Những góc nhìn khác nhau về hỗ trợ lãi suất

SGTT - Chưa có câu trả lời rõ ràng, liệu Chính phủ có tiếp tục chương trình hỗ trợ lãi suất – chính sách kích thích kinh tế quan trọng nhất hiện nay cho năm tới hay không tại phiên khai mạc kỳ họp thứ sáu của Quốc hội hôm qua 20.10. Tuy nhiên, những góc nhìn về chính sách này là tương đối khác nhau.

Quốc hội đặt câu hỏi Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm tổng kết gần 1.700 kiến nghị của cử tri nói: “… cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ kéo dài thời hạn cho vay ưu đãi đến hết năm 2010”. Tuy nhiên, trước khi có chính sách mới, ông Đảm cho biết nhân dân muốn Chính phủ đánh giá một cách đầy đủ và khách quan về hiệu quả của các gói kích cầu đang triển khai. Ông Đảm nói, nông dân, hợp tác xã đang rất khó tiếp cận đến nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 4% đang triển khai vì nhiều quy định không phù hợp. Chỉ có vỏn vẹn dưới 10% các hội viên, tổ chức thành viên của liên minh các hợp tác xã Việt Nam và hiệp hội các làng nghề Việt Nam có nhu cầu là được vay từ các nguồn vốn kích cầu. Ông Đảm kiến nghị: “Chính phủ cần chỉ đạo ngành ngân hàng cải tiến hơn nữa các quy định nhằm đơn giản các thủ tục vay vốn nhất là đối với khu vực nông thôn”. Tuy nhiên, chủ nhiệm ủy ban Kinh tế quốc hội Hà Văn Hiền nói thẳng, Chính phủ nên dừng chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn 4% theo quyết định 131 đúng thời hạn đã công bố vào cuối năm nay. Yêu cầu này được đưa ra trên cơ sở ủy ban Kinh tế đã tham khảo hàng loạt các báo cáo của Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế trong vòng vài tháng qua. Ông Hiền nói: “Đa số ý kiến trong ủy ban Kinh tế cho rằng, gói hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn 4% đã hoàn thành vai trò giải cứu cho một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn”. Bên cạnh đó, ông Hiền cho rằng, Quốc hội đã phát hiện một số những vấn đề trong quá trình thực hiện chính sách này. Thứ nhất, chỉ có khoảng 20% tổng số doanh nghiệp được vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 131, tức là một con số không nhiều và đang gây ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh. Thứ hai, lãi suất tiền đồng sau khi được giảm trừ 4% và lãi suất cho vay ngoại tệ gần tương đương nhau dẫn đến nhu cầu vay tiền đồng tăng, làm mất cân đối cung cầu trên thị trường tiền tệ, gây sức ép tăng lãi suất tiền đồng và tăng tổng phương tiện thanh toán, gây mất cân đối trên thị trường ngoại hối, tạo sức ép tăng tỷ giá. Thứ ba, ông Hiền nói, Chính phủ khó kiểm soát hiệu quả luồng tín dụng, như dùng vốn vay để đảo nợ, đầu tư vào chứng khoán hoặc đầu tư vào bất động sản... Ủy ban Kinh tế đưa ra yêu cầu thẳng thắn này trong bối cảnh trước đó, bộ Kế hoạch và đầu tư, cơ quan được Chính phủ giao chủ trì chương trình kích thích kinh tế vẫn phân vân chưa biết có tiếp tục gói này nữa hay không do lo ngại lạm phát tăng cao. Thủ tướng báo cáo hài lòng Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã không đề cập rõ ràng đến chính sách hỗ trợ lãi suất trong phần trình bày về các giải pháp lớn mà Chính phủ sẽ điều hành kinh tế năm 2010. Thủ tướng nói: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích thích phát triển kinh tế đã đề ra trong năm 2009 theo đúng nội dung và thời hạn quy định; đồng thời ban hành các chính sách mới hướng vào việc tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng...” Tuy nhiên, ông bảo vệ tính đúng đắn của quyết định hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động 4%/năm, thực hiện từ tháng 4 đến hết tháng 12.2009. Theo Thủ tướng, đến cuối tháng 9 tổng dư nợ cho vay thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất là khoảng 405 ngàn tỉ đồng, trong đó 84% là cho doanh nghiệp ngoài nhà nước, và số ít 16% là cho doanh nghiệp nhà nước. Thủ tướng trích dẫn một khảo sát với 180 doanh nghiệp ở Đà Nẵng cho thấy, có hơn 63% trong đó được vay vốn ngắn hạn hỗ trợ lãi suất. Khảo sát cho rằng, 87% doanh nghiệp vay để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh; 95% doanh nghiệp giảm được giá thành sản phẩm; gần 84% doanh nghiệp cải thiện được khả năng cạnh tranh; 90% doanh nghiệp giữ ổn định và tăng sử dụng lao động. Bên cạnh đó, Thủ tướng trích dẫn kết quả khảo sát ở một số địa phương, ngân hàng thương mại cho thấy hỗ trợ lãi suất có tác động giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp từ 30 – 36%. Thủ tướng kết luận: “Phần lớn các doanh nghiệp được khảo sát đã chuyển được sự hỗ trợ của Chính phủ thành sức gia tăng của sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh, duy trì hoạt động và tạo thêm việc làm”. Dự kiến, một báo cáo chuyên đề mang tên “Kết quả thực hiện các gói kích thích kinh tế” sẽ được Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội trong khuôn khổ kỳ họp này. Tư Giang Kích cầu không nhiều như công bố Theo ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khoảng 100.600 tỉ đồng trong tổng số 145.000 tỉ đồng để kích thích kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội là có thể được giải ngân trong năm nay. Về thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, tính đến ngày 3.9.2009, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất theo các quyết định 131, 443 và 497 đạt 418.304 tỉ đồng. Số tiền hỗ trợ lãi suất ước thực hiện cả năm khoảng 10.000 tỉ đồng so với kế hoạch là 17.000 tỉ đồng. Về thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế: dự kiến cả năm số thuế được miễn, giãn, giảm khoảng 20.000 tỉ đồng (kế hoạch là 28.000 tỉ đồng). Có trên 125.500 lượt doanh nghiệp và khoảng 937.000 đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân được hưởng ưu đãi về thuế trong chương trình tổng thể nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế tính đến 31.8.2009. Về thực hiện các giải pháp về vốn đầu tư phát triển, theo kế hoạch, vốn đầu tư phát triển của Nhà nước trong gói kích thích kinh tế khoảng 90.800 tỉ đồng, ước thực hiện cả năm đạt khoảng 60.800 tỉ đồng, bằng 67% kế hoạch. Các khoản chi khác khoảng 9.800 tỉ đồng, trong đó tăng mua dự trữ quốc gia về gạo và xăng dầu 2.800 tỉ đồng, ứng chi để thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên nhằm bảo đảm an sinh xã hội phát sinh ngoài dự toán khoảng 7.000 tỉ đồng.

Nguồn SGTT: http://www.sgtt.com.vn/detail23.aspx?columnid=23&fld=htmg/2009/1020/58447&newsid=58447