Những giá trị được trao truyền

Không chỉ gìn giữ những giá trị được trao truyền lại, việc bảo lưu và thực thi hương ước tại nhiều làng quê với tinh thần chủ động thích ứng đã góp phần tôn bồi, gìn giữ những giá trị làng quê. Hương ước, với tinh thần của thời hiện đại, còn góp phần xây dựng và phát triển cuộc sống người dân.

Tiếp nối truyền thống

Khách xa có dịp đến làng Mộ Trạch, thuộc huyện Bình Giang (Hải Dương) sẽ được trải nghiệm không khí thanh bình của một làng quê, độc đáo hơn khi biết rằng đó là một vùng đất hiếu học. Trò chuyện với những người dân thuần phác, hẳn nhiều người sẽ đặt câu hỏi: điều gì đã khiến người dân nơi đây luôn nuôi ý chí vươn lên trong cuộc sống, để Mộ Trạch có nhiều vị học giả, nhà giáo, nhà quản lý có vị thế nổi danh trong cả nước đến vậy? Lý giải về điều này, các bậc lão niên trong làng cho rằng, ngoài tấm gương người xưa thì bản hương ước ra đời vào năm 1665 với 30 điều quy định về việc khuyến học; gìn giữ văn hóa, lối ứng xử và cảnh quan môi trường đã được người dân tuân thủ và phát huy mạnh mẽ. Tiến sĩ Vũ Huy Thuận, người con của Mộ Trạch cho rằng, cũng vì trọng đạo học nên hương ước của Mộ Trạch khác rất nhiều so với hương ước của những ngôi làng khác. Tiếp nối truyền thống xưa, làng và các dòng họ đã xây dựng quỹ khuyến học, khuyến khích phong trào học tập, phấn đấu của con em Mộ Trạch.

Ông Vũ Huy Ái, Chi hội phó Hội Khuyến học xã Tân Hồng, thành viên Ban quản lý Di tích cho biết, hương ước của làng Mộ Trạch hiện còn lưu một bản ở Viện Hán nôm. Nhờ biết rõ công trạng của các bậc tiền nhân, cộng với ý thức vươn lên mà con cháu sau này đã góp phần xây dựng quê hương thanh bình, giàu đẹp.

Cũng là một ngôi làng cổ, còn gìn giữ được cả quần thể di tích văn hóa cổ, nét đẹp văn hóa, làng Nôm, xã Đại Đồng (Văn Lâm- Hưng Yên) trở thành ngôi làng hiếm hoi không bị tác động tiêu cực bởi quá trình đô thị hóa. Trong cuốn “Đại Đồng tổng tục sự” viết về làng Nôm có phần hương ước, gồm 50 điều. Những điều không phù hợp với cuộc sống hiện đại đã được người dân điều chỉnh, bỏ bớt. Theo ông Phùng Nghiệp - Hội trưởng Hội sóc vọng (gồm những lão niên có uy tín, tuổi từ 55 trở lên tham gia việc cúng tế cầu an cho dân, cầu lộc cầu tài và gìn giữ nền nếp văn hóa), nhờ hương ước quy định rõ ràng, với ý thức tôn trọng cao từ phía người dân nên làng Nôm đã gìn giữ được hệ thống di tích dày đặc, cảnh quan tự nhiên đẹp mà hiếm vùng quê nào có được.

Gìn giữ và điều chỉnh

Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, hương ước phản ánh một phương diện của văn hóa làng, là quan điểm của người dân về cái hay - dở, cái đúng - sai trong cuộc sống. Cần xây dựng hương ước không chỉ là một dạng quy định luật pháp, mà trở thành một hệ thống tiêu chuẩn đạo đức ngay tại các làng quê, giúp người dân nâng cao ý thức trong việc xây dựng đời sống lành mạnh, văn minh. Bắc Giang là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước về việc xây dựng hương ước, quy ước làng văn hóa. Toàn bộ 2.492 thôn, tổ dân phố của tỉnh đã lập và thực hiện hương ước, nhằm bảo vệ thuần phong mỹ tục, môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, bài trừ hủ tục. Tại Hưng Yên cũng có tới 90% số làng, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước theo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Trở lại với làng Nôm, làng văn hóa đất Văn Lâm, nhiều lão niên cho rằng, làng đã cải tiến, điều chỉnh rất nhiều phong tục rườm rà, nhiêu khê về cưới hỏi, ma chay, ruộng đất. Như về việc cưới, đối với nhà trai đây là dịp phô trương sự giàu có, một mâm làm nhiều món, có tới 12 bát và 12 đĩa, nay đã giảm đi chỉ còn hai bát, sáu đĩa.

Trong quy ước bảo vệ cảnh quan xóm làng, ông Phùng Nghiệp nhấn mạnh cái độc đáo của làng Nôm là ý thức tôn trọng môi trường sống và những di sản tổ tiên để lại. Bởi vậy, dù làm đường mới, dưới đổ bê-tông thì theo quy định của làng, phía trên vẫn phải lát gạch nghiêng để bảo đảm cảnh quan đường làng ngõ xóm. Hay như vẻ đẹp của chiếc cầu đá bắc qua sông Nguyệt Đức, khu chợ Nôm cổ kính, hệ thống cổng làng tám trụ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn.

Chính nhờ việc kế thừa, chỉnh sửa và phát huy hiệu quả những quy định của tiền nhân, nên những ngôi làng cổ như Mộ Trạch, làng Nôm đã lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, trở thành niềm tự hào, chốn neo đậu tinh thần của tất cả người dân nơi đây.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/chuyen-de/item/32030002-nhung-gia-tri-duoc-trao-truyen.html