Những dòng sông bị đầu độc

(ĐSCT) “Cá chết phơi bụng hàng loạt, nghề nuôi cá bè, nuôi cua của bà con ở đây đang chết dần. Nếu không sớm có biện pháp cải tạo và ngăn chặn tình trạng xả nước thải ồ ạt, có thể vài năm nữa sông Vàm Cỏ Đông này sẽ trở thành sông Thị Vải thứ hai”, lão nông Huỳnh Văn Ri (ấp Lộc Chánh, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, Long An) chỉ vào làn nước đen ngòm nói.

VÀM CỎ ĐÔNG, HỠI ƠI DÒNG SÔNG! Nước sông Vàm Cỏ Đông nay cũng đã đổi thay màu Dẫn chúng tôi đi dọc hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, ông Huỳnh Văn Ri phút chốc lại tặc lưỡi: “Chết! Cá chết, người cũng đói theo. Thúi thế này thì con gì sống được”. Là người gắn bó với con sông này từ thuở tắm sông, ông Ri tỏ ra xót xa trước cảnh dòng sông đang bị bức tử. Mưu sinh bằng nghề đóng đáy, nuôi cá bè, sông đã nuôi sống gia đình ông bao năm nay. Nhưng giờ đây, nước xanh biêng biếc đã đổi thay... màu! Cảnh tượng “dập dềnh tôm cá” giờ cũng chỉ còn trong câu hát. “Từ khi các nhà máy sản xuất mọc lên hai bên sông, đột nhiên nước sông đổi màu. Cả chục ngàn con cá điêu hồng tôi nuôi trong bè bỗng nhiên chết nổi đỏ bè. Nếu không phải vì nước ô nhiễm thì sao cá chết!”, ông Ri bức xúc. Song song với việc cá nuôi trong bè chết hàng loạt, theo người dân địa phương, nguồn cá, tôm trong sông cũng cạn kiệt dần. Nguồn nước rỉ từ vựa rác bên sông Cần Giuộc sẽ được xả thẳng xuống sông “Vài năm trước, thả lưới xuống ngồi hút tàn điếu thuốc là cá dính đen lưới, giờ thả cả ngày may thì được vài con sặc. Sông là nguồn sống của bà con chúng tôi nhưng nay nó tàn tạ như thế thì bà con lấy gì sống” - ông Ba Hòa, người dân xã Lương Hòa, huyện Bến Lức xót xa. Theo chân người dân đi thực tế, chúng tôi hiểu được nỗi lòng của họ khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng ô nhiễm. Mùi nước hăng hắc xộc lên mũi gây cảm giác khó thở, màu nước cũng đục một cách bất thường. Nhiều đoạn nước cuộn lên một màu đen đặc. Theo quan sát của chúng tôi, ngoài nguồn nước thải tại chỗ, sông Vàm Cỏ Đông còn phải hứng chịu nguồn nước thải tiếp về từ kênh Thầy Cai (TPHCM). Dòng kênh này là nơi tiếp nhận nguồn nước thải của KCN Tân Phú Trung, khu liên hợp xử lý rác Tam Tân và bãi rác Phước Hiệp... Tại điểm tiếp giáp kênh Thầy Cai - kênh An Hạ - kênh Xáng - sông Vàm Cỏ Đông, màu nước từ kênh Thầy Cai là đậm hơn cả. SÔNG CẦN GIUỘC, CỎ CÂY CŨNG PHẢI SẦU THAN Sông Cần Giuộc chảy từ rạch Chợ Đệm đến cửa Soài Rạp, dài 38km. Khi qua địa phận huyện Cần Giuộc (Long An) sông chia thành hai vùng thượng và hạ. Sông là nguồn dự trữ nước ngọt quan trọng cung cấp cho các loại cây trồng vào mùa khô. Đồng thời, dòng sông này cũng là nơi khai thác nguồn lợi thủy sản của người dân huyện Cần Giuộc và các địa phương lân cận. Tìm về tới địa bàn xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, nơi có nghề truyền thống nuôi cua lột, chúng tôi nghe bà con than vãn nước sông Cần Giuộc bây giờ ô nhiễm quá, dân nghèo cũng vì liên tục thất mùa tôm, cua, rồi bệnh tật xảy ra như cơm bữa, nguyên do chỉ vì nguồn nước ô nhiễm. Thực tế chúng tôi chứng kiến cảnh các đìa, ao nuôi cua lột ở đây đìu hiu vắng hẳn bóng... cua! Dưới nhiều ao nuôi, từ lâu những chiếc máng để thức ăn cho cua vứt trôi lềnh bềnh, những đống lưới, sọt đựng cua cũng xếp xó trên bờ phơi cùng nắng mưa chờ ngày... mục nát! Đứng bên đìa nuôi cua bỏ hoang, ông Trần Văn Nhanh, ấp Tân Thanh, xã Phước Lại, Long An, chỉ vào ao rộng gần 3.000m2 nói: “Mấy năm nay toàn vùng gặp “con nước lạ” đổ về, cua nuôi số thì chết, số không lột, càng nuôi càng lỗ nặng. Tôi đã phải bỏ hoang ao, bám nghề là chết theo cua”. Chung cảnh ngộ với ông Nhanh, những hộ ở xã Phước Lại như ông Tư Tồn (ấp Mương Chài), ông Trần Văn Toàn (ấp Lũy) hay anh Dương Văn Mạnh (ấp Tân Thanh B)... cũng đã phải bỏ nghề nuôi cua kiếm nghề khác sinh nhai. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch HĐND xã Phước Lại, Trần Giàu cũng xác nhận do môi trường nước trong vùng nuôi bị ô nhiễm nặng khiến các hộ dân không ai dám tiếp tục đầu tư thả nuôi, hầu hết các ao nuôi đều đang bỏ hoang. Chính quyền xã cũng không khuyến cáo bà con tiếp tục thả nuôi cua nữa. Lênh đênh trên chiếc ghe máy, chúng tôi ngược dòng sông Cần Giuộc gần 50km ghi nhận sự tình. Ra khỏi kênh Nước Mặn, tôi bắt đầu nhận ra sự đổi màu của nước sông tại đoạn tiếp giáp sông Ông Chuồng - sông Cần Giuộc. Ông Minh vừa điều khiển ghe vừa nói: “Sông Ông Chuồng hứng nước thải của khu công nghiệp Hiệp Phước, (huyện Nhà Bè, TPHCM) rồi đổ về sông Cần Giuộc nên nước mới đen quánh như thế. Trước đây, người dân sử dụng nước sông để sinh hoạt, thậm chí cả nấu ăn; còn bây giờ thì đến tắm cũng không dám, nước bẩn và gây ngứa kinh khủng”. Quyện trong màu nước đục quánh là mùi hôi khăm khẳm theo gió ập vào mũi mọi người. Sự ô nhiễm không chỉ làm thay đổi hệ sinh thái trên sông mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống người dân. Hơn lúc nào hết, ngành chức năng nên thắt chặt việc kiểm tra tình trạng xả nước thải tại các nhà máy, xí nghiệp ven sông để cứu lấy những con sông đang hấp hối.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=681&id=36671&mod=detnews&p=