Những học trò đặc biệt khiến triệu người cảm phục

Không may mắn có được một cơ thể lành lặn nhưng những cô cậu học trò này lại có ý chí và nghị lực phi thường để khẳng định mình và khiến nhiều người tâm phục khẩu phục.

Nữ sinh không tay được đặc cách vào ngành Sư phạm Tiếng Anh

Trong kỳ thi tuyển sinh Cao đẳng, Đại học vừa qua, hình ảnh một 'nữ sinh không tay' xuất hiện tại trường thi, viết bài thi bằng chân khiến nhiều người vô cùng khâm phục.

Cô gái ấy là Lê Thị Thắm (cựu học sinh lớp 12A4, Trường THPT Đông Sơn 1, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa).

Sinh ra không có đôi tay nhưng vốn hiếu học từ nhỏ, suốt 12 năm học phổ thông, dù nắng hay mưa, Thắm đều được mẹ đưa đến trường.

Thắm cùng mẹ đến trường ĐH Hồng Đức làm hồ sơ xét tuyển và làm đơn xin đặc cách theo hướng dẫn của nhà trường. Ảnh: Báo Thanh Hóa.

Những ngày đầu tập viết với Thắm muôn vàn khó khăn khi đôi chân mỏi nhừ, có lúc phồng rộp, xước da, tứa máu. Lòng kiên trì, hiếu học cùng với sự giúp đỡ của gia đình, Thắm đã vượt qua những ngày tháng khổ luyện, suốt 12 năm em đều là học sinh khá, giỏi và đạt nhiều thành tích trong các cuộc thi vẽ và viết chữ đẹp, thi học sinh giỏi văn.

Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016 vừa qua, Thắm được 17,83 điểm 3 môn xét tuyển đại học, cùng với 1 điểm ưu tiên khu vực, Thắm có tổng điểm là 18,83 điểm.

Trong ngày đầu tiên nộp hồ sơ xét tuyển, em đã được Đại học Hồng Đức xét đặc cách vào ngành Sư phạm Tiếng Anh của trường. Và ước mơ trở thành cô giáo của em đang dần thành hiện thực.

Cậu học trò không tay nhận học bổng trị giá 110 triệu đồng

Sinh ra bị khuyết đôi tay nhưng Nguyễn Đình Nhẫn học sinh lớp 12A8, trường THPT Nguyễn Duy Trinh, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) nỗ lực không ngừng để vượt lên số phận.

Là con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em, lại không được lành lặn như người khác nhưng từ nhỏ Nhẫn luôn khát khao đi học.

Nguyễn Duy Trinh nhận học bổng 'Chắp cánh ước mơ'

Những ngày đầu tập viết, que củi, viên phấn là những người bạn đồng hành cùng Nhẫn trong những ngày tập viết bằng chân đầy khó khăn. Khi được đến trường, Nhẫn chịu khó, không bỏ sót buổi học nào, luôn tự lập vì không muốn làm gánh nặng của mẹ và luôn là học sinh khá suốt những năm học phổ thông.

Ước mơ của Nhẫn là trở thành kỹ sư thông nghệ thông tin để tự lo cho bản thân và có ích cho xã hội như tấm gương hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng (đã mất năm 2013) cũng là người con của Nghi Lộc, Nghệ An.

Và đầu năm nay, ước mơ ấy đã được trường ĐH Công nghiệp Vinh tiếp sức với suất học bổng trị giá 110 triệu đồng.

Nghị lực đáng nể của cô bé không tay người J'rai

Sinh ra trong gia đình nghèo có 8 anh chị em, ngay từ khi lọt lòng mẹ Blaih (dân tộc J'rai, sinh năm 2000, trú làng Brong Thoong, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã không có 2 tay và 1 chân phải.

Blaih tập vẽ tranh

Bà Trần Thị Sáng - mẹ nuôi em kể với báo Tiền Phong: Năm 2005, trong một lần xuống làng Brong Thoong, bà trông thấy một đám trẻ đang bới rác để nhặt đồ đồng nát. Trong số đó, có một cô bé 5 tuổi dùng 2 cùi tay bới rác cùng chúng bạn.

Bức tranh cô bé khuyết tật vẽ rất có hồn

Bà tìm hiểu và biết gia cảnh Blaih rất khó khăn nên đề nghị gia đình em cho bà đưa chăm sóc, dạy học.

Từ ấy, Blaih bắt đầu được học chữ và tập viết bằng cùi tay. Sau thời gian khổ luyện, em có thể viết rất đẹp và vẽ cũng rất tài tình giành nhiều giải trong các cuộc thi vẽ.

Nét chữ của cô gái khuyết tật

Người mẹ nuôi cho biết, tuy khuyết tật nhưng Blaih rất có ý thức tự lực, từ việc tắm, giặt cho đến những sinh hoạt cá nhân hàng ngày, em đều tự thực hiện.

Nhà cách trường 5km nhưng ngày nào cô trò nhỏ ấy cũng dậy sớm đi học bằng 1 cái chân rưỡi, chưa từng đến lớp muộn. Ước mơ của cô gái nhỏ là sau này sẽ thành một họa sĩ.

Cô bé không tay không chân luôn vui tươi, rạng rỡ

Sinh ra không có chân tay, hoàn cảnh gia đình khó khăn, Hoài Thương (TP HCM) lớn lên trên đôi tay, trên lưng mẹ khắp các nẻo đường đi bán vé số kiếm sống.

Tuy không lành lặn nhưng được sự hướng dẫn giúp đỡ của mẹ, Thương có thể tự đánh răng, rửa mặt, quét nhà. Nhìn cô bé không chân tay vật vã, khó nhọc tập việc khiến nhiều người mủi lòng.

Hoài Thương trên lớp học

Nhiều lần đi bán vé số cùng mẹ đi qua cổng trường thấy bạn bè được đi học, Thương nhiều lần nài nỉ mẹ được đến trường. Thương con, mẹ Hoài thương đã xin cho con đi học.

Những ngày đầu, em khó khăn trong việc cầm bút. Thế nhưng, bằng sự quyết tâm của mình, em đã có thể nguệch ngoạc những dòng chữ đầu tiên. Sau này, khi được bố chế cho một cánh tay giả, phía trước có lỗ để cắm viết thì công cuộc tập viết của Thương vơi bớt khó khăn.

Cận cảnh Thương tô màu

Thương luôn chịu khó hoàn thành bài vở và 2 năm qua đều nằm trong top học sinh giỏi nhất lớp.

Hoài Thương luôn lạc quan, yêu đời

Điều đặc biệt nhất ở cô gái này là sự lạc quan. Thương luôn truyền niềm vui cho người xung quanh bằng sự vui tươi và những nụ cười luôn rạng rỡ.

Cậu bé không tay học giỏi, giành huy chương bơi lội

Người dân xã miền núi Gia Canh (Định Quán, Đồng Nai) không ai không biết và cảm phục cậu bé không có tay Hồ Hữu Hạnh (12 tuổi) bởi tinh thần vượt lên số phận của em hiếm ai có thể sánh bằng.

Hạnh đọc sách

Sinh ra đã không có đôi tay, khi em đến tuổi đi học, bố mẹ không cho con đi vì nghĩ không có tay nên không viết được chữ. Nhưng Hạnh vẫn mong rằng mình có một tuổi thơ như các bạn được đến lớp, đến trường.

Cậu có thể tự làm các việc sinh hoạt cá nhân, giúp đỡ gia đình

Bị từ chối lần thứ nhất, em lại nài nỉ cha mẹ xin lần nữa. Sự quyết tâm của Hạnh cuối cùng đã khiến trường tiểu học Kim Đồng (Định Canh, Định Quán) chấp nhận cậu học trò đặc biệt.

Và càng đặc biệt hơn khi ngay năm học đầu tiên Hạnh đã đạt danh hiệu học sinh giỏi và viết chữ rất đẹp.

Hành trình đến với con chữ của Hạnh chỉ là một trong muôn vàn những khó khăn thử thách của cuộc sống. Bây giờ, những nét chữ của hạnh không chỉ đẹp mà em còn có thể chép bài rất nhanh. Hạnh cho biết, hiện tại em có thể viết chữ bằng cả chân trái và chân phải.

Cậu bé cứ lớn dần lên, mọi sinh hoạt em đều tự mình làm được như tắm rửa, chải đầu, ăn uống mà không phiền đến cha mẹ.

Huy chương bơi lội Hạnh giành được - điều không dễ dàng ngay cả với người bình thường.

Thậm chí, em có thể chẻ tre, rót nước, nấu cơm, viết chữ... bằng... đôi chân và có thể tự đi xe đạp chở em đi học.

Năm 2010, Hạnh khiến mọi người phải kinh ngạc khi em đăng kí tham dự Đại hội thể dục thể thao với môn bơi lội và giành 2 huy chương đồng. Trong suốt 8 năm học, em luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp trường.

Theo Lam (tổng hợp)/Baodatviet.vn

Nguồn Tiin: http://tiin.vn/chuyen-muc/hoc/nhung-hau-due-cua-thay-nguyen-ngoc-ky-khien-du-luan-cam-phuc.html