Những điều kỳ diệu trong nền giáo dục Phần Lan

Giáo dục Phần Lan luôn là điều gì đó tạo sự tò mò, háo hức với người làm giáo dục Việt Nam. Đây là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới bỏ một số môn học phổ thông ra khỏi chương trình học.

Ngày 13/1, Đại sứ quán Phần Lan phối hợp cùng Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam và công ty Cổ phần Sách Alpha tổ chức buổi Hội thảo: “Việt Nam học được gì từ nền giáo dục Phần Lan” và lễ ra mắt “Bài học Phần Lan 2.0” tại Học viện Quản lý giáo dục.

Cuốn sách “Bài học Phần Lan 2.0” đã mô tả chi tiết cách thức Phần Lan chuyển đổi hệ thống giáo dục trở thành mô hình giáo dục xuất sắc nhất hiện nay. Các đánh giá của thế giới đã chỉ ra Phần Lan là một trong những quốc gia có học vấn cao nhất thế giới.

Phát biểu tại buổi tọa đàm ra mắt cuốn sách, ông Phạm Chí Cường, Vụ phó vụ Hợp tác quốc tế cho hay: “Cuốn sách được viết bởi giáo sư rất nổi tiếng của Phần Lan, đây là cuốn sách có cách nhìn và tiếp cận mới với giáo dục. Cuốn sách thực sự có ý nghĩa với chúng tôi trong điều kiện Việt Nam đang đổi mới căn bản nền giáo dục phổ thông”.

“Giáo dục Phần Lan luôn là điều gì đó tạo sự tò mò, háo hức với người làm giáo dục Việt Nam. Đây là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới bỏ một số môn học phổ thông ra khỏi chương trình học.

Tôi tin nhiều vấn đề trong cuốn sách rất hữu ích cho giáo dục Việt Nam trong bối cảnh này trong khi những năm qua chúng tôi đang rất nỗ lực trong việc mang lại “làn gió mới” cho nền giáo dục Việt Nam” - Ông Nguyễn Cảnh Bình – Giám đốc Trung tâm Hợp tác và Phát triển trí tuệ Việt Nam cho hay.

Giáo dục Phần Lan luôn luôn đổi mới

Chia sẻ tại buổi tọa đàm bà Hassi – phụ trách phát triển hợp tác và triển khai đầu tư Khối Giáo dục Phổ thông Phần Lan đã chia sẻ những điểm làm nên một nền giáo dục nhân văn tại đất nước này.

Bà cho biết, giáo dục ở Phần Lan thay vì tăng giờ học và bắt học sinh học quá nhiều thì chúng tôi cũng xây dựng những phương pháp học tốt hơn. Điều đặc biệt, ở đất nước phần Lan của chúng tôi, học sinh sống ở vùng sâu vùng xa đều có quyền bình đẳng trong cách tiếp cận giáo dục.

Phần Lan không tiến hành các kỳ kiểm tra để đánh giá

Cuốn sách “bài học Phần Lan” đã chỉ ra nghịch lý, làm sao giờ học ít đi nhưng chất lượng giờ học tăng lên. Trên thực tế các giờ học của học sinh ở Phần Lan trong thời điểm hiện tại đã giảm đi kể từ khi đất nước này thực hiện các cuộc cải cách giáo dục.

"Chúng tôi giảm giờ học để giáo viên có thời gian soạn giáo án và có thời gian để tương tác với học sinh và phụ huynh nhiều hơn.

Tại Phần Lan, học sinh không phải trải qua các kỳ kiểm tra thường xuyên để đánh giá năng lực và sự lĩnh hội kiến thức. Có thể nói, học sinh của chúng tôi không có bài kiểm tra nào trong toàn bộ chương trình học của các em học sinh. Chúng tôi chỉ tiến hành kiểm tra đầu vào và kỳ kiểm tra quốc gia.

Nước khác tập trung vào những bài kiểm tra đánh giá chất lượng học sinh nhưng chúng tôi đề cao trách nhiệm, làm sao để các em là những người tự tin và sống có trách nhiệm với người khác cũng như bản thân mình.

Chúng tôi luôn khuyến khích sự đa dạng trong quá trình giáo dục để tận dụng thế mạnh và tài năng của học sinh. Dân số của chúng tôi hạn chế, các tài nguyên cũng hạn chế nên phương châm của chúng tôi là “không để ai bị bỏ lại đằng sau”, vì thế mọi học sinh đều được hưởng quyền giáo dục như nhau.

Tất cả các sinh viên của Phần Lan đều có cơ hội vào tất cả các trường mà các em muốn chứ không có chuyện trường A chỉ nhận sinh viên A và chúng tôi không phân biệt bất cứ sinh viên nào" - bà Hassi – phụ trách phát triển hợp tác và triển khai đầu tư Khối Giáo dục Phổ thông Phần Lan chia sẻ.

Giáo viên là ngành hưởng lương cao nhất

Giáo viên chính là nền tảng quan trọng trong toàn bộ hệ thống giáo dục của Phần Lan. Ở đất nước này, nghề giáo là nghề cao quý nhất, được trọng vọng và được trả lương cao nhất trong tất cả các nghề.

Tuy nhiên, đằng sau đó, tất cả giáo viên đều có bằng cấp tốt được đào tạo chính quy và bài bản thực sự, giáo viên luôn tạo được sự tin tưởng trong xã hội.

Nhà trường tự chủ chương trình giảng dạy

Trên thực tế, các trường của Phần Lan đều tự chủ về chương trình giảng dạy của mình và các cấp quản lý không cần có đánh giá thường xuyên với giáo viên. Sự hợp tác giữa các giáo viên được nâng cao, họ luôn thảo luận nhóm để có những bài giảng tốt nhất cho học sinh của mình.

Ngoài ra, các giáo viên của Phần Lan thực sự là đội ngũ chuyên gia thường xuyên tham khảo ý kiến đồng nghiệp, có sự kết hợp lý thuyết và thực hành để có bài giảng tốt nhất.

Giáo dục Phần Lan luôn mở cửa để đón nhận những ý tưởng hay của quốc gia khác. Nhìn vào giáo dục của các nước khác, giữa các trường có sự cạnh tranh để lôi kéo học sinh về trường học nhưng ở Phần Lan không có chuyện này mà các trường cùng hợp tác với nhau và để học sinh tự do lựa chọn.

Mỗi học sinh được thiết kế chương trình riêng

Một điều đáng chú ý là ở Phần Lan toàn bộ chương trình học của học sinh được thiết kế cho từng em để phù hợp với tính cách và khả năng của từng học sinh. Giáo dục ở các nước khác tập trung vào môn cốt lõi như Toán hay phát triển ngôn ngữ nhưng Phần Lan tập trung về sự phát triển toàn diện của đứa trẻ như nhạc, họa, thể dục và nhấn mạnh vào trách nhiệm của học sinh với cuộc sống.

Bà Hassi cũng chia sẻ thêm: “Chương trình đổi mới giáo dục của Việt Nam nên tập trung vào khả năng để học sinh có năng lực thực sự khi làm việc và có động lực học tập tốt hơn thay vì học những môn nhàm chán và cũng không có tác dụng gì.

Với chương trình phát triển giáo dục trong tương lai, tôi nghĩ rằng chúng ta nên có những tiếp cận linh hoạt và nhiều đổi mới trong giảng dạy đây là phương châm mà chúng tôi theo đuổi. Việt Nam cũng hãy đầu tư để có được những giáo viên thực sự tâm huyết chỉ có thế nền giáo dục của chúng ta mới có được những bước phát triển thực sự”.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/nhung-dieu-ky-dieu-trong-nen-giao-duc-phan-lan-post218938.info