Những 'hội lạ đời' chỉ có ở sinh viên

Trong môi trường sinh viên ở một số trường ĐH hiện nay, đang nổi lên một số hội được xem là lạ đời nhất từ tước đến nay: hội iPhone, hội tay ga, hội hàng hiệu…

Đời sống tinh thần của sinh viên vốn rất đa dạng từ cách sống, cách suy nghĩ, đến cách chơi và cách chọn bạn. Theo thời gian, cái chất tình bạn chân thành, trong sáng trong một bộ phận sinh viên cũng dần dần thay đổi. Thay vào đó là những toan tính, kết bạn trong những phạm vi nhất định, để nhờ đó họ nổi lên, để người khác nhìn vào ngưỡng mộ và tất nhiên, để không hòa lẫn với những sinh viên khác.

Thể hiện đẳng cấp No.1

Từ lâu, Vũ Đức Hoàng (sinh viên năm 3, ĐH Hồng Bàng, TP.HCM) đã là cái tên được sinh viên trong ngoài trường biết đến vì thói chơi ngông có tiếng. Từ cách diện đồ hiệu, chạy xe tay ga, đến cách dùng điện thoại iPhone, thay người yêu xoành xoạch.

Có tiếng là thế, nhưng nhiều lúc Hoàng vẫn thấy cô đơn, không có đồng minh chia sẻ đẳng cấp. Rảnh rỗi sinh nông nổi, Hoàng quyết định thành lập “hội iPhone”. Hội ra đời quy tụ hầu hết các “hảo thủ” na ná nhau về địa vị, hoàn cảnh. Ai muốn là bạn của họ đều phải có iPhone, và đời iPhone càng mới thì càng nhận được nhiều cảm tình, nể trọng từ các thành viên khác. Những lần ngồi căng tin trường ăn uống hay tụ tập nhau ở hàng quán xung quanh trường, “hội iPhone” khiến các bạn sinh viên lác mắt trước một rừng iPhone.

Có những nhóm bạn sinh viên đến với nhau nhờ cùng sở hữu những sản phẩm công nghệ đắt tiền - (Ảnh minh họa)

Một đoàn kéo nhau ra vào rầm rập, trên tay cầm iPhone sáng choang lướt lách tách, là dấu hiệu để sinh viên trong trường dễ dàng nhận ra họ. Điều đáng nói là, nếu bạn lỡ quý một ai đó trong nhóm này và muốn làm bạn với họ thì thật khó… nếu bạn chưa có iPhone.

Nếu nói có iPhone là sang, là số 1 thì sẽ có nhóm bạn sinh viên phản đối, bằng chứng là, nhiều nhóm bạn đến với nhau không chỉ bằng iPhone mà còn nhiều thứ khác. Độc đáo và đẳng cấp không kém. Tiêu biểu trong số đó là các hội bạn như “Hội tay ga”, “Hội hàng hiệu”, “Hội No.1”… Điểm chung của những hội này đó là thành viên phải là những người sở hữu những món đồ hot nhất, độc nhất, và không ngừng “phấn đấu” để có được những món đồ hot hơn, theo tiêu chí của nhóm.

Thắng, Trung, Oanh đều là sinh viên gốc thành phố, gia đình thuộc loại “có điều kiện”. Họ luôn đi học bằng những chiếc xe tay ga sang thuộc loại sang trọng như Yamaha Nozza, Piaggio Fly, SH… Được đông đảo bạn bè thầm ngưỡng mộ, họ quyết định thành lập “hội tay ga”, cùng tập hợp những sinh viên đi xe tay ga trong trường. Những bạn sinh viên khác nếu không có chiếc xe tay ga loại sang sang thì không có cửa gia nhập hội này. Những lần cả hội cùng nhau đổ bộ vào trường trên những chiếc xe tay ga đắt tiền đều nhận được những ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bè xung quanh…

Thấy gì từ những “hội No.1”

Xu hướng một bộ phận sinh viên ở các trường ĐH giờ đây tự tách ra để thành lập những nhóm nhỏ có cùng điều kiện, sở thích không phải là chuyện mới, cũng không phải xấu. Điều đáng nói là chúng ta thấy gì qua hiện tượng này, nó có hoàn toàn là tích cực?

Điều dễ nhận ra ở những hội sinh viên này là tính chất khép kín, quay lưng với đông đảo những sinh viên khác. Họ chỉ chơi và biết đến những thành viên ở trong hội. Với những bạn khác, kể cả là bạn cùng lớp, nhiều lúc họ không thèm cười xã giao. Vẻ hào nhoáng bên ngoài mà họ tạo được cho mình vô tình trở thành vật cản, tách họ ra khỏi cộng đồng đông đảo các bạn sinh viên trong và ngoài lớp. Điều đó đồng nghĩa với việc, họ không thể hiểu được hết cái thú vị của cuộc sống sinh viên bình dị, nghèo nghèo, khó khó mà vui.

Tình bạn là một phần của cuộc sống sinh viên, nó chỉ thật sự ý nghĩa khi được xây bằng tình cảm chân thành, trong sáng (ảnh minh họa)

Thành Tâm đã từng là một thành viên trong “hội iPhone” do Hoàng thành lập, nhưng cậu cũng chỉ ở trong đó được chừng 3 tháng rồi xin ra. “Ngày vào hội iPhone mình chỉ suy nghĩ đơn giản là để oai oai với các bạn sinh viên khác. Nhưng rồi mình nhận ra rằng, cuộc sống sinh viên chỉ có ý nghĩa khi mình được trải nghiệm, được hòa chung với đông đảo các bạn sinh viên khác”.

Bề ngoài, những “hội No.1” nhận được sự ngưỡng mộ của các bạn sinh viên khác. Nhưng song hành với nó là sự ái ngại trong tiếp xúc và kết bạn.

Cuộc sống sinh viên vốn được đặc trưng bằng cái nghèo nghèo mà vui, cái gì cũng có, chỉ thiếu mỗi… tiền. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói nhiều đến cuộc sống sinh viên, đến cái tình thương yêu, đoàn kết với nhau trong gian khó. Vì vậy, không có lí do gì để chúng ta tách rời cái cộng đồng đáng yêu đó.

Đức Hùng

Theo Bưu Điện Việt Nam

Nguồn Znews: http://www.zing.vn/news/nhip-song-tre/nhung-hoi-la-doi-chi-co-o-sinh-vien/a133694.html