Những khám phá cực độc về nước trên sao Hỏa (1)

Nước trên sao Hỏa luôn là một trong những đề tài khoa học nhận được sự quan tâm lớn nhất, khiến nhiều người chờ mong nhất.

Các giả định đầu tiên về nước trên sao Hỏa xuất phát từ hình ảnh được gửi từ Mariner 9, phi thuyền đầu tiên quay quanh một hành tinh khác vào năm 1971. Những hình ảnh cho thấy trên bề mặt sao Hỏa có những lòng sông khô và hẻm núi khiến các nhà khoa học có suy đoán đầu tiên về nước trên hành tinh đỏ.

Bằng chứng đầu tiên của nước lỏng trên sao Hỏa được phát hiện vào năm 2000. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã cố gắng để xác nhận sự tồn tại của nước lỏng trên sao Hỏa. Bước đột phá đã đến vào năm 2000 khi các nhà khoa học phát hiện những rãnh mà có nhiều khả năng là do nước lỏng chảy qua bề mặt của hành tinh gây nên.

Sao Hỏa có khả năng nuôi dưỡng sự sống. Các nhà khoa học nghiên cứu sao Hỏa đã tìm thấy rằng, hàng tỉ năm trước khí hậu của hành tinh này khá ấm áp và ẩm ướt, thậm chí một phần còn được bao phủ bởi các con sông và đại dương, điều kiện cần để phát triển sự sống.

Nước ở sao Hỏa thất thoát vào không gian. Do khí quyển mỏng của sao Hỏa, lực hấp dẫn của nó lại yếu do kích thước nhỏ, sao Hỏa đã không thể giữ được nước của mình. Khi hành tinh ấm lên và nước lỏng bốc hơi, lượng nước dần dần thất thoát vào không gian và một đi không trở lại.

Hiện vẫn còn nước mặn trên sao Hỏa. Các nhà khoa học đã sử dụng những hình ảnh độ phân giải cao được chụp bởi Mars Reconnaissance Orbiter để xác định những vệt tối thay đổi theo mùa. Các vạch tối đã khiến các nhà thiên văn đi đến kết luận đây là kết quả gây ra bởi nước mặn ở dạng lỏng trên bề mặt của hành tinh.

Vì tất cả sự sống trên Trái đất phải có nước để tồn tại, việc NASA tìm thấy nước trên sao Hỏa là một sự bùng nổ, họ tin rằng nếu chúng ta tìm thấy nước, chúng ta sẽ tìm thấy sự sống. Hướng vào mục tiêu đó, tất cả các tàu vũ trụ và thiết bị thám hiểm gửi lên sao Hỏa gần đây đều tập trung vào việc tìm kiếm nước.

Mặc dù bây giờ là một hành tinh khô cằn nhưng các nhà khoa học đã đưa ra một giả thuyết vào khoảng 3,5 tỷ năm trước, ở sao Hỏa đã từng diễn ra một trận lũ lớn nhất trong hệ Mặt trời.

Tàu thăm dò Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã sử dụng một radar mặt đất xâm nhập thành công bề mặt sao Hỏa nhằm tìm kiếm các bằng chứng của nước đóng băng và chất lỏng dưới bề mặt sao Hỏa.

Một lượng nước khổng lồ được cho là tồn tại trên sao Hỏa bị nhốt trong những lớp băng cực dày ở hai cực.

Nếu các tảng băng dày trung bình 3km tan chảy trên sao Hỏa, toàn bộ hành tinh sẽ được bao phủ bởi trong 5,6 m nước.

Các thành phần của băng trên sao Hỏa khá phức tạp gồm nhiều tầng khác nhau, ngay cả các mũ băng trên hành tinh này cũng có cấu trúc khiến nhiều nhà khoa học phải đau đầu. Số lượng lớn nước đá và bụi xuất hiện ở tầng gần đáy, phần trên thì là carbon dioxide rắn (đá khô).

Robot tự hành Curiosity đã tìm thấy bằng chứng của một hồ cổ cạn khô trên sao Hỏa. Trải dài khoảng 50km với chiều rộng khoảng 5km, hồ cổ này ước tính đã tồn tại trên bề mặt của hành tinh đỏ đến hàng chục ngàn năm, có thể đóng băng.

Các nhà khoa học ngày nay cho rằng nước trên sao Hỏa có thể không chỉ bị mắc kẹt ở hai cực của hành tinh mà còn ở các khu vực khác trên khắp sao Hỏa, dưới bề mặt. Cho đến nay, một dải băng khổng lồ có kích thước của Đức, Thụy Điển, Nhật Bản cộng lại đã được tìm thấy ở phía bắc của đường xích đạo trên hành tinh đỏ. Dải băng này được cho là có chiều sâu tới 40m.

Đinh Ngân (Theo L25)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kham-pha/nhung-kham-pha-cuc-doc-ve-nuoc-tren-sao-hoa-1-624433.html