Những làng quê như phố ở Ninh Bình

Là một tỉnh có diện tích không lớn nhưng Ninh Bình có địa hình rất đa dạng: Có núi, đồng bằng, vùng biển mang đầy đủ sắc thái của nước Việt Nam thu nhỏ.

Địa hình đa dạng và phức tạp cộng với dân cư không tập trung ở nông thôn là điều kiện không mấy thuận lợi khi Ninh Bình bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM). Thế nhưng, bằng nhiều giải pháp linh hoạt, đặc biệt nêu cao vai trò chủ thể của nhân dân với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng NTM. Năm 2024, Ninh Bình hướng tới hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong toàn tỉnh.

Những cách làm hay, sáng tạo

Những ngày đầu Xuân Giáp Thìn, về với huyện Yên Khánh, chúng tôi chứng kiến hiệu quả rõ rệt của việc xây dựng NTM. Đi tới xã nào cũng thấy, nhờ việc hiến đất, làm đường, góp của, góp công của bà con nơi đây, đường giao thông được mở rộng, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Xóm nào cũng có công trình văn hóa-thể thao khang trang để sinh hoạt chung; những ngôi nhà cao tầng san sát... Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Không chỉ Kim Sơn, chương trình xây dựng NTM đã mang lại sự đổi thay rõ nét trên toàn tỉnh Ninh Bình. Đến Ninh Bình hôm nay, chúng tôi nhận thấy, giữa các khu vực trong tỉnh không có sự chênh lệch quá lớn về hạ tầng và chất lượng cuộc sống. Trong 8/8 huyện, thành phố đều thấy sự hiện diện rõ nét của những khu dân cư NTM kiểu mẫu; những làng quê như phố.

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM; 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Yên Khánh đang hoàn thiện hồ sơ thẩm định xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023; 42% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 15% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 40% số thôn, xóm, bản được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Nhân dân xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình chung tay góp của, góp công tạo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Ảnh: BÌNH TRUYỀN

Trong 3 năm 2021-2023, vốn huy động cho chương trình NTM trên địa bàn tỉnh đạt 37.380 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 659 tỷ đồng. Các công trình xây dựng cơ bản tiếp tục được quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của tỉnh ước đạt 63,5 triệu đồng/năm, tăng 4,6 triệu đồng so với năm 2020...

Thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương và đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia triển khai có hiệu quả. Nhiều cơ quan, địa phương có những cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện, nổi bật như: Mô hình “Ngày thứ 7 sạch”, “Tuyến đường phụ nữ tự quản”, “Nhà sạch, vườn đẹp” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; mô hình: “Cựu chiến binh bảo vệ môi trường”, “Đoạn đường, dòng sông tự quản” của Hội Cựu chiến binh huyện Kim Sơn; mô hình “Thắp sáng đường quê”, “Cổng trường an toàn giao thông” của Tỉnh đoàn Ninh Bình...

Những cơ chế, chính sách đặc thù mà Ninh Bình đã ban hành trong quá trình xây dựng NTM có thể kể đến như: Cơ chế huy động nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia với nhiều chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025; chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn; cơ chế giao quyền chủ động cho người dân và cộng đồng trong thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn xã... Điều này đã khơi dậy sức mạnh tiềm ẩn trong nhân dân; phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã trở thành một phong trào thi đua được lan tỏa với khí thế mạnh mẽ.

Hướng tới sự hài lòng của người dân

Có thể thấy, xây dựng NTM ở Ninh Bình không chỉ là sự thay đổi đồng bộ về cơ sở hạ tầng mà điều quan trọng đó là mới trong nếp nghĩ, cách làm và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm của người dân. Chính vì vậy, Ninh Bình là tỉnh đầu tiên đóng góp sáng kiến đưa nội dung "lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân" vào tiêu chí đánh giá, xét công nhận đạt chuẩn NTM (tiêu chí số 20). Sáng kiến của Ninh Bình được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao và nhân rộng trên toàn quốc. Điều này đã giúp Ninh Bình bảo đảm xây dựng NTM bền vững và tất cả thành quả của NTM, người thụ hưởng chính là nhân dân.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, Ninh Bình xây dựng NTM rất bài bản, phát huy vai trò chủ động, tự thân của người dân. “Khi người dân thấy được xây dựng NTM mang lại đời sống vật chất, tinh thần cho chính họ thì tất cả sẽ tự giác cùng nhau thực hiện, thực chất. Đây cũng là tiền đề quan trọng để tỉnh xác định, kiên định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tỉnh Ninh Bình cơ bản đạt các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương, đến năm 2035 đạt thành phố trực thuộc Trung ương”-đồng chí Phạm Quang Ngọc cho biết.

Tại Ninh Bình, mục tiêu xây dựng NTM được xác định là quá trình thường xuyên, liên tục, không có điểm kết thúc. Trong năm 2024, mục tiêu được Ninh Bình đặt ra là hoàn thành các quy định tại Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 8-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; phấn đấu trong năm 2024 công nhận thêm 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu...

Để nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng NTM của địa phương, đồng chí Phạm Quang Ngọc đề nghị, các cấp, ngành bám sát mục tiêu, tập trung chỉ đạo, xây dựng những chương trình, kế hoạch, giải pháp thực hiện cho giai đoạn tiếp theo một cách bài bản, cụ thể, sát thực tiễn.

VŨ DUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nhung-lang-que-nhu-pho-o-ninh-binh-765547