Những 'Kẻ mộng mơ' đã hết đường mơ mộng

Chính quyền Mỹ vừa chính thức bãi bỏ chương trình Tạm hoãn trục xuất trẻ em đến Mỹ bất hợp pháp (DACA) dưới thời cựu Tổng thống Obama – những người này được gọi là 'Dreamer '– kẻ mộng mơ, ngay lập tức các cuộc biểu tình phản đối, bảo vệ 'giấc mơ Mỹ' đã diễn ra trên khắp cả nước, thậm chí lan sang nhiều nước Mỹ Latinh- nơi có số lượng lớn các công dân theo diện DACA.

"Ủng hộ DACA" - Khẩu hiệu của người biểu tình

Chính sách gây tranh cãi

Đây lại là một chính sách gây tranh cãi nữa của Tổng thống Mỹ D. Trump. Theo Chính quyền Mỹ, chương trình DACA là vi hiến, không có cơ sở pháp lý, tạo nhiều kẽ hở trong quản lý nhập cư, và đặc biệt khiến hàng trăm nghìn người Mỹ mất việc làm vào tay những người nhập cư bất hợp pháp.

Chương trình DACA được thông qua theo sắc lệnh hành chính năm 2012 của Tổng thống Obama trao quyền cư trú tạm thời và các ưu tiên việc làm cho những đối tượng đến Mỹ bất hợp pháp khi chưa đủ 16 tuổi. Chương trình này giúp các thanh thiếu niên nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ có giấy tờ hợp lệ được xét nhập tịch, được sống, học tập và làm việc tại Mỹ. Những người này thường được gọi là Dreamer, thường là người nhập cư dưới 31 tuổi, đến Mỹ từ khi còn là một đứa trẻ và nộp đơn xin hoãn trục xuất, tức là chính phủ sẽ không trục xuất họ trong 2 năm và cho họ cơ hội làm việc hợp pháp ở Mỹ. Sau thời gian này họ có thể tái nộp đơn xin DACA nếu họ vẫn đáp ứng yêu cầu.

Với chính sách mới này của Tổng thống Trump, những Dreamer có giấy phép hợp lệ sẽ được ở lại Mỹ đến khi hết hạn, thường là 2 năm. Và kể từ nay, Chính quyền Mỹ sẽ không tiếp nhận thêm bất cứ hồ sơ nào theo chương trình DACA nữa, họ chỉ xử lý nốt những hồ sơ đã được duyệt.

"Bảo vệ DACA"

Mặc dù Tổng thống Mỹ trấn an những nhóm người nhập cư bất hợp pháp theo DACA rằng dù hủy DACA nhưng ông không ra lệnh trục xuất ngay những người thuộc diện nói trên mà hoãn thi hành 6 tháng để Quốc hội soạn thảo luật thay thế. Đáp lại những thông báo của chính quyền Mỹ, một làn sóng phản đối ngày càng dâng cao. Từ những người bị ảnh hưởng trực tiếp của DACA, đến lãnh đạo nhiều doanh nghiệp – nơi sử dụng số người theo diện nhập cư DACA tương đối lớn, hay ngay cả nhiều nghị sĩ Cộng hòa cũng lên tiếng cho biết hủy chương trình này sẽ gây thiệt hại cho kinh tế Mỹ và đi ngược lại các giá trị mà Mỹ theo đuổi. Một loạt các bang có đông dân di cư loại này như California, Massachusetts, New York, Washington, San Francisco, Chicago cho biết sẽ nộp đơn kiện để bảo vệ DACA. Trong khi đó, ở bên ngoài nước Mỹ, quyết định hủy DACA vấp phải sự phản đối của các nước Mỹ Latinh như Mexico, El Sanvador, Guatemala, Honduras, thậm chí Mexico đã tính đến việc tiếp nhận trở lại hàng trăm nghìn người nếu không có tín hiệu gì từ Quốc hội Mỹ.

Mong manh con đường thực hiện “giấc mơ Mỹ”

Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, Tổng thống Mỹ đang đi nước cờ khôn ngoan khi một mặt ông đưa Bộ trưởng Tư pháp Mỹ ra thông báo về chính sách mà ông biết trước sẽ hứng nhiều “gạch đá” của dư luận, mặt khác lại là cách để xoa dịu những người bảo thủ, luôn gây sức ép cho Tổng thống, buộc ông phải thực hiện những cam kết tranh cử hồi năm 2016 của mình. Kể từ khi nhậm chức Tổng thống Trump đã ban hành nhiều chính sách và thực thi việc trục xuất người nhập cư trái phép một cách mạnh mẽ.

Khẩu hiệu "Đừng hủy hoại giấc mơ Mỹ" của người biểu tình

Quả bóng đã được Tổng thống đá sang chân Quốc hội khi ông gia hạn 6 tháng để Quốc hội Mỹ có thời gian ban hành những giải pháp thay thế nếu muốn tiếp tục cho phép số di dân này ở lại Mỹ. Theo các nhà làm luật, rõ ràng DACA đã có một thời gian dài lạm quyền hành pháp. Chỉ Quốc hội Mỹ mới được ban hành luật chứ không phải Tổng thống như ông Obama đã làm. Như vậy quyết định này cũng nhắm thêm một đích đến nữa là khôi phục lại cán cân giữa bên hành pháp và lập pháp.

Đã có một thời DACA được xem là cách để nhiều người thực hiện “giấc mơ Mỹ”, nhưng giờ đây con đường hiện thực hóa giấc mơ này đang ngày càng xa. Mặc dù quyết định không nhận được nhiều sự ủng hộ và chỉ ảnh hưởng tới 800.000 người trong 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp ở Mỹ, cũng đủ làm chao đảo xã hội Mỹ. Trong một kịch bản nếu Quốc hội Mỹ không ra được một hành lang pháp lý nào về vấn đề này, thì có khoảng 300.000 người thuộc chương trình DACA rơi vào tình trạng lưu trú bất hợp pháp vào năm 2018, và có hơn 320.000 người nữa trở thành nhập cư bất hợp pháp từ tháng 1 – 9/2019. Họ sẽ bị trục xuất khỏi Mỹ bất cứ thời điểm nào.

Hải Yến

(theo CNN, Independent)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nhung-ke-mong-mo-da-het-duong-mo-mong-n135991.html