Những dự án, công trình gặp phải sự phản đối nhiều nhất năm 2016

Những cái tên này đã trở nên hết sức quen thuộc trong năm qua. Đó là Formosa Hà Tĩnh, thép Cà Ná (Ninh Thuận), hàng loạt công trình nghìn tỉ thua lỗ, đắp chiếu…

Dự án gang thép Formosa.

Nhà máy gang thép Formosa

Thảm họa môi trường do Formosa gây ra đã tạo nên một cơn địa chấn về môi trường cho đến kinh tế, chính trị - xã hội trong năm qua.

Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa đầu tư vào Vũng Áng (Hà Tĩnh) năm 2008, bằng mô hình sản xuất - xuất khẩu liên hợp với tổng đầu tư 28,5 tỉ USD trên diện tích hơn 3.300 ha, thời gian thuê đất là 70 năm với hàng loạt ưu đãi chưa từng có.

Tuy nhiên, trong quá trình vận hành thử, công ty này đã xả thải ra môi trường biển, hủy hoại nghiêm trọng hệ sinh thái biển của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế thuộc miền Trung Việt Nam. Sự việc được phát hiện vào tháng 4.2016 và sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xác định công ty này thiếu sót 58 hạng mục bảo vệ môi trường.

Lãnh đạo Formosa cúi đầu xin lỗi

Sự việc này được đánh giá là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100 nghìn người do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và 176.285 người phụ thuộc; thiệt hại sản lượng hải sản khai thác ven bờ ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng. Cùng với đó, việc tiêu thụ thủy sản giảm sút nghiêm trọng, hàng nghìn tấn hàng tồn kho, du lịch biển ảm đạm… Đây là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016, khi chỉ đạt 5,52%.

Chính phủ cũng đánh giá, sự việc này khiến giảm lòng tin của nhân dân, lộ ra nhiều bất cập trong thẩm định và giám sát các dự án đầu tư. Từ dự án này, những lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã phải nhiều lần nhấn mạnh “không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế”, “không thu hút đầu tư bằng mọi giá”. Song song với đó là quyết tâm xử lý cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm trong vụ việc này.

Hiện nay, những hậu quả từ thảm họa môi trường này vẫn chưa xử lý xong dù cho công ty này đã đền bù 500 triệu USD cho phía Việt Nam.

Dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận)

Tốn không ít giấy mực của báo giới trong thời gian qua là dự án thép Cà Ná (Ninh Thuận) của Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư với số vốn 10 tỉ USD, công suất 16 triệu tấn thép/năm. Dù mới chỉ là trên giấy nhưng dự án này đã gây ra hàng loạt lo ngại về môi trường, khiến dư luận cũng như giới chuyên gia phản đối khá mạnh mẽ.

Giới chuyên gia cũng lo ngại rằng, sản xuất thép là ngành tiêu tốn rất nhiều nước, mà Ninh Thuận là tỉnh gặp nhiều hạn hán, nguồn nước thiếu thốn sẽ không đáp ứng đủ cho doanh nghiệp. Cùng với đó là lý do công nghệ khi dự án này được sản xuất bằng công nghệ lò cao của Trung Quốc. Nhất là khi đơn vị tư vấn thiết kế là CISDI Group - một tập đoàn đến từ Trùng Khánh, Trung Quốc, là đơn vị tư vấn thiết kế và làm tổng thầu cho dự án xây dựng hai lò cao - hạng mục quan trọng hàng đầu trong dự án của Formosa Hà Tĩnh.

Đặc biệt Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời thẳng, thật các vấn đề: Có hay không xuất hiện lợi ích nhóm trong việc bổ sung quy hoạch dự án? Có hay không việc Bộ đã và đang chạy theo doanh nghiệp để làm dự án và đi ngược lại chủ trường không đánh đổi môi trường lấy kinh tế của Chính phủ? Đầu tư theo quy hoạch hay quy hoạch theo đầu tư khi dự án này mới được bổ sung vào quy hoạch?

Theo đại biểu này, việc bất chấp những phản biện mang tính khoa học, tâm huyết của các chuyên gia, để cơ quan chức năng bổ sung vào quy hoạch dự án này có được xem là hành vi dẫn đến tội ác hay không?

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương cũng đã nhiều lần lên tiếng trấn an dư luận và đảm bảo giám sát chặt chẽ dự án này.

Dự án nhà máy giấy Lee & Man

Dự án nhà máy giấy Lee & Man của Tập đoàn Giấy Lee & Man Hong Kong tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cũng gặp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận về vấn đề môi trường khi dự án này chuẩn bị đi vào hoạt động.

Hiệp hội thủy sản Việt Nam (VASEP) đã kiến nghị Chính phủ nhiều lý do để dừng dự án Nhà máy giấy Lee & Man. Đó là, về nguyên tắc, không được đặt các nhà máy giấy, nhuộm, hóa chất ở ven sông, nhất là nơi nuôi trồng thủy hải sản và phát triển nông nghiệp. Trong “Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp giấy đến năm 2010” thì không có quy hoạch xây dựng nhà máy giấy ở Hậu Giang, và theo “Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010-tầm nhìn 2020” cũng không quy hoạch vùng nguyên liệu giấy tại ĐBSCL.

Việc xét duyệt cho phép Nhà máy giấy Lee & Man hoạt động vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Lúc sơ khởi, nhà máy chỉ làm bản cam kết BVMT, được UBND huyện Châu Thành cấp giấy xác nhận đăng ký cam kết BVMT, mang tính chất hình thức, không thông qua hội đồng khoa học thẩm tra, đánh giá. Hơn nữa, diễn biến nguồn nước ở sông Mekong ngày càng phức tạp do biến đổi khí hậu, nước biển dâng và hoạt động bất thường của các đập thủy điện thượng lưu trên sông Mekong.

12 dự án nghìn tỉ thua lỗ của Bộ Công Thương

12 nhà máy được đầu tư hàng nghìn tỉ đồng nhưng hoạt động yếu kém, thua lỗ, đắp chiếu là nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, nhà máy đạm Ninh Bình, nhà máy đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai , DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai.

Nguyên nhân thua lỗ của các dự án này được xác định là thiếu trách nhiệm trong giám sát, chỉ đạo điều hành; thiếu tính toán trong đầu tư; do giá nguyên liệu trên thị trường biến động mạnh; sai phạm trong quá trình thi công…

Những dự án này cũng đã làm nóng kỳ chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương tại phiên chất vấn trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 vừa rồi. Các đại biểu đều yêu cầu phải quy trách nhiệm cá nhân rõ ràng trong việc để xảy ra thua lỗ tại các dự án này.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết sẽ kiên quyết xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, sẽ không lấy tiền thuế của dân để bù lỗ cho những sai phạm này.

Thủy điện miền Trung

Bị nêu tên nhiều nhất là thủy điện An Khê - Kanak tại Gia Lai. Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành cho rằng, việc xây dựng, vận hành hồ chứa nước của thủy điện An Khê - Kanak là bất cập. Mùa khô thì giữ nước lại, gây thiếu nước còn mùa lũ thì xả lũ mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân vùng hạ lưu sông Ba. Do đó, ĐB này nhấn mạnh đây là công trình sai lầm thế kỷ.

“Việc xây dựng Thủy điện An Khê - Kanak đã chuyển hướng một dòng sông lớn đang nuôi sống hàng triệu dân như vậy trên thế giới không bao giờ có. Từ sai lầm này đã dẫn đến phải chạy theo giải quyết hậu quả” - ông Thành lo ngại.

Nhà máy thủy điện Hố Hô xả lũ

Thứ hai là Thủy điện Hố Hô (giáp ranh Hà Tĩnh, Quảng Bình). Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc xả lũ bất ngờ của nhà máy thủy điện này, làm trầm trọng hơn tình hình lũ lụt của địa phương.

Ngoài ra, còn có hàng chục thủy điện nhỏ rải rác trên các sông tại khu vực miền Trung khiến người dân hết sức lo lắng. Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị dẹp bỏ 380 thủy điện nhỏ lên Thủ tướng.

Như vậy, “lũ lụt” có lẽ là một trong những cụm từ ám ảnh nhất đối với người dân miền Trung trong năm qua. Và mỗi mùa lũ đến, trách nhiệm của thủy điện đến đâu trong việc này lại được đưa lên các diễn đàn, tranh cãi không dứt.

Hoàng Lân

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/nhung-du-an-cong-trinh-gap-phai-su-phan-doi-nhieu-nhat-nam-2016-52813.html