Những lời nguyền “chết chóc” trong làng âm nhạc

Trong làng âm nhạc thế giới, có một số sự kiện không giải thích nổi, gắn với từng cá nhân hay bản nhạc định mệnh được cho là những lời nguyền “chết chóc”, là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hàng chục, thậm chí cả trăm người. Dẫu rằng, đây chỉ là những lời đồn đại “nửa tin, nửa ngờ”, nhưng cũng khiến những tín đồ âm nhạc “sởn da gà” về những quyền năng bí ẩn thông qua âm nhạc để “tung hoành” trong cuộc sống đang lẫn lộn giữa Thiện và Ác.

Lời nguyền “Buddy Holly”

Buddy Holly, tên thật là Charles Hardin Holley, là một ca sĩ/nhạc sĩ, thành viên ban nhạc The Crickets và có công khai sinh ra dòng nhạc rock’n’roll. Tuy nhiên, khi chỉ mới chạm đến hào quang một thời gian ngắn, Holly đã vĩnh biệt cõi trần trong một vụ tai nạn thảm khốc. Và đây cũng là điểm khởi nguồn cho lời nguyền chết chóc mang tên “Buddy Holly”. Nhiều nghệ sĩ và người thân quen của Holly đều chết một cách bất thường. Điển hình như Ronnie Smith, ca sĩ được thuê để thế chỗ Holly trong một tour diễn đã phải nhập viện tâm thần và cuối cùng tự kết liễu đời mình bằng cách treo cổ tự tử. David Box, thành viên The Crickets cũng tử nạn trong một tai nạn máy bay. Vợ của Holly cũng sảy thai đứa con đầu lòng ngay sau khi nam ca sĩ qua đời. Ngoài ra, lời nguyền “Buddy Holly” cũng được cho là liên quan tới cái chết của hai người khác có mối quan hệ thân tình với Holly và ban nhạc The Crickets.

Lời nguyền tuổi 27 - câu lạc bộ 27 tuổi

Tạp chí Forbes thống kê đã có khoảng 40 ca sĩ, nhạc sĩ toàn thế giới “dính” lời nguyền định mệnh tuổi 27, trong đó có Brain Jones, Kurt Cobain, Jimi Hendrix, Robert Johnson, Jim Morrison, John Garrighan và mới đây là Amy Winehouse. Các nhà khoa học cho rằng lời nguyền được truyền thuyết hóa này chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hậu quả của lối sống phóng túng, nghiện ngập của những ngôi sao nổi tiếng quá sớm.

“Chủ nhật u ám” phủ bóng tang thương

Bài hát “Glommy Sunday” được nhạc sĩ dương cầm gốc Hungary Rezso Seress sáng tác trong một buổi chiều mưa buồn, u ám, nặng nề, lạnh lẽo cuối năm 1932. Bị người phụ nữ mình yêu cự tuyệt, chàng nhạc sĩ trẻ đã chấp bút lên ca khúc buồn thảm với tựa đề “Chủ nhật u ám”. Khi bài hát được tung ra thị trường, bắt đầu có hiện tượng lạ xảy ra. Tại Berlin, một thanh niên đã tự vẫn do bị ám ảnh bởi giai điệu và ca từ của bài hát. Vài ngày sau, người ta lại phát hiện thêm xác một cô gái treo cổ tự tử dưới chân có phần lời ca khúc “Glommy Sunday”. Sau đó, hàng loạt vụ án tương tự liên quan đến bài hát xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới. Theo thống kê không đầy đủ, giai điệu trầm, buồn đến thê lương của “Glommy Sunday” được cho là nguyên nhân dẫn đến cái chết của gần 100 người, trong đó có chính tác giả và người yêu cũ của ông.

“Bị nguyền” do tráo linh hồn với quỷ dữ

Tương truyền rằng Robert Johnson đã gặp “quỷ dữ” tại ngã tư một thị trấn “bí ẩn” và đồng ý tráo đổi linh hồn nhằm trở thành một nghệ sĩ nhạc Blues vĩ đại. Mong muốn của Robert trở thành hiện thực nhưng chẳng bao lâu ông qua đời. Nhiều nghệ sĩ cover lại ca khúc “Crosscroads” – (ám chỉ ngã tư và cuộc gặp gỡ định mệnh) cũng gặp tai ương và qua đời như Lynyrd Skynyrd và The Allman Brothers. Con trai nam ca sĩ Eric Clapton, người từng ghi âm bài hát với ban nhạc Cream, có lẽ đã “gánh nạn” thay cha khi qua đời do bị ngã từ cửa sổ.

Ca khúc karaoke gây họa

“My way” là một ca khúc gắn với tên tuổi của nam ca sĩ người Mỹ Frank Sinatra. Lời bài hát kể về tâm trạng của một người sẵn sàng chờ đón cái chết, hồi tưởng lại đời mình. Tuy nhiên đây cũng là một ca khúc “gây họa” gắn liền với hình ảnh chết chóc. Trong vòng 10 năm, tại Philippines đã có 6 trường hợp tử vong sau khi hát ca khúc này. Sự việc nghiêm trọng đến mức các nhà chức trách Philippines phải yêu cầu các cơ sở kinh doanh loại “My way” ra khỏi danh sách các bài hát yêu cầu.

Ông hoàng nhạc Jazz bị mẹ nuôi bán linh hồn cho quỷ Santa

Tương truyền nghệ sĩ nhạc Jazz nổi tiếng Jelly Roll Morton bị mẹ đỡ đầu bán linh hồn cho quỷ Santa. Những năm 1920, sự nghiệp của Morton nở rộ khi ông trở thành người khởi xướng dòng nhạc Jazz. Morton có cuộc sống xa hoa, tiêu tiền không tiếc tay, thậm chí nam ca sĩ còn chơi ngông đính kim cương vào răng. Tuy nhiên, đến những năm 1930, danh tiếng của Morton xuống dốc trầm trọng, tài sản trong nhà cũng “đội lốt ra đi”. Morton đã phải mời pháp sư đến để gỡ bỏ lời nguyền. Kỳ lạ thay, sau lần đó, sự nghiệp của Morton đã khởi sắc trở lại.

Lời nguyền bản giao hưởng số 9

Các nhà soạn nhạc nổi tiếng như Beethoven, Schubert, Dvorak, Vaughan Williams… tuy sống ở nhiều quốc gia nhưng đều có một điểm chung đó là qua đời sau khi sáng tác bản giao hưởng số 9 của mình. Ngay cả khi đã cố tránh như Bruckner bằng cách đánh số hai bản giao hưởng đầu tiên của mình là 00 và 0 cũng không thoát khỏi kiếp nạn.

Âm nhạc luôn mang tính lan truyền và rất “ám ảnh” nếu ca từ và giai điệu khiến nhiều người đồng cảm. Vì vậy, những người hâm mộ khi cảm nhận sâu sắc trạng thái tình cảm của người sáng tạo cũng rất dễ “tự kỷ ám thị” vào mình. Những hành động ấy luôn được coi là những “lời nguyền” bí ẩn và điều này khiến âm nhạc càng trở nên ma mị, cuốn hút tâm trí con người hơn, các ca khúc có thể trở thành “thiên thần” cứu giúp con người những cũng dễ biến hình thành Quỷ Satan. Mọi thứ đều có hai mặt Thiện – Ác và âm nhạc đương nhiên không nằm ngoài quy luật này.

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-loi-nguyen-%e2%80%9cchet-choc%e2%80%9d-trong-lang-am-nhac