao đến nay mới ra văn bản hướng dẫn? Làm sao giải thích được việc không cho phép doanh nghiệp tư nhân “nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà”, như trong dự thảo?

Có ba lý do để biện minh cho nhà nước độc quyền: (1) Các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu tham gia; (2) các thành phần kinh tế không có khả năng tham gia; và (3) Nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, bảo đảm lợi ích quốc gia. Cả ba lý do này đều không thuyết phục.

Thuế xăng dầu tăng 3.000-8.000 đồng/lít

Đây là một chính sách gây nhiều tranh cãi. Trong báo cáo đánh giá tác động dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính khẳng định “không có” tác động tiêu cực của đề xuất này. Tuy nhiên, bộ này không đưa ra con số định lượng, như phải làm theo quy định, cho lập luận trên.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục Quản lý giá được VCCI trích dẫn, trong vận tải, tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 25-35% đối với xe chạy xăng, 35-45% đối với xe chạy dầu, 39,5% đối với hàng không. Đối với ngành thủy hải sản, chi phí nhiên liệu chiếm 33-59% cơ cấu giá thành. Đối với ngành nông nghiệp, chi phí vận chuyển hàng hóa cũng thường chiếm 35-40% cơ cấu giá thành.

Phí hạ tầng ở Hải Phòng

Theo thông báo của Ủy ban Nhân dân quận Hải An, Hải Phòng, từ ngày 1-1-2017 các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan phải nộp phí khoảng 2,2-4,8 triệu đồng/container đối với các hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan; và 500.000 đến 1 triệu đồng/container đối với hàng quá cảnh. Thông báo thu phí trên căn cứ vào Luật thuế và lệ phí, Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23-8-2016 và một số văn bản khác của Thủ tướng, Bộ Tài chính, và Hội đồng Nhân dân và UBND thành phố Hải Phòng.

Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ thể hiện quan điểm phải xem xét, công trình hạ tầng cảng biển đó do ngân sách Hải Phòng đầu tư xây dựng hay do ngân sách trung ương xây dựng; và ngân sách Hải Phòng chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong công trình hạ tầng đó. Trên cơ sở đó, Hải Phòng mới có căn cứ để định mức thu phí.

Hơn ai hết, doanh nghiệp là người chịu gánh nặng nhất. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Nhật đã bị “sốc” vì việc thu phí của Hải Phòng là “quá nhanh và quá cao”. Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, hàng ngàn doanh nghiệp bị đẩy vào thế khó vì nhiều đơn hàng, hợp đồng, sản phẩm dịch vụ liên quan cho năm 2017 đã đàm phán, ký kết với các đối tác trước đó.

VCCI đề nghị, các cơ quan có thẩm quyền của Hải Phòng nên giải trình về căn cứ đưa ra các mức phí trên, và nếu giải trình không hợp lý, thì đề nghị giữ nguyên các mức phí trước thời điểm nghị quyết có hiệu lực.

***

Chính phủ đã và đang rất nỗ lực để kiến tạo phát triển, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong người dân bằng hàng loạt hành động cụ thể. Thế nhưng, chỉ một vài ví dụ nêu trên đã hãm phanh lại các nỗ lực đó. Làm sao để người dân, doanh nghiệp thực sự có lòng tin để bỏ vốn ra đầu tư kinh doanh là câu hỏi cần tiếp tục trả lời.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/156940/nhung-diem-nghen-cho-tinh-than-kien-tao.html/