Những lần 'Đường lên đỉnh Olympia' bị tố sai kết quả

Trong 17 năm phát sóng, chương trình lâu đời của VTV từng xảy ra khá nhiều trường hợp khiến khán giả tranh luận gay gắt.

Trải qua 17 năm với bao sự thay đổi và phát triển, Đường lên đỉnh Olympia vẫn chứng minh được sức lan tỏa mạnh mẽ của một sân chơi trí tuệ dành cho học sinh THPT trên cả nước.

Tuy nhiên, chương trình cũng từng xuất hiện không ít tình huống gây tranh luận, nhất là về phần trả lời từ các thí sinh.

Trả lời sai hoàn toàn vẫn được điểm?

Hai phần trả lời cho câu hỏi thuộc lĩnh vực Hóa học của thí sinh Nhân Thanh Tùng (THPT Ngọc Hồi, Hà Nội) tại cuộc thi tuần hai, tháng một, quý III, phát sóng chiều 5/3, bị một khán giả nhận định không đúng, song chương trình vẫn cho điểm, dẫn đến sai lệch kết quả chung cuộc.

Chương trình hỏi: “Người ta có thể bảo vệ vỏ tàu biển bằng thép bằng cách gắn những tấm kẽm vào phần vỏ tàu chìm trong nước biển (nước biển là dung dịch chất điện ly). Tại sao lại như vậy?”.

Nam sinh Hà Nội trả lời: Người ta thường gắn thép vào vỏ sắt của tàu biển, vì khi đó sắt đóng vai trò là cực anot, còn kẽm là catot. Khi đó, kẽm sẽ bị gỉ thay cho sắt và sắt được bảo vệ.

Vị khán giả đưa ra thắc mắc và giáo viên dạy Hóa Lê Phạm Thành cùng chung quan điểm rằng tuy có ý đúng (kẽm bị gỉ thay cho sắt), nam sinh Hà Nội đã trả lời sai khi đảo chiều hai cực trong hiện tượng này.

“Thanh Tùng chỉ trả lời đúng khoảng 60% câu này. Ban tổ chức chương trình có thể cân nhắc cho điểm nhưng cần có lời giải thích thỏa đáng đến thí sinh và khán giả”, thầy Phạm Thành bày tỏ.

Câu hỏi gây tranh cãi tiếp theo được nêu ra sau một thí nghiệm Hóa học: “Đốt cháy que đóm và dây magie rồi lần lượt cho vào bình đựng khí CO2. Tại sao que đóm tắt ngay, còn dây magie thì lại cháy sáng?”

Thanh Tùng trả lời: Bởi CO2 là khí không duy trì sự cháy nên khi cho que đóm vào, nó sẽ tắt. Còn việc magie phát sáng là do đốt lên sẽ có MgO và đấy là chất phát sáng khi cháy.

Phần trả lời Thanh Tùng đưa ra không thuyết phục nhiều khán giả. Họ cho rằng nam sinh nêu sai bản chất, sai hiện tượng và hoàn toàn không nhắc đến việc Mg tác dụng với CO2 - vốn là mấu chốt của vấn đề.

Tuy nhiên, chương trình lại tiếp tục cho thí sinh này điểm. Khán giả hy vọng ban tổ chức, đặc biệt là ban cố vấn môn Hóa, sẽ sớm có câu trả lời rõ ràng và công minh cho hai câu này.

Cùng câu hỏi, trả lời song chỉ một thí sinh được điểm

Cũng trong cuộc thi tuần hai, tháng một, quý III, phát sóng chiều 5/3, trước câu hỏi: “Tại những nơi nào trên Trái Đất có thể nói giờ nào cũng đúng?”, thí sinh Trần Bảo Nhân (THPT Cam Lộ, Quảng Trị) đưa ra đáp án: Nam Cực và Bắc Cực.

MC Diệp Chi phân tích Bảo Nhân hiểu đúng câu hỏi, song đáp án đúng phải là cực Nam và cực Bắc.

Ở phần thi Về đích trong trận chung kết Olympia năm thứ 6 (2005), chương trình cũng đưa ra câu hỏi tương tự. Nhà vô địch Lê Vũ Hoàng (THPT số 1 Bố Trạch, Quảng Bình) có câu trả lời giống Bảo Nhân: Nam Cực và Bắc Cực.

Cùng câu hỏi, câu trả lời giống nhau, song chỉ Vũ Hoàng được cho điểm. Khán giả theo dõi chương trình băn khoăn trước sự không thống nhất trong đáp án của ban tổ chức.

Vì sao dung dịch muối có tính sát trùng?

Trong trận chung kết Olympia 2014, trước câu hỏi: “Vì sao dung dịch muối có tính sát trùng?”, thí sinh Nguyễn Hoàng Bách (THPT Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM) đã trả lời: Vì dung dịch nước muối tạo môi trường ưu trương nên khi vi khuẩn ở trong dung dịch nước muối sẽ bị mất nước mà chết.

Khi MC Tùng Chi đề nghị ban cố vấn đưa ra ý kiến, PGS.TS Vũ Quốc Trung thông báo câu trả lời này không được chấp nhận.

Quyết định trên vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Theo các giáo viên, câu trả lời của Bách có thể chấp nhận được bởi cậu đã vận dụng kiến thức về quá trình thẩm thấu được học trong chương trình Sinh học lớp 10.

Nguyễn Hoàng Bách là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 14. Ảnh: Lê Hiếu.

Nếu được chấp nhận, Hoàng Bách sẽ san bằng số điểm với Nguyễn Trọng Nhân - quán quân của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 14.

Sau đó, ban cố vấn chính thức có lời giải đáp, đồng thời VTV quyết định giữ nguyên kết quả. Cách xử lý này không làm thỏa mãn kỳ vọng của khán giả.

Nghi vấn đáp án sai

Câu hỏi thuộc lĩnh vực Toán học trong chung kết năm 2012 như sau: 3 mặt trời = 2 ngôi sao, 1 ngôi sao + 4 mặt trăng = 1 mặt trăng + 5 mặt trời. Hỏi sẽ có bao nhiêu mặt trời để cán cân thăng bằng: 2 mặt trăng + 4 ngôi sao = 1 mặt trăng + 1 ngôi sao + ? mặt trời.

Đáp án của câu hỏi ứng với các lựa chọn: A: 4, B: 5, C: 6, B: 7, D: 8, E: 9, F: 9.

Trần Lê Phương (THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam), Đặng Thái Hoàng (THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) chọn đáp án C và được chương trình khẳng định đúng.

Sau đó, khán giả phân tích các đáp án ban tổ chức đưa ra đều sai, bởi câu trả lời chính xác phải là số lẻ: 5+2/3 (5,6666...), không phải 6.

Khán giả tranh cãi xung quanh việc Thân Ngọc Tĩnh hay Đặng Thái Hoàng mới xứng đáng cho ngôi vô địch Olympia năm thứ 12. Ảnh: Nguyễn Khánh / Tuổi Trẻ.

Nếu như vậy, thí sinh Thái Hoàng phải bị trừ 30 điểm trong tổng điểm chung cuộc. Người vô địch năm đó phải là Thân Ngọc Tĩnh (THPT Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP.HCM) với 230 điểm.

Tuy nhiên, không ít người chỉ trích việc trừ điểm là không công bằng và không thể quyết định cục diện trận đấu.

Hàng loạt trang mạng được lập ra để ủng hộ cả Thân Ngọc Tĩnh và Đặng Thái Hoàng. Fanpage chương trình cũng quá tải vì những lời yêu cầu xử lý vụ việc thỏa đáng từ phía khán giả.

Quy định của ban tổ chức “Mọi khiếu nại phải do chính thí sinh đưa ra và chỉ có hiệu lực trong thời gian ghi hình phần thi đó” cũng gây ý kiến trái chiều.

Tranh cãi muối - muối ăn

Trận chung kết năm 2011 cũng xuất hiện câu hỏi với phần đáp án gây ra nhiều tranh cãi.

Cụ thể, ban tổ chức đưa ra 5 dữ liệu để các thí sinh tìm đáp án cho câu hỏi Đây là gì?

Các gợi ý lần lượt như sau: 1. Đây là hợp chất vô cơ, 2. Cấu trúc mạng tinh thể, liên kết ion, 3. ..?.. của rừng (tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp), 4. Một loại gia vị, 5. Salt.

3/4 thí sinh đưa ra được đáp án mà MC Tùng Chi công bố: Muối. Sau đó, ban tổ chức chấp nhận cả đáp án "muối ăn" do thí sinh Phạm Thị Ngọc Oanh (THPT Tiên Lãng, Hải Phòng) - vô địch Olympia năm thứ 11 - đưa ra.

Sau chương trình, nhiều khán giả cho rằng việc công nhận đáp án của Ngọc Oanh không chính xác. Bởi câu trả lời đó không thỏa mãn dữ kiện thứ 3 để nói về tác phẩm Muối của rừng từnhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Theo TS Nguyễn Đức Chuy - cố vấn Hóa học của chương trình, bức ảnh cuối cùng là hình ảnh người dân làm muối trên biển, vì thế đáp án muối ăn là có thể chấp nhận được.

Phát âm, đánh vần tiếng Anh sai vẫn vô địch

Tại chung kết Olympia năm 2010, tranh cãi nổ ra khi quán quân chương trình Phan Minh Đức (THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, Hà Nội) phát âm và đánh vần sai đáp án "plumber" (thợ sửa ống nước) cho câu hỏi ở phần thi Về đích.

Cụ thể, thay vì phát âm ['plʌmə] (pờ-lăm-mờ), Minh Đức lại nói ['plʌmbə] (pờ-lăm-bờ). Hai lần MC Tùng Chi yêu cầu đánh vần, nam sinh này đều lần lượt nói p-l-u-m-p-e-r.

Theo khán giả, với phát âm của Đức, đáp án phải là “plumper” chứ không phải “plumber”. Tuy nhiên, câu trả lời được chấp nhận và đem tới chiến thắng chung cuộc cho đại diện THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam.

Nhiều người không đồng ý với kết quả này và cho rằng thí sinh Đỗ Đức Hiếu - người luôn rượt đuổi điểm số với Minh Đức - bị thiệt thòi.

Sau cùng, cố vấn tiếng Anh của chương trình đã khẳng định câu trả lời của Đức là chính xác bởi hầu hết người châu Á đều dễ phát âm nhầm lẫn, còn phần đánh vần trong câu hỏi không yêu cầu.

Trả lời theo sách giáo khoa song không được điểm

Tại quý III, Olympia năm 2009, thí sinh Bạch Đình Thắng (THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông) đã nhận câu hỏi với nội dung về các hệ trong cơ thể người.

Theo kiến thức Sinh được học, nam đưa ra câu trả lời: Trong cơ thể người có 6 hệ, trong đó có hệ nội tiết. Tuy nhiên, cậu không được điểm bởi đáp án của chương trình là “nội tiết không phải một hệ”.

Trong cuộc thi chung kết Olympia năm 2009, lần đầu tiên và duy nhất đến nay có sự góp mặt của 5 nhà leo núi. Ảnh: Vietnamnet.

Sau cuộc thi, gia đình Bạch Đình Thắng đã tới gặp ban tổ chức cùng cuốn sách giáo khoa lớp 8 có phần kiến thức về Hệ nội tiết. Theo đó, học sinh được dạy rằng nội tiết là một hệ trong cơ thể người.

Cuối cùng, VTV quyết định công nhận câu trả lời của nam sinh Thắng. Với kết quả đó, cậu bằng điểm với Hồ Ngọc Hân (THPT Chuyên Quốc học Huế, Thừa Thiên Huế) - người vô địch quý III - và cả hai lọt vào trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 9.

Vì lý do này, cuộc thi chung kết năm đó có 5 thí sinh thay vì 4 như mọi năm.

Thu Thảo

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-phan-tra-loi-gay-tranh-cai-tai-duong-len-dinh-olympia-post726813.html