Những điểm nhấn kinh tế toàn cầu 2016

Bức tranh kinh tế toàn cầu 2016 có nhiều điểm nhấn, như sự kiê%3ḅn Brexit, OPEC giảm sản lượng dầu, Mỹ rút khỏi TPP, FED tăng lãi suất...

Những điểm nhấn trong bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2016 phải kể đến sự kiện Người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (Brexit), tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, OPEC đồng ý cắt giảm sản lượng để cứu giá dầu, FED tăng lãi suất USD, và Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP...

Các yếu tố này đã gây ra những biến động lớn lên nền kinh tế thế giới trong năm 2016

FED tăng lãi suất

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã chấp thuận việc tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2016 và dự báo sẽ nâng số lần tăng lãi suất lên 3 lần trong năm sau.

Cụ thể, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) chính thức chấp thuận tăng lãi suất cho vay liên ngân hàng từ mức 0,25-0,5% lên mức 0,5-0,75%. Lãi suất cho vay qua đêm được giữ nguyên ở mức 0,41% trong khi lãi suất tín dụng chính cũng được tăng thêm 25 điểm % lên 1,25%.

Đáng lưu ý, FOMC cũng dự kiến sẽ nâng số lần tăng lãi suất lên 3 lần trong năm 2017, 2 lần trong năm 2018 và 3 lần trong năm 2019. Trong giai đoạn tới, số lần tăng lãi suất được nâng từ 7 lên 8 lần, theo đó mức lãi suất trong dài hạn sẽ tăng lên 3% thay vì 2,9% như dự kiến trước đó. Lần gần nhất FED điều chỉnh tăng lãi suất là cách đây 1 năm.

FED vừa quyết định tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2016

Giới phân tích nhận định, việc FED nâng lãi suất có nguy cơ trở thành áp lực đối với các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi do những tác động từ việc đồng đôla lên giá so với các ngoại tệ khác.

Hiện đồng USD vẫn là ngoại tệ phổ biến nhất vì được sử dụng trong hơn 85% nghiệp vụ giao dịch ngoại hối trên thế giới, 39% các khoản nợ toàn cầu được yết giá bằng USD và đồng bạc xanh chiếm hơn 63% dự trữ ngoại tệ của các nước.

"Nút thắt" TPP

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cho biết một trong những việc đầu tiên ông làm ngay sau khi nhậm chức là rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Trump xác nhận việc Mỹ sẽ không theo đuổi hiệp định thương mại TPP với 11 đối tác khác

Ông Donald Trump gọi TPP là "thảm họa tiềm ẩn" với nước Mỹ. Từ khi tiến hành chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố ông phản đối các hiệp định thương mại tự do vì nó khiến người dân Mỹ mất việc làm.

TPP là nỗ lực mà Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama tích cực thúc đẩy nhiều năm qua. Mỹ và 11 quốc gia thành viên đầu tháng 10 năm ngoái hoàn tất đàm phán sau thảo luận kéo dài 5 năm. Thỏa thuận nhắm tới việc tự do hóa thương mại trong khu vực chiếm 40% nền kinh tế thế giới, các thành viên khác gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Mặc dù TPP đang bị "tắc nghẽn" ở Mỹ nhưng 11 quốc gia còn lại vẫn bày tỏ quyết tâm sớm ký kết hiệp định tự do thương mại thế hệ mới này, giúp cho kinh tế thế giới hội nhập sâu rộng hơn.

OPEC đóng băng sản lượng

Các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nhóm họp ở thủ đô Vienna - Áo ngày 30/11 và đi đến thống nhất cắt giảm sản lượng khai thác xuống còn 32,5 triệu thùng/ngày, giảm 1,2 triệu thùng/ngày, với hy vọng đẩy giá dầu thô lên.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008 tổ chức này nhất trí cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Trước đó, hồi tháng 9, các thành viên OPEC đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ tại Algeria nhằm duy trì sản lượng khai thác dầu ở mức 32,5 - 33 triệu thùng/ngày.

OPEC muốn giảm nguồn cung dầu đang dư thừa trên thị trường toàn cầu khiến giá “vàng đen” giảm một nửa kể từ năm 2014.

Trong năm 2015, các nhà lãnh đạo OPEC đã nhiều lần nhóm họp để cắt giảm sản lượng nhưng những nỗ lực của họ đều thất bại, chủ yếu do bất đồng giữa Saudi Arabia và Iran, Iraq.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục các nhà sản xuất bên ngoài khối, như Nga, tham gia nỗ lực chung này để "giải cứu" giá dầu, hiện đã vượt qua ngưỡng 50 USD/thùng.

Sự kiện lịch sử Brexit

Việc người Anh bỏ phiếu chọn rời Liên minh châu Âu (EU) - Brexit đã khiến cả thế giới bất ngờ, do những dự báo trước đó đều nghiêng về khả năng ở lại. Từ thị trường chứng khoán đến giá vàng, dầu thô, tiền tệ, đều biến động kỷ lục vì kết quả này.

Thuật ngữ "Brexit" vừa chính thức được đưa vào từ điển tiếng Anh Oxford

Bảng Anh có ngày mất giá mạnh nhất lịch sử, khi giảm hơn 8% so với USD. Trong ngày, có lúc mức giảm lên tới 10%, xuống đáy 30 năm so với USD. Các thị trường châu Âu cũng lao dốc ngay khi mở cửa, với nhiều ngân hàng mất tới một phần ba vốn hóa chỉ trong nửa giờ.

Nhà đầu tư ồ ạt rút tiền khỏi các tài sản rủi ro, để đổ vào công cụ trú ẩn, khiến giá vàng và yen Nhật tăng vọt.

Hàng loạt ngân hàng trung ương tại Anh, châu Âu và Mỹ sau đó đã phải lên tiếng trấn an thị trường và cam kết bơm tiền hỗ trợ các nhà băng để đối phó với biến động.

Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ

Sau cú sốc Brexit, nhà đầu tư lại chuyển hướng quan tâm sang cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Chiến thắng bất ngờ của ông Trump đã khiến tài chính thế giới chao đảo.

Chứng khoán châu Á đồng loạt lao dốc trong buổi sáng công bố kết quả kiểm phiếu, mạnh nhất là Nikkei 225 và Topix Index của Nhật Bản với gần 6%. Đồng peso Mexico mất giá tới 13%, xuống thấp nhất mọi thời đại.

Trong khi đó, giá vàng lên sát 1.337 USD một ounce và yen Nhật tăng gần 4% so với đôla Mỹ. Chứng khoán châu Âu và châu Mỹ cũng đi xuống khi mở cửa, nhưng đà giảm sau đó dần hồi phục.

Cú sốc từ bầu cử Mỹ chỉ kéo dài vài giờ. Nhà đầu tư sau đó nhanh chóng lạc quan trở lại, khi cho rằng ông Trump sẽ thay đổi diện mạo cho nền kinh tế số 1 thế giới bằng các biện pháp kích thích tài khóa, giảm thuế và giảm quy định với các doanh nghiệp Mỹ. Tổng cộng, trong một tháng sau bầu cử, chứng khoán thế giới có thêm 2.000 tỷ USD./.

Trần Ngọc/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/nhung-diem-nhan-kinh-te-toan-cau-2016-580256.vov