Những hiện vật vô giá tại bảo tàng dưới hầm nhà Quốc hội

Hàng trăm di vật cổ như đầu rồng, móng trụ, mái ngói, mảnh gốm... của cung điện thành Thăng Long thời Lý được trưng bày dưới tầng hầm Nhà Quốc hội đã mang lại cảm xúc ấn tượng cho những người lần đầu bước vào tham quan nơi đây.

NDĐT- Hàng trăm di vật cổ như đầu rồng, móng trụ, mái ngói, mảnh gốm... của cung điện thành Thăng Long thời Lý được trưng bày dưới tầng hầm Nhà Quốc hội đã mang lại cảm xúc ấn tượng cho những người lần đầu bước vào tham quan nơi đây.

Khu trưng bày có diện tích mặt bằng trưng bày khoảng 3.700 m2 gồm hai tầng hầm, được cấu trúc theo lát cắt địa tầng khảo cổ, nội dung được lồng ghép, xen cài giữa di tích và di vật có khả năng diễn giải cao về những phát hiện khảo cổ học.

Người xem bắt đầu với tầng hầm hai, diện tích gần 2.000 m2, nơi trưng bày những phát hiện khảo cổ về thời kỳ Tiền Thăng Long (thế kỷ 7-9). Di tích nền móng kiến trúc, giếng nước nguyên gốc, mộ ngựa được tái tạo, trưng bày dưới mặt sàn.

Khách tham quan có cảm giác đứng giữa công trường khai quật để khám phá những dấu tích của 17 công trình kiến trúc gỗ, bảy giếng nước và nhiều di vật, đồ dùng sinh hoạt từ thời Đại La, hoặc kiến trúc gỗ thời Đinh - Tiền Lê.

Các đồ dùng kim loại của người Việt cổ thời kỳ tiền Thăng Long.

Bức phù điêu "Bình Minh Thăng Long" được tạo thành từ các loại gạch ngói có niên đại từ thời Đại La, Đinh - Tiền Lê đến thời Lý, Trần, Lê tìm thấy tại khu khai quật.

Thời kỳ Thăng Long nằm ở không gian 1.700 m2 tầng hầm 1, bao gồm nhiều di tích và di vật thời Lý, Trần, Lê. Hàng trăm di vật trong không gian này gồm vật liệu kiến trúc như lá đề trang trí hình rồng phượng, đến đồ dùng sinh hoạt hoàng cung thời Lý, hay các loại ngói lợp mái thời Trần, đồ gốm quý của vua và hoàng hậu.

Hoa văn trang trí uốn lượn mềm mại được cách điệu từ những hình tượng thật trong cuộc sống.

Với sự hỗ trợ của hệ thống 42 cột ánh sáng làm nổi bật kiến trúc công trình cung điện gồm 42 móng trụ to thời Lý được tái tạo dưới mặt sàn giống như bối cảnh khai quật.

Người xem vừa nhìn thấy dấu vết di tích liên kết với di vật, được sự hỗ trợ của công nghệ ánh sáng, đa phương tiện như trò chơi tìm hiểu khảo cổ.

Phòng chiếu phim sức chứa 60 người với công nghệ mô phỏng 3D giúp khách tham quan tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, khảo cổ.

ĐĂNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/photo_news/item/33621302-nhung-hien-vat-vo-gia-tai-bao-tang-duoi-ham-nha-quoc-hoi.html