Những giai thoại Cai Lậy - Tiền Giang lắng đọng đến bây giờ

Vùng đất Cai Lậy, Tiền Giang trù phú bên dòng sông Tiền vốn còn lưu lại nhiều giai thoại từ ngàn xưa. Trong đó đặc sắc nhất vẫn là câu chuyện về ông Tang, vị địa chủ giàu có, yêu nước.

Vị địa chủ yếu vì một phút lầm lỡ mà phải chịu kiếp xiềng xích dẫu đã nằm dưới đất lạnh.

Một tay làm nên cơ đồ

Ngày nay, người dân bên dòng Tiền Giang vẫn còn lưu truyền mãi câu vè: “Bà Ụt mà lấy ông Tang. Đẻ cô con gái đặt tên nàng Rồng” - hai câu vè như một lời giới thiệu về người đàn ông từng khai hoang lập ấp ra vùng đất trù phú Cai Lậy.

Hiện nay, mộ ông Tang và Bà Tang nằm ở ấp Nhơn Trí, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang. Ngôi mộ bằng đá phủ lớp bụi thời gian cùng nhiều huyền thoại ly kỳ về ông Tang vẫn còn được lưu giữ mãi trong tâm trí người dân vùng đất Cai Lậy này.

Mộ ông Tang tại xã Long Khánh.

Tìm đến những vị cao niên trong ấp Nhơn Trí, chúng tôi được nghe thêm thật nhiều giai thoại ly kỳ. Theo đó, vùng này trước kia chính là làng Hòa Thuận, ngôi làng do một tay ông Tang lập ra, về sau khi đất nước thống nhất mới tách ra nên chỉ còn lại ấp Nhơn Trí.

Dòng kênh Nàng Rồng hiền hòa ôm trọn lấy ấp, bồi đắp thêm nhiều phù sa nên người dân trong ấp quanh năm cây trái sum suê. Nhiều giai thoại kể lại rằng ông Tang tên thật là Lê Phước Tang. Vào khoảng thế kỉ mười chín, ông dẫn đầu đoàn người từ Đàng ngoài vào vùng đất phương Nam khai khẩn đất hoang, lập nghiệp.

Vốn có tầm nhìn xa, lại dám nghĩ dám làm, ngay từ buổi đầu ông đã chỉ đạo người dân, biến nhiều cánh đầm lau sậy thành ruộng lúa, ao cá. Nhìn vùng đất trũng chỗ lồi chỗ lõm dẫn đến có những mảnh ruộng khô cằn nhưng cũng có mảnh trũng nước, ông bèn họp bàn mọi người lại rồi cho đào một con kênh bao quanh lấy vùng Hòa Thuận, vừa có thể thoát nước lại mang nước về cho những vùng đất cao khô cằn. Ngày nay, con kênh năm xưa vẫn ôm trọn lấy ấp Nhơn Trí, mang lại cho vùng đất trù phú này nhiều phù sa.

Kể về tích này, cụ bà Nguyễn Thị Lý, (68 tuổi, ngụ ấp Nhơn Trí ) cho biết thêm: Không nghe ai nói đến chuyện ông Tang lấy vợ từ khi nào, chỉ biết họ gọi là bà Ụt hoặc bà Tang. Nhưng ông bà đều là người đức độ, dân trong vùng tất thảy đều mến mộ lắm.

Về sau này, ngày ông Tang và đám thợ hoàn thành con kênh cũng là ngày bà hạ sinh cô con gái, ông bèn đặt tên con là Nàng Rồng. Con kênh này cũng mang tên con gái ông từ đó”. Từ ngày có con kênh, những cánh đồng địa chủ Tang ngày càng được mở rộng, lúa nặng trĩu bông.

Chẳng mấy chốc gia sản ông nhiều đến nỗi cò bay gãy cánh cũng không hết, thóc lúa đầy nhà. Vốn là người có tâm, ông Tang san sẻ cái ăn bớt cho dân nghèo, đối với những người khốn cùng quá, ông nhận về cho làm tá điền, thậm chí vài năm đầu ông cho cấy ruộng của mình là không lấy tiền công.

Tâm đức của ông Tang và vợ ngày càng lan xa, người dân khắp vùng đều cảm phục. Chính vì lẽ đó mà vợ chồng vị địa chủ này đi đến đâu cũng có người giúp đỡ, tin theo. Chúng tôi được biết thêm, chuyện ông Tang đã lâu lắm, truyền từ đời này qua đời khác, đến cả các vị cao niên nhất trong ấp cũng được nghe lại theo kiểu mỗi người một kiểu. Nhưng đa số đều truyền rằng ông là người có tài có tâm, nhưng cho đến nay sau mấy thế kỉ thì con cháu của ông ở đâu cũng chẳng ai biết được nữa.

Chuyện về ông Tang chỉ còn là câu chuyện huyền thoại gắn liền với ngôi mộ bằng đá ở đầu ấp mà thôi. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều giai thoại ly kỳ về ông Tang, nhất là câu chuyện ông bị xiềng mả.

Bị xiềng mả vì tội khi quân phạm thượng

Trong rất nhiều giai thoại xung quanh hành trình khai hoang lập ấp của ông Tang có lẽ câu chuyện về cái chết thương tâm của ông khiến nhiều người xót xa nhất, một vị cao niên xã Long Khánh cho biết: “Chuyện ông Tang bị xiềng mả thì những người có tuổi trong xã ai cũng biết, chuyện dài lắm nhưng đến hàng trăm năm sau nhìn lại ngôi mộ bị xiềng ai nấy đều thương cảm.

Cũng vì một phút hồ đồ mà ông đẩy cả gia đình mình rơi vào thảm cảnh, âu cũng là cái số”. Chuyện kể lại rằng khi cuộc chiến giữa quân Tây Sơn và chúa Nguyễn Phúc Ánh xảy ra, vì thất trận nên chúa Nguyễn đành chạy vào Nam lẩn trốn, chờ ngày phục hồi quân lực sẽ quay lại rửa sạch mối nhục bị đánh tan tác. Lúc này nhà địa chủ Lê Phước Tang đã giàu lắm, của cải có lẽ ăn đến mấy đời cũng không hết. Về phần chúa Nguyễn, khi thấy vùng đất làng Hòa Thuận yên bình, dân làm ăn no đủ bèn chọn làm chỗ dừng chân.

Được các bô lão trong làng giới thiệu, chúa Nguyễn tìm đến nhà địa chủ Tang xin tá túc. Xúc động trước tình cảnh của vị hào kiệt thất thế, ông Tang bèn đứng ra lo chu tất cho chúa Nguyễn và tùy tùng. Hành động nghĩa hiệp của ông Tang rất được lòng chúa, người hết mực yêu quý vị địa chủ tận tâm này. Không nhũng giúp chúa cái ăn cái ở, ông Tang còn ra sức giúp người khôi phục quân lương, rèn binh sĩ chờ ngày phản công nhà Tây Sơn. Tin tưởng ông Tang, ngày cất bước rời đi chúa Nguyễn có gửi lại một số tư trang, trong đó có bộ Long bào được gói ghém cẩn thận, với lời hẹn chờ ngày thái lai sẽ quay trở lại.

Người xưa vốn có câu “làm bạn với Vua như chơi với hổ”, ông Tang đã không thể ngờ rằng những ngày gần gũi với chúa Nguyễn Phúc Ánh lại nhen nhóm tai họa sau này cho gia đình mình. Bởi sau một thời gian chúa rời đi, ông Tang để lộ việc chúa Nguyễn có để lại hành lý nhờ gia đình giữ gìn. Chờ mãi không thấy chúa Nguyễn Phúc Ánh quay lại, ông bèn mở món tư trang ra, thấy bộ Long bào rực rỡ, ông ướm thử vào người, đám người hầu nhìn thấy lại hết lời tán thưởng người chủ của mình. Quá cao hứng trước những lời xum xoe, ông Tang bèn mặc bộ đồ ra thăm ruộng, vừa để “khoe” với các tá điền, vừa thị uy đám kẻ hầu người hạ.

Nhắc lại hành động “phạm thượng” của địa chủ Tang, một vị cao niên khác cũng kể thêm: “Cũng có nhiều giai thoại nói rằng ông Tang vì không còn tôn trọng vị chúa bị nhà Tây Sơn đánh tan tác nữa nên đã tùy tiện lấy Long bào ra mặc, lại còn mặc ra thăm ruộng, ra uy với người dưới. Nhưng cũng có nhiều câu chuyện kể do ông Tang nghĩ rằng chúa đã không còn nhớ đến bộ áo mũ, nên có thể nó không còn giá trị nữa… Song dẫu nguyên nhân thật sự có là gì thì chính hành động mặc áo vua của ông Tang đã đẩy gia đình mình đến cái chết thảm thương nhất”.

Các cụ cao niên trong ấp Nhơn Trí kể lại, vào năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh phục quốc, lên ngôi vua lấy hiệu Gia Long. Nhớ ơn xưa và lời hẹn quay trở về làng Hòa Thuận, vua Gia Long đã cho người tìm đến làng mời vị địa chủ mà người chịu ơn về triều ban thưởng. Tuy nhiên mới đến đầu làng quan quân đã nghe dân làng kháo nhau về câu chuyện Lê Phước Tang mặc áo vua ra thăm ruộng. Nghe quan quân tâu lại hành động quá ngông cuồng của ông Tang, vua Gia Long hết sức nổi giận vì bị xem thường, bèn ra chiếu chỉ ban cho ông Tang cái chết, phải xiềng xích ngôi mộ lại để đời đời không thể thoát khỏi kiếp tù đày bởi tội “dưỡng bất giáo”, tức có sinh nhưng không dạy.

Chưa hết giận, vua còn ra chiếu chỉ “Chu di tam tộc” và thu hồi toàn bộ gia sản của gia đình Lê Phước. Người dân thương cảm lấy xác ông bà về chôn ngay đầu làng, trên vùng đất đầu tiên mà một tay ông khai khẩn, rồi trồng ngay bên cạnh hai cây thị. Đến nay, trải qua hàng thế kỉ, mộ ông bà chỉ còn lại như một tàn tích, chỉ còn dấu ấn của sợi dây xích vẫn còn mãi như mời lời nhắc nhở đến đời sau.

Và câu chuyện về mộ ông Tang đến chết vẫn chịu kiếp xiềng xích, về bà Tang, người vợ tần tảo chết oan khuất vì một phút hồ đồ của chồng hay chuyện về con kênh Nàng Rồng mang tên người con gái xinh đẹp của vị địa chủ, vẫn còn được lưu truyền mãi, như một phần của vùng đất Cai Lậy trù phú.

Nhóm PVMĐ - Thanh Nhi/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/nhung-giai-thoai-cai-lay-tien-giang-lang-dong-den-bay-gio-p42285.html