Những đô thị 'vô tâm'

Có lẽ, trong khoảng 20 năm qua, chưa năm nào mùa khô lại nắng nóng đỉnh điểm như năm nay. Để lý giải về cái nắng nóng lạ thường ấy cần phải nhờ tới những chuyên gia khí tượng với những lập luận khoa học rõ ràng. Còn bản thân chúng ta chỉ có cảm nhận là thước đo duy nhất.

Những cảm nhận ấy được chuyển tải lên mạng xã hội qua nhiều dòng trạng thái khác nhau, than thở có, dí dỏm có... Và, cộng hưởng với cái nóng tới nghiệt ngã ấy là tình trạng khô hạn, đặc biệt là ở những nơi vùng sâu, vùng xa.

Nhiều người dân trốn nóng ở công viên.

Trong một khoảng thời gian khá dài, nhiều ngày liền, chương trình "Chào buổi sáng" của VTV1 đã đề cập tới việc thiếu nước sinh hoạt ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hình ảnh những chiếc xe bồn chở nước cho bà con chợt trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Trong các phóng sự ấy, ánh mắt, nụ cười của bà con nhận nước sinh hoạt đã khiến nhiều người xem cảm giác ấm lòng. Cảm xúc về sự sẻ chia, về tình người đã bật ra từ những hình ảnh bé nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn lao vô cùng.

Trong những dòng tâm trạng đây đó mong mưa rải đầy trên mạng xã hội, có cả những phỏng đoán về thời điểm sẽ bắt đầu mùa mưa năm nay. Người thì nói "chắc sau 30/4", người lại đoán năm nay thời tiết cực đoan nên chắc mùa khô còn kéo dài thêm chí ít cho tới tận giữa, cuối tháng 5. Và, ngay cả những người vốn dĩ ghét cái ướt át của mùa mưa, ghét những cơn dông bất chợt, ghét những cơn mưa dài khiến việc đi lại khó khăn hơn cũng mòn mỏi đợi mưa khi mà ngày qua ngày, nhiệt độ lên tới đỉnh điểm có thể vượt mức 40 độ C. Và, hình ảnh những bãi biển ken kín người mấy ngày nghỉ lễ đã đủ chứng minh cho tất cả. Cái nóng khiến người ta đổ xô về những nơi có nước, có gió mát hoặc về những vùng núi cao với khí hậu dịu dàng hơn nhiều.

Giữa bối cảnh nóng nực là nỗi bức bối chung ấy, hình ảnh của dòng nước mát nhiều khi cũng đủ xoa dịu lòng người. Song, không hẳn dòng nước mát nào cũng làm cho con người ta dịu lại. Có những dòng nước chỉ để lại nỗi xót xa vì nó vô tình đại diện cho sự bất nhẫn, sự vô tâm của con người, nhất là trong giai đoạn khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng như hôm nay.

Đêm 1/5, giữa cái oi bức, một cuộc vui đã được một doanh nghiệp bất động sản bày ra giữa khu đô thị mới mẻ, khang trang, hiện đại và xa xỉ của họ. Với giá vé vào cửa 350.000 đồng, khán giả được vào chơi thỏa thích các trò chơi trong khuôn viên rộng lớn của họ, tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Trong vô vàn các trò giải trí ấy, bên cạnh một sân khấu ca nhạc hoành tráng phủ đầy màn hình LED, bật lên là tiêu điểm "nhạc nước".

Cái tên của sự kiện, "Fountain Festival" cũng gắn với nước (fountain) và nó đủ tạo ra một tưởng tượng mát lạnh, tràn trề sức sống. Và, những cột nước đã được "trình diễn" đúng nghĩa, cùng với hiệu ứng ánh sáng và âm thanh, lung linh huyền ảo vô cùng. Nó cho thấy sự sung túc, trù phú của một khu đô thị cao cấp bậc nhất. Nhưng, nó cũng cho thấy cả sự vô tâm nữa. Để khuếch trương cho các sản phẩm bất động sản của mình, cả một thế giới trò chơi, giải trí như đua xe Kart, sân khấu âm nhạc, trình diễn ánh sáng... thực tế đã là quá đủ. Trình diễn nước đúng là điểm nhấn đặc biệt thật nhưng nó chỉ đặc biệt nếu như hoàn cảnh chung hiện nay ở nhiều địa phương khác không phải là khô hạn, thiếu nước sinh hoạt và xâm nhập mặn.

Giữa hoàn cảnh chung của rất nhiều đồng bào vùng sâu, vùng xa đang khó khăn như thế, đang chắt chiu từng can nước nhỏ như thế, sự tưng bừng của những "vũ điệu nước" cho dù không làm lãng phí, thất thoát nước chút nào đáng kể đi nữa vẫn mang lại một cảm giác khó chịu đúng nghĩa và vô tình, cái trình diễn kia đã trở nên dị biệt.

Người dân đổ về công viên Bạch Đằng, quận 1, TP Hồ Chí Minh chờ xem pháo hoa.

Trước đêm trình diễn nhạc nước kia một hôm, đêm pháo hoa 30/4 cũng tưng bừng với vô vàn sắc màu được vẽ lên bầu trời thành phố phương Nam. Nhưng, ở một khu đô thị mới, thuộc quận 2, với những căn hộ với giá tối thiểu chục tỷ trở lên, rất hiếm người chiêm ngưỡng pháo hoa dù cho điểm bắn rất gần đó và tầm nhìn là tuyệt vời đối với ngay cả những ai đứng xem dưới mặt đất chứ không phải trên tầng cao. Sự vắng vẻ người xem ấy đến từ đâu? Dễ hiểu, từ 18h30, không hiểu sao bảo vệ của khu đô thị kia chặn barrier ngăn không cho bất kỳ khách bên ngoài nào vào các con đường phía trong.

Nếu như đó là những con đường giao thông nội khu của khu đô thị thì không ai nói làm gì. Đằng này, chúng lại là những con đường được đặt tên như phố Nguyễn Thiện Thành, phố Trần Bạch Đằng. Thậm chí, có những người đặt chỗ ở những nhà hàng sang trọng trong khu vực này cũng buộc phải dừng xe ở phía ngoài barrier, đi bộ vào trong sau khi chứng minh cho bảo vệ biết mình có đặt chỗ nhà hàng rồi. Cả một khu vực gồm 4 con phố bỗng dưng bị phong tỏa, biệt lập hẳn với bên ngoài. Và, ở phía ngoài kia là gì?

Đó là những con người bình dân của thành phố, chen chúc nhau ở những tuyến đường nhỏ hơn mong có được vị trí tốt cho lũ trẻ nhà mình được ngắm pháo hoa mừng Tết Thống nhất nước nhà. Sự lạnh lùng không phải từ những gương mặt bảo vệ. Sự lạnh lùng đến từ thái độ không chấp nhận sẻ chia của những người giàu cho dù những con phố như Nguyễn Thiện Thành, Trần Bạch Đằng... là tài sản công cộng. Sự lạnh lùng ấy đại diện tiêu biểu một cách đặc biệt nhất, nổi trội nhất cho sự phân biệt, kỳ thị, cho khoảng cách giàu nghèo trong một xã hội luôn đặt công bằng và nhân văn lên hàng đầu.

Không phải những người giàu ở khu đô thị đó từ chối chia sẻ với những đồng bào khác đến từ bên ngoài nơi mình sống. Chính thái độ cởi mở của họ đối với những thực khách từ các quận khác đang thưởng thức bữa tối ở những nhà hàng trong nội khu ấy dưới trời pháo hoa đã cho thấy không hề có khoảng cách nào giữa người với người. Nhưng, chủ đầu tư đã tự tạo ra một đặc quyền riêng theo cái cách đầy phi lý như thế. Đó là thứ đặc quyền lạm dụng trái luật. Câu hỏi đặt ra là: "Ai đã cho phép họ ngăn những con phố vốn dĩ thuộc về mọi người dân?".

Trong công cuộc xây dựng một quốc gia phồn thịnh hơn, chúng ta luôn mong mỏi Việt Nam có được những gì tốt nhất trong khả năng đủ tầm so sánh với thế giới. Chúng ta cũng muốn có các tòa nhà cao chọc trời. Chúng ta cũng muốn có những khu căn hộ sang trọng bậc nhất với tầm nhìn (view) ngắm cảnh "triệu đô" như ở Tokyo, New York, Sydney, Paris... Và, nỗ lực kiến tạo, xây dựng những khu đô thị mỹ miều chính là một trong những hành động để chứng tỏ sự vươn mình phồn thịnh như thế. Tuy nhiên, ngăn cản quyền hưởng thụ chính đáng của những người dân khác, nghèo hơn những chủ sở hữu triệu phú đô la kia, ở ngay trên những mét vuông đất thuộc tài sản công cộng lại là hành vi vô tâm đến đáng sợ.

Có những đô thị lộng lẫy còn sẵn lòng bán vé cắm trại với giá rất vừa túi tiền cho khách bên ngoài vào đất nội khu mà họ được đặc quyền khai thác để những ai không có điều kiện mua nhà ở đó cũng có thể thử trải nghiệm một lần không gian sống sang trọng mà họ mơ ước.

Vậy mà tại sao lại có thể có những chủ đầu tư sẵn sàng đặt ranh giới ngăn cản với đồng bào của mình thậm chí ở ngay cả phần đất mà mình không có quyền khai thác chỉ với mục đích duy nhất là duy trì sự sang trọng cho những chủ sở hữu giàu có? Phải chăng, họ đang muốn tạo ra những đô thị vô tâm, những đô thị mà "chỉ có chúng tôi có quyền hưởng thụ, được quyền xả láng" bất chấp ở ngoài kia, đồng bào đang thèm khát thế nào và có rất nhiều bà con nơi xa đang chắt chiu từng giọt nước không chỉ cho sinh hoạt hằng ngày mà còn để duy trì sức sống của mùa màng.

Đừng xây thêm những đô thị vô tâm nữa, hỡi những chủ đầu tư vô tâm.

Văn Đoàn

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/nhung-do-thi-vo-tam-i730919/