Những lớp học tạm vùng sâu

Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, đặc biệt ưu tiên những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa nhằm xóa dần những phòng học tranh tre, nứa lá. Tuy nhiên đến nay, nhiều nơi học sinh vẫn đang phải học trong các phòng học tạm gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy học.

Thiệt thòi học sinh vùng khó

Tại bản Tai Giác, xã Phú Sơn và điểm trường chính ở bản Bó, xã Hiền Chung, huyện vùng cao Quan Hóa nằm ở miền Tây tỉnh Thanh Hóa, nhiều năm nay người dân địa phương phải tự đóng góp gỗ, luồng nứa chặt trên rừng để dựng hai phòng học tạm cho các cháu mầm non và học sinh tiểu học tại bản. Năm học 2016 - 2017, có gần 200 học sinh mầm non, tiểu học vẫn phải ngồi học trong phòng học tranh tre, nứa lá, tạm bợ.

Cô giáo Cao Thị Nhung - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Phú Sơn - chia sẻ: Năm học 2016 - 2017, trường có 56 cháu mầm non phải học ở phòng học tranh tre, nứa lá. Đã nhiều năm nay, hàng trăm cháu mầm non nơi đây phải ngồi học ở phòng tranh tre, nứa lá tạm bợ. Vào mùa đông, những phòng học tranh tre trống hoác, gió lạnh lùa tứ bề ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của các em học sinh. Thương học sinh, vào những ngày lạnh giá, các cô giáo phải đốt lửa tại khu lớp học để các em sưởi ấm. Bên cạnh đó, học sinh nơi đây còn thiệt thòi nhiều bởi các dụng cụ học tập, đồ chơi cũng thiếu thốn…

Bên cạnh phòng học mầm non, tại bản Tai Giác, xã Phú Sơn còn có phòng học tranh tre nứa lá của lớp tiểu học với 18 học sinh và tại xã Hiền Chung (Quan Hóa) còn 5 phòng tranh tre với 103 học sinh. Các phòng học tranh tre, nứa lá này đều do người dân địa phương đóng góp vật liệu dựng lên.

Bà Phạm Thị Dần - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa - cho biết: Thực trạng học sinh ở vùng sâu, vùng xa của huyện còn phải ngồi học trong những phòng học tranh tre, nứa lá tạm bợ đã diễn ra nhiều năm nay, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học tại các nhà trường, nhất là ảnh hưởng đến sức khỏe của các em học sinh. Vào mùa đông, Phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa cũng yêu cầu các trường mua tấm bạt lớn che chắn gió quanh phòng học tranh tre, nứa lá, để các em học sinh bớt lạnh. Chính quyền địa phương, nhà trường đã nhiều lần đề nghị các cấp chính quyền đầu tư xây dựng phòng học kiên cố ở bản Tai Giác, xã Phú Sơn và bản Bó, xã Hiền Chung, nhưng đến nay chưa được xây dựng.

Lực bất tòng tâm?

Cùng chung hoàn cảnh trên, tại bản vùng cao Eo Điếu, xã Cổ Lũng, huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) nhiều năm nay các cháu học sinh mầm non cũng phải ngồi học trong căn lều tranh tre, nứa lá trống hoác, thiếu thốn mọi thứ, nhưng UBND xã đành bất lực. Mong ước của người dân về một phòng học kiên cố cho trẻ em địa phương chỉ biết trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, các nhà hảo tâm và cơ quan chức năng.

Cô giáo Lò Thị Trang - giáo viên cắm bản Eo Điếu (thuộc Trường Mầm non xã Cổ Lũng) - cho biết: Theo quy định thì tại bản Eo Điếu không đủ số học sinh để thành lập lớp mầm non ở đây. Bởi vì cả bản hiện chỉ có 35 hộ dân, số trẻ đến tuổi vào bậc học mầm non (3 - 5 tuổi) chỉ từ 4 - 6 cháu/năm học. Tuy nhiên, vì đường sá đi lại từ bản ra trung tâm xã nhiều đèo dốc nguy hiểm, vất vả, trong khi đó đời sống của đồng bào dân tộc Thái ở Eo Điếu còn nhiều khó khăn, không thể đưa trẻ đến trường mầm non ở trung tâm xã để học và đi về trong ngày được. Nếu không có lớp học mầm non tại bản, các cháu sẽ không được học Chương trình Phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi.

Ông Lò Văn Xuân - Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng - cũng cho biết thêm: Lớp học mầm non ở bản Eo Điếu do chính đồng bào trong bản góp tranh tre, nứa lá dựng lên cho các cháu có chỗ học nhiều năm nay. Hàng năm, sau mỗi mùa mưa lũ, trước khi vào năm học mới, nhân dân địa phương lại góp nguyên vật liệu lấy từ núi rừng ra để sửa sang phòng học cho các cháu. Cổ Lũng là xã khó khăn nhất của huyện Bá Thước, không có kinh phí để xây dựng phòng học mầm non kiên cố cho bản Eo Điếu. Trong khi đó, đời sống nhân dân còn rất vất vả nên việc huy động nguồn kinh phí xã hội hóa là vô cùng khó khăn.

Chính quyền xã cũng đã nhiều lần đề nghị với huyện, tỉnh xây dựng phòng học mầm non kiên cố ở bản Eo Điếu. Tuy nhiên, đến nay cấp trên chưa giải quyết, vì lý do nguồn kinh phí kiên cố hóa trường lớp học đang gặp khó khăn. Ông Lò Văn Xuân kiến nghị: UBND xã và đồng bào bản Eo Điếu rất mong được sự quan tâm, hỗ trợ của các nhà hảo tâm trong, ngoài nước để xây dựng cho các cháu mầm non ở đây một phòng học kiên cố, nhằm đảm bảo an toàn cho các cháu vào mùa mưa lũ, ấm cúng vào mùa đông lạnh giá. Phòng học kiên cố này có thể là nơi ở cho các giáo viên cắm bản sau giờ lên lớp.

Thanh Hóa là tỉnh còn nhiều khó khăn về kinh tế với 11 huyện miền núi, trong đó có 7 huyện nghèo được hưởng Chương trình 30a. Theo thống kê của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 27.666 phòng học (từ mầm non đến THPT), trong đó có 1.232 phòng học tạm gồm: Mầm non có số phòng học tạm nhiều nhất là 1.033 phòng, tiểu học có 155 phòng, THCS có 44 phòng. Số phòng học tạm, tranh, tre, nứa lá chủ yếu là điểm trường lẻ ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Nguyễn Quỳnh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ket-noi/nhung-lop-hoc-tam-vung-sau-3368903-b.html