Những hình ảnh này sẽ khiến bạn sẽ không để con loăng quăng quật ngã

Bác sĩ quay cuồng vì dịch sốt xuất huyết vào đỉnh. Còn với bệnh nhân, 2-3 người chia nhau một giường bệnh.

Sốt xuất huyết (SXH) hiện đang vào đỉnh dịch ở cả hai đầu đất nước. Tại Hà Nội đã ghi nhận 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết. Trong 2 tuần gần đây, lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện điều trị tăng với tốc độ “phi mã”.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, chỉ trong một tuần qua (tính từ 9-16/7), toàn Thủ đô ghi nhận hơn 1.200 ca mắc mới. Trong khi tuần trước đó, chỉ hơn 900 ca.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm ghép 2 ở khoa Virus - ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm ghép 2 ở khoa Virus - ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, mỗi ngày đón tới 250 bệnh nhân tới khám SXH, 20% trong số đó phải nhập viện. Lượng bệnh nhân gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái.

Trong phòng bệnh gồm 4 giường này ở tầng 2 khoa Truyền nhiễm (BV Bạch Mai), có khi là nơi điều trị nội trú của hơn 10 bệnh nhân sốt xuất huyết.

Còn tại khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), TS Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa - cho biết, 2 tuần đầu tháng 7 có 90 bệnh nhân nhập viện, gấp đôi so với cả tháng 6.

Có giường bệnh, 3 bệnh nhân SXH chia nhau. Ai cũng rất mệt mỏi.

Hầu hết những ca này đều nặng. Khoa phải dành tới 2/3 số giường cho bệnh nhân SXH, hạn chế cho nhập viện bệnh nhân mắc bệnh khác. Dù đã kê thêm giường, tăng tua trực, thêm bác sĩ nội trú, cho ra viện những trường hợp có tiến triển tốt, nhưng hầu hết các phòng bệnh, bệnh nhân phải nằm ghép đôi, ghép ba.

Bệnh nhân 43 tuổi này bị sốt xuất huyết, có biến chứng viêm cơ tim, điều trị tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Rất may bệnh nhân đã được rút máy thở, trước đó, bệnh nhân diễn tiến bệnh rất nặng, đe dọa tính mạng.

Theo TS Cường, hiện khoa Truyền nhiễm ghi nhận “chùm ca bệnh” 3-4 người trong một gia đình nhập viện vì SXH, hoặc bệnh nhân 85 tuổi cũng bị SXH.

Chia sẻ về những sai lầm trong chẩn đoán, điều trị SXH, TS Cường cho biết, SXH là do virus truyền nên không dùng kháng sinh. Nhiều bệnh nhân đến viện, trước đó được chẩn đoán sai, nghĩ viêm nhiễm gì đó gây sốt nên cho dùng kháng sinh, dù không có hại nhưng lại không có tác dụng. Ngoài ra, khoa cũng đang điều trị cho một bệnh nhân dù có chẩn đoán SXH nhưng lại được chỉ định dùng kháng sinh, dịch chứa corticoid, đây là thuốc chống chỉ định với bệnh SXH, nên khiến bệnh nhân có biểu hiện nặng hơn.

“Ngoài ra, còn có không ít bệnh nhân truyền dịch, kháng sinh, truyền đạm, truyền tiểu cầu không đúng theo phác đồ của Bộ Y tế khiến bệnh nặng hơn. Hoặc bệnh nhân tự dùng thuốc hạ sốt không đúng loại” – TS Cường nói.

V.Thu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/nhung-hinh-anh-nay-se-khien-ban-se-khong-de-con-loang-quang-quat-nga-20170719224042545.htm