Những ký ức miên trường (*)

Bạn gõ ba từ khóa “báo Giải Phóng” lên Google, kết quả là con số không, cả tự điển mở Wikipedia cũng không có dòng nào. Tờ báo đã đóng cửa cách nay đúng bốn mươi năm. Nhưng search từ khóa này lên ký ức tôi, thì lập tức hiện về hàng ngàn vạn thông tin, bao kỷ niệm lũ lượt hiện ra chỉ trong tích tắc.

Bốn mươi năm qua, từ khi Lò Gò - Bến Ra - Xa Mát còn xơ xác đạn bom cho đến lúc nó trở thành vườn quốc gia, luôn có hàng ngàn người hành hương trở về. Đây là nơi những người làm văn hóa kháng chiến đặt đại bản doanh. Đài phát thanh, Thông tấn xã, Văn nghệ... những tên tuổi, những tầm vóc, văn chương, nghệ thuật kháng chiến bắt nguồn từ đây. Ký ức cũng được lưu giữ tại đây dành cho những ai trở lại. Chỉ riêng tôi, trong mấy ngày tạm gác bút cầm súng làm du kích nghiệp dư chống càn Junction City, ba đồng đội đã ngã xuống.

Hoàn toàn tự nhiên thôi, thời gian và sự khắc nghiệt tạo nên hình thù cho cây cổ thụ, còn ký ức nén chặt thì sẽ không phai mờ.

Từ cao tốc Long Thành - Dầu Giây, chúng tôi rẽ về Nhơn Trạch, nơi có một tảng đá xanh lấy từ núi Bửu Long, cao cao, phải nhìn bằng cái ngước mắt, và không biết sao, chúng tôi xao xuyến trong lòng. Ba anh em Hồ, Nghĩa, Tuấn khác nhau ở màu tóc muối nhiều tiêu ít, nhưng cùng tấm lòng quyết tâm chọn một nơi lưu giữ ký ức dài lâu cho một đoạn đường đời đáng nhớ nhất.

Để diễn tả các thế hệ báo Giải phóng, không gì hơn màu tóc. Mái tóc màu tro đã qua trọn một mùa kháng chiến thuộc về các sếp có công gầy dựng tờ báo: sếp Kỳ Phương (Trần Phong), Hồng Châu (Thép Mới), Hai Khuynh (Nguyễn Huy Khánh), Tâm Trí (Tống Đức Thắng)... “sếp không ngai” Trần Đình Vân (Thái Duy), Tô Quyên... bậc “tiền hiền khai khẩn”. Vào những năm tháng đầu ra báo chưa ai phát hiện là tóc họ đã bạc, nhưng có vấn đề về thấu kính vì mắt luôn phải làm việc dưới ánh sáng ngọn đèn dầu lửa làm bằng chai cồn chỉ sáng hơn một nhúm đom đóm cộng lại. Tuy vậy, trải nghiệm sống, chiến đấu và chịu đựng của họ là không dễ gì có được.

Nhà báo Kỳ Phương

Nhà báo Kỳ Phương với một chân teo yếu, về Nam bằng tàu lặn, từ bến tàu không số ở Hải Phòng đến bến Khâu Băng, Bến Tre, thì xong phác thảo dáng vóc ban đầu của tờ Giải phóng số đầu tiên ra ngày 20.12.1964.

Cuộc đời ông khá kín đáo vì là cán bộ cao cấp, học trường Phương Đông, có lúc làm thư ký văn phòng cụ Hồ rồi được điều về làm Tổng biên tập báo Cứu quốc, nên giữ bí mật, kể cả bí mật tâm trạng trở thành thói quen, nguyên tắc. Nhưng khi về Sài Gòn làm cố vấn báo Tin sáng, ông bức xúc hé lộ những trăn trở ưu tư từng làm “run tay” bút, mất tự tin trước việc phải nói và viết thế nào cho phải.

Những năm hưu trí, ông nghiên cứu Phật học và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông dễ xúc động tới mức đã khóc mỗi khi nghe tiếng mì gõ giữa đêm khuya. Ông luôn nghĩ đến người nghèo và không muốn chị Kỳ, vợ ông, mua sắm bất cứ thứ gì để thay thế đồ cũ còn xài được. Nhà báo Minh Hiền, vợ tôi, đã ghi lại câu chuyện về tình bạn cảm động của ông khi xé rào để nhà báo Thái Duy đi vào những sự kiện nhạy cảm.

Ông Tô Lâm (thứ ba từ phải - Ủy viên ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam) và bà Nguyễn Thị Châu, bà Phan Thị Quyên (từ phải),  thăm báo Giải phóng năm 1969. Ảnh: TL

Nhà báo Trần Đình Vân là một trong ba người đầu tiên của báo Giải phóng, vốn là phóng viên Cứu quốc trong kháng chiến chống Pháp có mặt trong nhiều chiến dịch, đi phóng viên “chui” đến chiến trường Lào, dự nhiều sự kiện trọng đại của đất nước nhưng chưa bao giờ nhận chức, dù chỉ là tổ trưởng.

Ông đi vào Nam, là phóng viên kỳ cựu đầu tiên của Giải phóng, theo đuổi sự kiện Nguyễn Văn Trỗi và viết truyện ký Những lần gặp gỡ cuối cùng. Ông cũng thẳng thừng từ chối khi có gợi ý đề cử chức phó tổng biên tập báo Đại đoàn kết với lý do để cho lý lịch trong sạch, theo nghĩa rất lành, chỉ muốn làm phóng viên thuần túy.

Từ trái: Nguyễn Hồ, Trần Đình Vân, Cao Kiêm, Mai Đình. Ảnh: TL

Thép Mới thì hoàn toàn khác. Ông có địa vị, chức phận, nổi tiếng hơn. Trên đường về Nam, tác giả Cây tre Việt Nam, Hiên ngang Cuba, nóng bỏng những trang bút ký Trường Sơn hùng tráng trên sóng phát thanh. Là ủy viên ban biên tập báo Nhân dân nhưng anh không thông thạo công việc hành chính chút nào. Được bổ sung ủy viên Ban Tuyên huấn miền và trực tiếp làm Tổng biên tập báo Giải phóng, có miếng đất tốt để dựng nghiệp, thế mà ông rất bối rối không rõ chức vụ quản lý và quản trị cái nào quan trọng hơn.

Dưới mái lá trung quân trong rừng chiến khu, ông điều khiển vận hành bộ máy ra báo Giải phóng thông qua niềm tin với lớp nhà báo trẻ và không tạo ra lớp rào chắn nào làm hạn chế tư duy sáng tạo của họ. Ông rất quý những hạt nhân phong trào tại chỗ, đã cử tôi trong phái đoàn của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát sang thăm Campuchia tháng 6.1969 trong lúc nhiều người có thể làm việc này.

Tôi lần đầu viết những bài báo có tính chất đối ngoại và suýt chút nữa “mất mạng” vì viết sai một câu nói của Lon Nol: “Hai nước chúng ta là đồng minh và là hai người anh em thân thiết”. Câu nói đúng là, “hai nước chúng ta tuy không là đồng minh...”. Ông Tám Chí (Ung Ngọc Ky) đã cứu tôi, nhận lỗi do ông dịch sai. Với Minh Hiền, ông đã xử lý vượt chuẩn để bác sĩ Nguyễn Văn Thủ cho phục hồi chiếc răng cửa bị hỏng với cái cớ là Hiền sẽ được cử vào làm phóng viên trong nội thành Sài Gòn.

Các sếp “tiền hiền” thường ưu tiên cho những vấn đề cốt lõi làm cho tờ báo chuyên nghiệp và chân thật, ngoài ra mọi chuyện khác đều xếp vào hàng thứ yếu. Nhưng, dù họ tâm huyết và cá tính đến đâu, tờ Giải phóng vẫn theo mô hình báo chí bao cấp, hồng, chuyên trong môi trường kháng chiến.

Pano kỷ niệm 10 năm báo Giải phóng (1964 - 1974) của HS. Dũng Tiến. Ảnh: TL

Nhưng đến Hai Khuynh, tức nhà báo Nguyễn Huy Khánh, tác giả của luận văn Phê bình tiểu thuyết Tàu nổi tiếng đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách khoa Sài Gòn, mô hình báo Giải phóng có nhiều cải tiến. Ông gần như đọc báo chí văn học Sài Gòn hàng ngày trên cương vị chánh văn phòng Ban Tuyên huấn Trung ương cục cầm càng một nhóm nghiên cứu văn học và báo chí đối phương. Nhờ có sẵn cảm nhận thực tế độc giả miền Nam nên tờ báo thời ông phụ trách tương đối phóng khoáng và gần gũi người đọc. Và đó cũng là tờ báo cách mạng miền Nam lần đầu tiên bán qua các đại lý ở vùng giải phóng Đông Nam bộ bao gồm phần lớn các tỉnh Tây Ninh, Bình Long, Phước Long.

Trong những năm 1973-1974 tờ báo phát hành khổ nhật báo và ra 1 - 2 kỳ một tuần. Bộ máy tòa soạn thực tập vận hành bán báo tạo tiền đề để đội ngũ làm báo Giải phóng đi vào cơ chế thị trường mà bước tiếp theo là làm báo và bán báo Sài Gòn giải phóng, sau đó là nhật báo Giải phóng ngay tại Sài Gòn, nơi vốn có một nền báo chí hiện đại. Sức thu hút, tập hợp giới trí thức và các đồng nghiệp Sài Gòn và cả nước, với sếp Hai Khuynh, là một điều hiển nhiên.

Nếu sau 30.4.1975 không diễn ra khúc quanh nghiệt ngã của đấu tranh giai cấp và cơ chế quan liêu thì tờ Giải phóng chắc chắn sẽ tạo ra bước đột phá trong những tháng năm ngắn ngủi làm nhật báo.

Nhà báo Nguyễn Văn Khuynh (kính trắng) trên đường về Sài Gòn ngày 29.4.1975. Ảnh: TL

Lớp tạm gọi “hậu hiền khai canh” là lớp U80 chúng tôi, có chung một khát khao phát triển từ thế đứng mặc định giữa mô hình có sẵn và sự sáng tạo đột phá, bằng lòng với người sếp sau cùng với sự mến yêu và kính trọng. Ông năng nổ trên đôi chân chấm phẩy vì chỉ còn một bàn chân nguyên vẹn, nhưng những dấu chân tròn của ông trong cuộc hành trình báo Giải phóng luôn chứa những thông điệp dành cho thế hệ kế tục, đó là không bao giờ dừng lại trước khó khăn thách thức.

Lớp kế tục ở báo Giải phóng hay có thể gọi là thế hệ thứ ba thì hình thành định dạng chóp nón: phần đáy kim tự tháp là tuyệt đại đa số những người lao động, những chiến sĩ có thể tính sổ công lao cụ thể từng ngày, vào đoàn thể không gặp khó khăn vì thuộc thành phần cơ bản.

Ngược lại, số kế tục cầm bút thì vừa ít lại vừa yếu, chỉ tính trên đầu ngón tay lại thuộc thành phần giai cấp không cơ bản, nên phải rèn luyện trần ai mới vượt qua thử thách. Phương Hà, Hải Nam, Minh Hiền - Trương Trọng Nghĩa - Trần Phan Nam (không tính hết rất nhiều người “quá cảnh”, chuyển nghề), lớp này vô chiến khu đầu chưa đủ xanh vì phải quyết liệt tử sanh để giữ từng sợi tóc và màu tóc qua từng cơn sốt rét rừng, cho đến hết chiến tranh thì tóc họ mới xanh um và họ bắt đầu trải nghiệm gian truân không xiết kể để gia nhập vào lớp người thành đạt.

Minh Hiền tự mình bươn chải làm báo với tư cách sáng lập, chịu thử thách gấp nhiều lần lớp đàn anh chúng tôi (Tô Quyên, Trí Việt, Đinh Phong, Tuất Việt, Nguyễn Hồ, Mai Đình, Mai Trang - Mai Dưỡng - Cao Kim, Trần Danh Lân, Trần Bé, Bến Hải, Huỳnh Tám, Hải Nam (...) vốn ít nhiều có thừa hưởng ân sủng trên con đường sự nghiệp).

Bà Nguyễn Thị Bình (đứng giữa) thăm báo Giải phóng nhân dịp kỷ niệm 10 năm. Ảnh: TL

Nhưng cũng có thể nói lớp “tiền hiền khai cơ, hậu hiền khai canh” và cả “lớp kế tục” đều đã bó tay với ký ức rừng xanh, đơn giản vì nghĩ, nếu mình không làm gì thì chắc chắn có người khác làm. Rồi thực tế không phải vậy, kẻ trước người sau lần lượt ra đi, đến khi nhìn lại thì chỉ còn loe ngoe mấy ông già đầu bạc. Thật không gì tiếc nuối hơn, cả một đời báo được chung tay xây dựng của bao người, với những tên tuổi tầm cỡ khắp Trung Nam Bắc... thế nhưng không có nổi một kỷ yếu khiêm nhường để làm kỷ niệm, nói gì đến lưu danh sử sách với những công trình trình văn hóa khoa học.

Tưởng mọi chuyện sẽ trôi vào quên lãng, nào ngờ nó vẫn cồn cào nỗi nhớ từ những anh em báo Giải phóng không thuộc diện được gọi là nhà văn nhà báo. Đó là đội quân muối tiêu cuối cùng: Trương Trọng Nghĩa, Phan Anh Tuấn, Nguyễn Chiến Lũy, Trần Văn Đội... được sự động viên và hỗ trợ của lớp “hậu hiền” trong Nam, ngoài Bắc... đã làm nên chuyện: lên rừng xưa xin đất, lên Nhơn Trạch tìm đá xanh thô giá rẻ để gửi vào đây một phần ký ức.

Bản phác thảo hai mặt của bia đá báo Giải phóng

Tôi đã xem hình tảng đá này trên e-mail, thấy nó hay hay, đặc biệt là có năng lượng, khi đứng nhìn ngay bên cạnh cảm nhận bị một trường lực hút vào... Đó là tảng đá xanh mộc mạc của miền Đông gian khổ xa xưa, thoạt nhìn đã thân thiện với dáng cao như mẩu bút chì đã cũ. Với bốn mặt nổi, chìm những thớ đá hình núi non, sông biển làm tôi nghĩ ngay đến hình hài đất nước Việt Nam và khi áp lên tấm bản đồ google earch thì có sự ăn khớp mông lung như bóng hình chữ S.

Cái duyên giữa khối đá, thiên nhiên và ký ức sai khiến những cú nhấp chuột làm nên điều tối thiểu khác hơn tấm mộ bia cho tờ báo có quá nửa những trụ cột “tiền hiền hậu hiền”đã qua đời. Quy luật của muôn đời là không có gì tuyệt đối và vĩnh viễn. Hy vọng tảng đá này sẽ là một điểm đến của mọi người từ cả hai cõi âm dương trong thời gian “trăm năm bia đá” cũng mòn. Ai đến đây hãy tạm bằng lòng với những nhánh hoa rừng mùa nào cũng có, nếu không tiện mang theo những đóa hoa đời.
18.6.2017

Nguyễn Hồ

________________

(*) Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước miên trường phía sau (Bùi Giáng)

Nguồn Người Đô Thị: http://www.nguoidothi.net.vn/vn/news/chuyen-hom-nay/phong-su/8808/nhung-ky-uc-mien-truong-.ndt