Những điều đáng tiếc của giải thưởng Hội Nhà văn

Những năm trở lại đây, cứ mỗi khi Hội Nhà văn Việt Nam công bố danh sách giải thưởng, dư luận lại có sự bàn tán không mấy tích cực. Tại sao vậy?

* Bài viết của TS. Phạm Xuân Thạch, Chủ nhiệm khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội gửi riêng Zing.vn:

Có một điều mặc định hiện diện như một định mệnh, Giải thưởng Hội Nhà văn (HNV) nào cũng sẽ bị so sánh với giải thưởng năm 1991 trao cho Nỗi buồn chiến tranh. Đó là năm mà 3 cuốn tiểu thuyết rất quan trọng của thời kỳ Đổi mới cùng được giải nhưng trong số đó, Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) vẫn là cuốn xuất sắc hơn cả. Cuốn sách đã làm nên danh tiếng cho giải thưởng.

Tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" tạo nên một thách thức khó vượt qua của giải thưởng văn học Hội Nhà văn hơn 2 thập niên qua.

Những áp lức của giải thưởng Hội Nhà văn

Theo tôi, cần phải nhìn mối quan hệ này ở cả hai chiều, giải thưởng mang lại những vị thế cho sách nhưng chính sách cũng làm nên giải thưởng. Bên cạnh đó, những năm gần đây, các tổ chức xã hội, các hội địa phương cũng tổ chức trao giải và thậm chí, còn tổ chức trước HNV. Chính điều đó tạo nên một sự “cạnh tranh” nhất định đối với giải thưởng của HNV. Tất yếu sẽ dẫn đến những so sánh theo nhiều chiều mà mọi sự khác biệt hoặc trùng lặp đều có thể dẫn đến những suy diễn không có lợi cho bên này hoặc bên kia.

Ở một góc độ khác, HNV là một hội nghề nghiệp với những nguyên tắc riêng của mình và giải thưởng của hội chắc chắn cũng chịu những chế định của những quy tắc đó. Đơn giản như việc tác phẩm được giải phải là tác phẩm của hội viên. Rồi thời điểm phát hành. Rồi hệ thống thể loại – hạng mục trao giải. Những quy tắc đó sẽ quy định ngược trở lại chất lượng của giải thưởng và không phải không có những hệ quả tiêu cực.

Một ví dụ rất rõ. Trong lĩnh vực văn học dịch và nghiên cứu, hệ thống hội viên không thể “bao” hết được người làm nghề. Bởi đây là những lĩnh vực rất đặc biệt, khác với sáng tác. Có nhiều dịch giả trẻ tôi tin chắc có trình độ và tạo ra những bản dịch tốt nhưng họ không phải là hội viên. Có những nhà nghiên cứu cũng không phải là hội viên và chắc chắn không có ý định trở thành hội viên. Đơn giản là bản chất công việc của họ khác. Vậy, việc có tác phẩm này, tác phẩm kia không được giải thì cũng có thể có những lý do rất chính đáng để biện minh.

Đó là xét từ một góc độ. Góc độ biện minh cho việc giải thưởng HNV không riêng gì năm nay mà nhiêu năm rồi, chưa được như kỳ vọng của người yêu văn chương cũng như của giới làm nghề.

Nhưng cũng lại phải xét từ một góc độ khác. Ta không thể quên rằng ở Việt Nam hiện nay, HNV là tổ chức nghề nghiệp duy nhất của những người viết văn. Không còn hội hoặc tổ chức nào khác. Vậy, việc công chúng cũng như người làm nghề, tôi nhấn mạnh, người làm nghề chứ không phải là hội viên, kỳ vọng vào chất lượng giải thưởng của hội là điều tất yếu.

Nếu hội đã là một tổ chức duy nhất của người làm văn chương ở Việt Nam thì giải thưởng của hội cần phải là hàn thử biểu đánh giá đời sống văn chương Việt Nam. Theo tôi, đây mới chính là vấn đề của giải thưởng HNV. Vấn đề không phải là tác phẩm này hay tác phẩm kia được giải có xứng đáng hay không, hay hay dở mà là những giải thưởng đó có mang tính đại diện, có phản ánh đúng đời sống văn chương trong năm hay không.

Có lẽ cần phải thay đổi góc nhìn như thế, không phải so sánh với quá khứ, mà là soi chiếu vào chính hiện tại để có một cái nhìn khác về giải thưởng của HNV cũng như tìm ra một lối thoát cho giải thưởng của hội.

Thấy gì ở mùa giải 2015?

Cần phải nói ngay rằng, tôi không quan tâm đến giải thưởng dành cho thơ. Thứ nhất, đơn giản bởi tôi không phải là chuyên gia. Thứ hai, trong đời sống văn chương hiện thời, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, thơ trữ tình không còn là thể loại mang tính đại diện cho đời sống văn chương.

Thơ vẫn cứ sống, người ta vẫn cứ làm thơ và vẫn có nhóm đọc thơ nhưng hãy thử hỏi, công chúng của thơ chiếm bao nhiêu phần công chúng văn học? Thơ sẽ thành thú vui của một thiểu số. Hãy nhìn vào giải Nobel văn chương. Bao năm rồi không có nhà thơ? Tôi cũng không quá quan tâm đến truyện ngắn. Nó sẽ mãi mãi là những mảnh vụn ở lưng chừng của một sự nghiệp văn học. Cái đáng quan tâm là tiểu thuyết, lý luận, phê bình, nghiên cứu văn học.

Nghiên cứu lý luận có điểm sáng. Các lý thuyết nghiên cứu văn học ảnh hưởng và tiếp nhận từ ngày đổi mới đến nay của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân là một công trình có giá trị (dù thú thật, tôi không đánh giá cao tiêu đề cuốn sách) xét trong tổng thể các công trình nghiên cứu, lí luận được in. Đổi mới đến nay đã được 30 năm và đó là khoảng thời gian đủ để chúng ta đặt vấn đề chúng ta đang ở đâu trong thế giới, chúng ta đã tiếp nhận gì và tiếp nhận đến đâu các lý thuyết nghiên cứu văn học của thế giới. Từ lâu, Nguyễn Văn Dân đã là một nhà nghiên cứu nghiêm cẩn, có tư duy chính xác và khoa học. Công trình này là một sự tiếp tục những gì ông đã làm và nói thẳng, đó là cuốn sách làm nên giá trị cho giải thưởng.

Tiểu thuyết lịch sử "Thông reo Ngàn Hống" nhận giải thưởng văn học của Hội Nhà văn 2015.

Nếu chỉ xét một cách độc lập thì cả Thông reo Ngàn Hống lẫn Người đàn ông đến từ Bắc Kinh đều là những tác phẩm có chất lượng tốt. Đó là những tác phẩm có thể nằm trong những danh sách xếp giải mà không thể bị đặt lại vấn đề. Nhưng, như đã nói, vấn đề là giải thưởng của Hội có phản ánh đúng diện mạo của đời sống văn chương của chúng ta trong một năm hay không. Đó lại là một vấn đề hoàn toàn khác.

Nhìn vào danh sách của giải thưởng, ngoại trừ công trình của Nguyễn Văn Dân, có thể nói, không có tác phẩm độc sáng. Độc sáng như Nỗi buồn chiến tranh hay Lý luận và văn học. Nhìn vào danh sách đó cũng khó có thể tìm thấy những dấu hiệu của những khuynh hướng mới, của những tiềm năng, của những giá trị sẽ được khẳng định vào những năm tới trong đời sống văn học.

Khó có thể tìm thấy một sự độc đáo nào về cách viết tiểu thuyết lịch sử cũng như cách nhìn nhân vật lịch sử trong một tiểu thuyết như Thông reo Ngàn Hống (Nguyễn Thế Quang). Khó có thể so cuốn tiểu thuyết này với những cuốn như Hát (Trần Nhã Thụy) hay Mình và họ (Nguyễn Bình Phương).

Hát được viết dựa trên một ý tưởng xuất sắc, sự kiến tạo con người qua con đường văn hóa đại chúng. Nói cách khác, âm nhạc đại chúng đã góp phần kiến tạo nên con người ra sao. Còn Mình và họ là một cuốn sách với quá nhiều vấn đề về mỹ học. Nó là một sự thay đổi trong cách viết về chiến tranh nếu so với những dấu mốc như Đất trắng (Nguyễn Trọng Oánh) hay Nỗi buồn chiến tranh, một sự thay đổi có tính hệ hình. Đó là những giá trị báo hiệu sự thay đổi của đời sống văn học. Đó là một cái gì rất khác với một cuốn tiểu thuyết “xét cũng thường thường bậc trung”.

Điều tương tự cũng diễn ra với lĩnh vực văn học dịch. Nếu loại trừ làn sóng “rác ngôn tình” tràn ngập thị trường thì trong năm qua, điểm sáng lại chính là việc những tác phẩm văn học tinh hoa và văn học cổ điển thế giới tiếp tục được giới thiệu với công chúng.

Tôi đã bàng hoàng khi đọc Chiến trận của Patrick Rambaud, Goncourt năm 1997 qua bản dịch tiếng Việt. Tôi cũng xúc động khi đọc Ba truyện kể của Gustave Flaubert qua bản dịch Lê Hồng Sâm và Phùng Ngọc Kiên. Đó đều là những tác phẩm kinh điển mà giá trị của nó lớn hơn rất nhiều so với một tiểu thuyết trinh thám như Người đàn ông đến từ Bắc Kinh của Henning Mankell. Tôi không phủ định giá trị của trinh thám nhưng nếu xét riêng hạng mục này, trong năm vừa qua, có những tiểu thuyết trinh thám tốt hơn rất nhiều như Điệp viên từ vùng đất lạnh (John Le Carré) hay đặc biệt Ác nhân (Yoshida Shuichi). Nếu như Điệp viên từ vùng đất lạnh là một tiểu thuyết được xếp vào hàng cổ điển thì Ác nhân lại là một đại diện của dòng trinh thám Nhật Bản, một dòng tiểu thuyết với rất nhiều sự độc đáo và giá trị nhân văn.

Có một điểm cũng rất đáng tiếc của hệ thống giải thưởng. Đó là cách phân các “hạng mục”. Quả thật tôi không thể hiểu được cái khái niệm “văn xuôi” trong giải thưởng. Nếu là văn xuôi thì cả nghiên cứu, lý luận phê bình cũng đều là văn xuôi đó thôi. Nghiên cứu và lý luận, phê bình đâu có viết bằng thơ. Sao không nhập vào cùng một “hạng mục”? Còn nếu không thì phải từ bỏ khái niệm “văn xuôi” rất cảm tính đó mà thay bằng tự sự. Và khi đó sẽ có vấn đề hư cấu và phi hư cấu. Dường như giải thưởng chỉ hướng đến những tự sự hư cấu trong khi tự sự phi hư cấu lại là một lĩnh vực hết sức thú vị của văn chương.

"Quân khu Nam Đồng" được đánh giá là một hiện tượng thú vị của văn đàn trong nước năm qua.

Không nên quên rằng, trong năm qua, có những tác phẩm hết sức độc đáo như Quân khu Nam Đồng (Bình Ca) nằm trong khu vực này. Hơn nữa, tại sao lại chỉ giới hạn văn chương trong lĩnh vực tự sự. Trong khi có những cuốn thuộc lĩnh vực tùy bút, tản văn rất có giá trị. Điển hình như Bức xúc không làm ta vô can (Đặng Hoàng Giang) hay Sài gòn bao nhớ (Đàm Hà Phú). Cần phải nhớ rằng Nobel văn chương đã được trao cho một nữ nhà văn với những tác phẩm phi hư cấu. Tất nhiên cũng có thể nghĩ đến việc mở rộng cơ cấu giải thưởng thêm những “hạng mục” như tác giả/tác phẩm triển vọng chẳng hạn.

Khi tôi nói tất cả những điều này, tất yếu sẽ có thể có những ý kiến phản bác lại. Rằng tác giả này, tác giả kia, dịch giả này, dịch giả kia không phải là hội viên. Hoặc thời điểm xuất bản thế này, thể kia. Hoặc cuốn này, cuốn kia đã được giải thưởng này kia. Nghĩa là sẽ có những ý kiến dùng những cơ chế này nọ để biện minh cho chất lượng của giải.

Nhưng cơ chế là do con người tạo ra và hoàn toàn có thể thay đổi. Nhất là khi nó làm ảnh hưởng đến ý nghĩa của sự tồn tại. Nếu một giải thưởng của hội duy nhất đại diện cho giới cầm bút mà không thể là một hàn thử biểu của đời sống văn chương trong năm thì khi đó, tính chính danh của chính hội nghề nghiệp ấy bị đe dọa. Tôi nhìn chất lượng của giải thưởng từ góc độ đó.

TS. Phạm Xuân Thạch

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thay-gi-tu-giai-thuong-hoi-nha-van-post623989.html