Những điểm sáng của ngành Giáo dục trong năm 2016

Ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam là điểm nhấn quan trọng hàng đầu trong năm 2016 của ngành Giáo dục.

Ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đây chính là điểm nhấn quan trọng hàng đầu của ngành Giáo dục trong năm 2016.

Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân mới được thiết kế theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở THPT; tạo điều kiện để quy hoạch đồng bộ lại mạng lưới các cơ sở giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, việc ban hành Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam là điểm nhấn quan trọng hàng đầu của ngành Giáo dục trong năm 2016.

Khung trình độ quốc gia Việt Nam với cấu trúc thành 8 bậc phù hợp với cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và văn bản pháp luật hiện hành. Thực hiện tốt Khung trình độ quốc gia Việt Nam sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, làm căn cứ để xây dựng chương trình đào tạo, công nhận và miễn trừ kinh nghiệm học tập, lao động để thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân.

Hoàn thiện Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học

Trên tinh thần cầu thị và lắng nghe, năm 2016, ngành Giáo dục đã nhìn lại những quy chế, quy định còn hạn chế để thay đổi, bổ sung và hoàn thiện. Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học trên cơ sở hoàn thiện Thông tư 30 được ban hành đã góp phần làm giảm áp lực, tạo ra khí thế mới cho giáo viên và học sinh tiểu học, trong khi vẫn giữ được tinh thần nhân văn của Thông tư 30.

Hoàn thiện Quy chế đào tạo tiến sĩ

Quy chế đào tạo tiến sĩ hay Nghị định quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đang trong quá trình hoàn thiện với nhiều điểm mới hứa hẹn sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực về chất lượng đào tạo.

Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2016

Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2016 đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của kỳ thi năm 2015 và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của xã hội.

Đây là kết quả quan trọng để ngành tiếp tục triển khai phương án thi, tuyển sinh đại học năm 2017 và các năm tiếp theo theo hướng ngày càng nhẹ nhàng, khách quan, minh bạch hơn.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 và xét tuyển ĐH-CĐ đã có nhiều đổi mới tích cực.

Việc quy chế thi và quy chế tuyển sinh được công bố sớm hơn mọi năm đã giúp cho các địa phương, các nhà trường có đủ thời gian chuẩn bị; học sinh sẽ chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng và không gặp trở ngại với phương án thi mới này.

Giành Vàng tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế

Năm 2016 tiếp tục là năm khẳng định vị thế của giáo dục Việt Nam với thế giới khi 8 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế đều mang về Huy chương Vàng, trong đó có Huy chương Vàng môn Sinh học mà Việt Nam phải chờ đợi suốt 15 năm qua.

Em Vũ Thị Chinh (trái) người đã xuất sắc giành HC Vàng thứ 2 trong lịch sử tham dự Olympic Sinh học quốc tế của đoàn Việt Nam. Ảnh: Dân Trí

Cũng trong năm 2016, Việt Nam đã tổ chức thành công Kỳ thi Olympic quốc tế Sinh học lần thứ 27 với sự tham gia của hơn 250 học sinh đến từ 68 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những ngày cuối cùng của năm 2016, Việt Nam tiếp tục đón nhận một tin vui nữa khi theo kết quả PISA 2015, Việt Nam xếp thứ 8 về lĩnh vực khoa học trên tổng số 72 quốc gia tham gia đánh giá.

Năm 2016 – năm bản lề của nhiều đề án

Đối với ngành Giáo dục, năm 2016 có thể coi là năm bản lề với nhiều kế hoạch mới bắt đầu được xây dựng để triển khai trong những năm tiếp theo như Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025"; Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025"; triển khai giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 của đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020"…

Những đề án, kế hoạch này chính là sự cụ thể hóa 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản mà ngành Giáo dục đang triển khai thực hiện trong năm học này và những năm tiếp theo.

Nguồn VTV: http://vtv.vn/giao-duc/nhung-diem-sang-cua-nganh-giao-duc-trong-nam-2016-201612222329515.htm