Những điều còn đọng lại sau một vụ án điểm

Ngay sau khi tuyên án, từ phía vành móng ngựa, bị cáo Thái đến bàn luật sư, chìa bàn tay còng số 8 ra bắt tay. Mắt Thái ngấn lệ.

Vụ án điểm ODA đường sắt

Luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng văn phòng LS Hoàng Hưng, đoàn LS TP.Hà Nội kể: Từ ngày 7/11 đến 9/11/2016, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án Trần Quốc Đông (nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam) cùng đồng bọn bị xét xử về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 3, Điều 281 BLHS.

Trong đó, bị cáo Nguyễn Nam Thái - nguyên Trưởng phòng dự án 3, RPMU lĩnh án 11 năm tù, trách nhiệm bồi thường dân sự 3,1 tỷ đồng; Phạm Hải Bằng, nguyên Phó giám đốc RPMU 12 năm tù; Phạm Quang Duy, nguyên Trưởng phòng dự án 3 RPMU 8 năm tù, bồi thường 22,8 tỷ đồng...

Luật sư Hoàng Văn Hướng - Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.

Vụ án xảy ra trong việc ban Quản lý dự án Đường sắt Việt Nam (RPMU) ký hợp đồng thuê giám sát một số gói thầu đường sắt với các công ty tư vấn giám sát của Nhật Bản. Trong đó, có sử dụng và giải ngân vốn ODA của Nhật Bản.

Vụ án được khởi nguồn bằng việc cơ quan công tố Tokyo Nhật Bản điều tra các chuyên gia phía nước bạn khi chuyển tiền cho đại diện RPMU trong quá trình thực hiện hợp đồng giám sát một cách không minh bạch, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp ODA của Nhật Bản cho Việt Nam.

Cùng với việc áp dụng pháp luật hình sự với cách chuyên gia Nhật Bản để truy tố và xét xử tại Nhật Bản, cơ quan công tố Tokyo đã gửi văn bản sang Việt Nam, yêu cầu xem xét và điều tra vụ việc… Từ đó, cơ quan tiến hành tố tụng vào cuộc và tạo nên vụ án điểm ODA đường sắt.

Trở lại phiên tòa phúc thẩm, luật sư Hướng tham gia với vai trò bào chữa cho bị cáo Nguyễn Nam Thái.

Luật sư Hướng cho hay: “Trong 2 ngày xét xử, tôi khuyên bị cáo Thái thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải. Tôi bàn với gia đình khắc phục hậu quả thêm 500 triệu đồng, cùng với 600 triệu ở giai đoạn sơ thẩm là 1,1 tỷ đồng".

Qua đó, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ mới như điểm p, s khoản 1, điều 46; điều 47 BLHS để giảm nhẹ hình phạt.

Theo lời kể của luật sư Hướng, trong khi ông đưa ra một loạt các quan điểm bào chữa xin giảm nhẹ hình phạt như: Thành khẩn khai báo, ông ngoại có huân huy chương trong kháng chiến chống Mỹ. Bản thân bị cáo Thái có nhiều thành tích trong công tác, được tặng bằng khen, phải được hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm b, p, s khoản 1, Điều 46 BLHS, thì vị đại diện VKSND cấp cao thực hành quyền công tố tại phiên tòa không đối đáp một phần nào, mà chỉ nói duy nhất một câu: “Tôi giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị y án sơ thẩm”.

Sau 2 ngày nghị án kéo dài, HĐXX tuyên sửa án sơ thẩm, chấp nhận kháng cáo của Nguyễn Nam Thái, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ của LS đề nghị giảm hình phạt cho Nguyễn Nam Thái từ 11 năm xuống còn 9 năm tù…

Ngay sau khi tòa tuyên án, từ phía vành móng ngựa, bị cáo Thái đi đến bàn luật sư, chìa bàn tay còng số 8 ra bắt tay. Mắt Thái ngấn lệ. Bố mẹ, vợ bị cáo Thái chạy đến tay bắt, mặt mừng trân trọng cảm ơn LS Hướng.

Những trăn trở của luật sư

Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Nam Thái chỉ là Phó trưởng phòng dự án 3 thuộc RPMU, là chức danh thấp nhất trong các bị cáo của RPMU, nhưng mức hình phạt gần bằng bị cáo Bằng với 12 năm tù. Trong khi đó, Bằng là chủ nhiệm dự án, chịu trách nhiệm toàn bộ về dự án tuyến đường sắt số 01 Hà Nội và hoàn toàn chủ động nhận tiền của JTC Nhật Bản.

“Các LS Văn phòng LS Hoàng Hưng đã yêu cầu vị đại diện VKSNS cấp cao đối đáp, thì vị này nói rằng, do cập nhật tài liệu chưa kịp thời và vẫn đọc bản luận tội các bị cáo đã viết sẵn?!”, luật sư Hướng nhớ lại.

Tại phiên tòa phúc thẩm, vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi với nhiều bị cáo khiến nhiều người không nhịn được cười: “Tại sao các khoản cần chi hợp lý cho thực hiện dự án, những khoản tiền nhà thầu chuyển cho chủ đầu tư lại không ký hợp đồng?”. Luật sư Hướng cho rằng: “Nếu ký hợp đồng, chắc chắn không có vụ án này”.

Theo đó, sau khi ký hợp đồng, phía RPMU - chủ đầu tư có nghĩa vụ trả tiền cho JTC một số công việc của nhà thầu như: Tổ chức lễ khởi công, đón tiếp khách, quà cho khách… là những khoản chi theo thông lệ. Do JTC không thực hiện được, họ đã chuyển ngược lại tiền và nhờ RPMU thực hiện thay mình nhưng không ký hợp đồng hay khế ước. Để từ đó, nhiều khoản tiền khác được JTC chuyển cho RPMU mà không đưa vào hạch toán.

Trong vụ án này, hoàn cảnh phạm tội bị cáo Trần Văn Lục, nguyên Giám đốc RPMU cũng khá đặc biệt. Trần Văn Lục bị truy tố tội danh theo Điều 281 BLHS khi còn giữ chức vụ này 21 ngày, đã bàn giao công việc cho người khác.

Việc thỏa thuận nhận tiền của RPMU với JTC do Bằng thực hiện, Lục không biết. Đến dịp Tết, Bằng đưa biếu Lục 100 triệu đồng bỏ trong túi quà, không nói là tiền từ JTC.

Tại tòa, Bằng khai đây là tiền riêng của Bằng biếu Lục do hơn 10 năm công tác cùng cơ quan, Lục có quan tâm cho Bằng phát triển, nên trước khi chia tay, bằng tình cảm chân tình cá nhân, Bằng đến cám ơn. Do nhận gói quà Tết này, Lục lĩnh án 5 năm 6 tháng tù, bồi thường dân sự 100 triệu đồng.

Thiên Long

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nhung-dieu-con-dong-lai-sau-mot-vu-an-diem-a323266.html