Những điểm yếu nào khiến khán giả quay lưng với phim kinh dị Việt?

Dù đã xuất hiện ở Việt Nam gần nửa thế kỷ nhưng dòng phim kinh dị trong nước vẫn còn thiếu những tác phẩm xứng tầm.

Dù có mục đích mang đến cho người xem những cảm xúc tiêu cực, gợi cho người xem nỗi sợ hãi nguyên thủy nhất nhưng phim kinh dị vẫn luôn sở hữu lượng khán giả đông đảo, có một vị trí khá ổn định trên màn ảnh thế giới. Ở Việt Nam, phim kinh dị xuất hiện từ những năm 1970 và nhanh chóng gây tiếng vang lớn từ thời gian đó. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, khi các bộ phim ra rạp phát triển không ngừng cả về chất và lượng thì khán giả lại rất khó khăn để tìm ra một bộ phim kinh dị đúng nghĩa. Dù thể loại phim kinh dị không quá kén vốn sản xuất (nếu có kịch bản hay và đạo diễn tốt, phim được đầu tư khiêm tốn vẫn cho doanh thu khổng lồ), các nhà làm phim vẫn khá dè dặt với thể loại này. Tại sao lại như vậy?

Phim kinh dị có chất hài “đậm đặc”

Từ những năm 70 của thế kỉ trước, điện ảnh Việt đã có nhiều bộ phim kinh dị khiến khán giả khóc thét, gây tiếng vang cho đến tận bây giờ như Lệ đá (ra đời năm 1971), Con ma nhà họ Hứa (sản xuất năm 1973). Tuy nội dung phim còn đơn giản nhưng với tư duy làm phim khá mạch lạc cùng lối kể truyện cuốn hút, các tác phẩm này đều ghi bước tiến lớn của các nhà làm phim Việt trong thể loại kinh dị, khiến nhiều người phải giật mình kinh hãi.

Vào đầu thập niên 90, tài tử Chánh Tín cũng góp phần giúp phim kinh dị Việt đến gần hơn với khán giả qua bộ phim Ngôi nhà oan khốc, sau thời gian công chiếu đã đạt doanh thu vượt ngưỡng 1 tỷ đồng - con số cực “khủng” lúc bấy giờ. Sau những đại diện hiếm hoi và đắt giá này, khán giả trong nước phải mòn mỏi đợi chờ hơn chục năm sau mới được đón thêm một bộ phim kinh dị đúng nghĩa nữa ra rạp, đó là Mười (do hãng Phước Sang hợp tác với điện ảnh Hàn Quốc sản xuất), đánh dấu sự tái khởi động dòng phim này. Cũng từ đây, phim kinh dị Việt dần xuất hiện nhiều hơn ngoài rạp chiếu.

Mười được sản xuất bởi hai quốc gia Việt - Hàn, mở ra thời kỳ mới cho dòng phim kinh dị Việt.

Mười được sản xuất bởi hai quốc gia Việt - Hàn, mở ra thời kỳ mới cho dòng phim kinh dị Việt.

Tuy nhiên một thực tế đáng buồn là cho đến nay, số tác phẩm được gắn mác “phim kinh dị Việt” đúng nghĩa không nhiều, có thể kể tên một số đại diện như Ngôi nhà bí ẩn - Suối oan hồn, Khi yêu đừng quay đầu lại, Giao lộ định mệnh, Lời nguyền huyết ngải, Ngôi nhà trong hẻm, Giữa hai thế giới, Bẫy cấp ba, Biết chết liền, Quả tim máu, Đoạt hồn… và sắp tới đây là Cô hầu gái. Số lượng phim không nhiều, không phải do thiếu vốn, mà nguyên nhân chính là thiếu những người có thể đủ sức làm những bộ phim đúng “chất” kinh dị, khiến khán giả phải run cầm cập khi bước chân ra khỏi rạp.

Một số đại diện tiêu biểu của dòng phim kinh dị Việt trong những năm qua.

Và có lẽ khi đứng trước áp lực doanh thu quá nặng nề, các đạo diễn thường chọn một cách thỏa hiệp thường gặp, đó là cài cắm các yếu tố hài nhằm tối đa hóa đối tượng khán giả xem phim, “lôi kéo” thêm khán giả đến xem phim. Giải pháp này có thể giúp các nhà làm phim thành công trong thời gian đầu nhưng có vẻ càng ngày càng “phản tác dụng”. Một bộ phim lai tạp, pha trộn giữa kinh dị và hai hước - hai mảng màu hoàn toàn đối lập nhau rất khó để chạm đến đỉnh điểm cảm xúc của khán giả. Những người thật sự yêu phim kinh dị không được đáp ứng “nhu cầu sợ hãi”, trong khi những khán giả muốn giải trí hoàn toàn cũng không thích những chi tiết (được cho là) rùng rợn trong phim. Những chi tiết cũ kĩ, những cảnh “nhát ma” lộ liễu khiến phim kinh dị Việt dần mất đi cái “chất kinh dị” thực sự.

Thám tử Hên Ry là bộ phim tiêu biểu cho dòng phim kinh dị pha trộn chất hài.

Thiếu ê-kíp “đủ tầm”

Trong khi các bộ phim hài - kinh dị vẫn đang ra rạp đều đặn thì việc tìm được một đạo diễn “đủ tầm” làm tốt tác phẩm thuộc thể loại này vẫn là điều khiến nhiều khán giả yêu phim Việt phải nhức nhối. Trên thế giới, phim kinh dị rất phong phú và được chia làm nhiều thể loại, nhưng có hai dòng được khán giả ưa thích và được khai thác trên màn ảnh nhiều nhất là kinh dị tâm linh và kinh dị máu me.

Văn hóa phương Đông thường ưa chuộng dòng kinh dị tâm linh, cũng vì vậy mà phim kinh dị Việt Nam chủ yếu đi theo dòng phim này. Tuy nhiên, có một điều mà các nhà làm phim nước ta phải đặc biệt lưu ý là cơ quan kiểm duyệt rất gắt gao với những tác phẩm chỉ mang màu sắc tâm linh mà không có sự giải thích bằng khoa học hay không mang bài học nhân văn nào… Điều này khiến ngay từ khâu lên kịch bản, các đạo diễn trong nước đã bị bó hẹp hơn so với đồng nghiệp phương Tây.

Victor Vũ là đạo diễn khá “cao tay” khi làm các bộ phim kinh dị. Anh giải quyết tình huống khéo léo, khiến phim không bị sa vào các tình huống mê tín mà vẫn nêu lên được bài học nhân sinh.

Việc luật điện ảnh quy định rõ ràng chuyện “cấm tuyên truyền mê tín dị đoan” khiến các đạo diễn luôn phải tìm cách “lách” hết mức có thể để vượt qua rào cản kiểm duyệt, điều này khiến tính sáng tạo và logic phim bị hạn chế khá nhiều, một số tác phẩm lúc ra rạp bị cắt xén đến mức mạch truyện trở nên lỏng lẻo, nhiều lỗ hổng, thiếu thuyết phục. Nhiều nhà sản xuất thậm chí chỉ dám ghi thể loại là tâm lý ly kỳ chứ không dám khẳng định rằng đây là phim kinh dị. Dù chuyện hồn ma bóng quỷ là một trong những yếu tố then chốt tạo nên sự sợ hãi của khán giả nhưng ở Việt Nam, các đạo diễn luôn phải chấp nhận việc con ma ấy là sản phẩm của sự ám ảnh, của nỗi khiếp sợ chứ không hề có thật. Và sự lỏng - chặt, phi lý - thuyết phục của cả bộ phim lúc này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào “tay nghề” của đạo diễn.

Xử lý quá lỏng tay, Rừng xác sống bị cấm chiếu ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, khâu hóa trang vốn là một trong những yếu tố mấu chốt của phim kinh dị cũng khá “kén” chuyên gia đủ tầm ở Việt Nam. Những gương mặt máu me, hoặc có khi chỉ là gương mặt trắng bệch của nhân vật cũng khiến chuyên viên hóa trang mất nhiều ngày trời mày mò, tạo mẫu. Ở nước ta, số người đảm nhận được việc này không nhiều, nổi tiếng nhất có lẽ là chuyên gia hóa trang Lilian Trần - Việt kiều Mỹ từng khiến khán giả ấn tượng trong Lời nguyền huyết ngải và sau đó đã trở thành lựa chọn không thể thay thế với nhiều tác phẩm khác, ấn tượng nhất là Scandal 2 của đạo diễn Victor Vũ.

Lilian Trần là chuyên viên hóa trang hiếm hoi của nền điện ảnh Việt có thể làm nên những gương mặt thật sự khiến khán giả “hết hồn”

“Chất liệu” phim chưa đủ sợ

Để khiến cho khán giả “thót tim”, bên cạnh nội dung câu chuyện, một bộ phim kinh dị còn cần nhiều yếu tố “phụ trợ” khác như âm thanh, ánh sáng, màu sắc phim, bối cảnh, góc quay… Những khán giả thích xem phim kinh dị nước ngoài (như Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc) có lẽ không lạ gì với những đoạn nhạc ma mị, réo rắt làm nên không gian rờn rợn; những tiếng la hét thất thanh khiến khán giả rùng mình; ánh sáng mập mờ tạo ra sự căng thẳng. Phim kinh dị cũng sử dụng một số góc quay đặc trưng để khơi gợi sự căng thẳng, bất an, sợ hãi cho khán giả ngay từ phần nhìn. Ở phim Việt, những yếu tố này được phối hợp chưa thật tinh tế, khiến khán giả chỉ dừng ở mức giật mình chứ không tạo ra cảm giác sợ hãi ám ảnh. Những trường đoạn “hù dọa” vô duyên cũng khiến khán giả dần thấy nhàm chán.

Những khung cảnh quen thuộc với màu sắc âm u là phương pháp đơn giả mà hiệu quả trong quá trình “hù dạo” người xem.

Trong suốt nhiều năm phát triển của dòng phim kinh dị, mọi người có thể dễ dàng nhận ra rằng những câu chuyện dựa trên những truyền thuyết quen thuộc hoặc những sự kiện có thật luôn có khả năng thu hút cao. Bối cảnh phim càng đươn giản, gần gũi với số đông khán giả như một khu chung cư, một căn phòng tối, cầu thang vắng vẻ… càng dễ tạo nên hiệu ứng sợ hãi và sức hút cho phim. Việc dùng chất liệu có thật đã quá quen thuộc với các phim kinh dị trên thế giới nhưng các nhà làm phim Việt vẫn ngại động chạm (gần đây nhất có sự việc bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường được đưa vào Scandal 2 của Victor Vũ), đây có thể coi là hướng đi mới với nhiều nhà làm phim trẻ. Tuy nhiên người làm phim cũng cần có những cải biến để phù hợp với văn hóa cũng như gu xem phim của người Việt.

Kết

Dù còn nhiều lỗ hổng, nhiều thiếu sót, nhưng phải công nhận trong những năm gần đây, phim kinh dị Việt đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Dù những ràng buộc về văn hóa, pháp luật khiến sự rùng rợn, kinh hãi của các bộ phim trong nước khó sánh được với nền điện ảnh nước ngoài, nhưng khán giả hoàn toàn có thể tin tưởng, hi vọng vào một diện mạo phim kinh dị Việt tiến xa hơn trong những năm tới.

Vân Ngọc

Nguồn SaoStar: http://saostar.vn/dien-anh/nhung-diem-yeu-khien-khan-gia-quay-lung-voi-phim-kinh-di-viet-758145.html