Những điều cần nhớ

Trong ngày môi trường vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã nói: “Mỗi người dân, từ bà nội trợ đến các cán bộ, công chức, cần tích cực bảo vệ môi trường sống xung quanh mình, từ những việc làm nhỏ, thiết thực”. Câu nói này làm chúng ta nhớ đến đội các ông Tây tự giác đi dọn rác, khai thông cống rãnh đã được ông chủ tịch phường sở tại cho rằng “làm không xin phép”. Bây giờ, có “phép” của chủ tịch thành phố rồi, thưa các ông phường ạ!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát hiện trường vụ chìm tàu trên sông Hàn.

Vụ chìm tàu du lịch sông Hàn, cả thành phố Đà Nẵng ứng cứu, vẫn chết 3 người và một số nạn nhân đang nằm viện. Thủ tướng Chính phủ cũng bay vào thị sát, chỉ đạo. Xin nói thêm, tàu có 3 nhân viên. Lê Công Chí - lái tàu - bị tạm giữ để xử lý pháp luật. Nhưng có tin, trên tàu còn 1 người tên Thông, đã từng lái tàu Thảo Vân 2, ngày 20.7.2014 đâm vào cầu Sông Hàn, 10 khách thoát chết. Vậy Thảo Vân 2 đâu phải năm nay mới hành nghề không phép và gây tai nạn?! (Báo NTNN ra ngày 6.6.2016).

Sau vụ hạn mặn vừa qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội cho hay, 10 năm qua đã cho vay xây dựng hơn 8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. 84% nông dân đã có nước sạch, 63% có nhà vệ sinh đạt chuẩn. 2,4 triệu khách hàng nông dân hiện còn nợ Ngân hàng Chính sách Xã hội 21.343 tỉ đồng. Thế mà vẫn phải cứu khát như vừa qua. Thế mới biết, nếu chỉ nhìn vào các con số và báo cáo thì khó nắm bắt được thực trạng tình hình.

Ví dụ: Có số liệu, đầu năm 2016 cả nước đã trồng mới 68.000 ha rừng, tăng 10,2%. Nhưng kèm theo đó là do El Nino đã có 1.863 ha bị cháy và 392 ha bị “lâm tặc” phá. Xin nhớ rừng trồng được sẽ có bao nhiêu phần trăm cây sống và phát triển? Và phải bao nhiêu năm, mấy đời người mới có gỗ khai thác? Và “lâm tặc” chỉ chọn rừng thâm niên gỗ lớn để chặt phá thôi.

Hà Nội đến hôm 5.6 vẫn có 67 đơn vị phải bầu cử lần 2 để có 122 ủy viên Hội đồng Nhân dân xã. Bầu Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, thành phố nói chung là suôn sẻ. Có thể coi đó là ý thức cao của cử tri. Nhưng còn cấp xã không thể nghĩ rằng bà con ta ý thức chưa cao. Chúng tôi mạnh dạn nhận xét rằng, ngược lại, chính cử tri ở xã mới là người hiểu rõ ông A, bà B hơn ai hết để chọn người xứng đáng gánh vác việc hàng xã. Thú thật, ở thành phố chúng ta tin vào lãnh đạo, tin vào Mặt trận Tổ quốc đã thay mặt cử tri chọn người và các đơn vị bầu đều không phải bầu lại. Còn ở xã, cử tri mới thật sự là người có quyền chọn đại biểu theo tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra” và “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” cũng cần tin cậy để dân bầu lại, sàng lọc cho chuẩn. Nền dân chủ ở cơ sở là dân chủ thật sự, không có áp đặt. Cũng chớ quên, 5 năm 1 lần chúng ta mới được đi bầu người đại diện cho mình!

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/su-kien-binh-luan/nhung-dieu-can-nho-560731.bld