Những lý do không ngờ khiến hơi thở của bạn có mùi

Có nhiều nguyên nhân khiến hơi thở có mùi hôi như không duy trì vệ sinh răng miệng tốt, không đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, không điều trị sâu răng và không sử dụng nước súc miệng tốt...

Nhưng còn một số "thủ phạm" khác mà bạn không ngờ tới cũng khiến khuôn miệng xinh tươi bị "rau mùi".

Bỏ bữa sáng

Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi bạn bỏ bữa sáng, tuyến nước bọt trong miệng không tiết đủ nước bọt gây khô miệng. Khi miệng bị khô, nó tự động xuất hiện mùi hôi, khó chịu. Vì vậy, cần ăn bữa sáng lành mạnh.

Luyện tập ngoài trời quá nhiều

Theo thống kê của Hiệp hội Hô hấp châu Âu, các vận động viên có tỷ lệ mắc các vấn đề về hô hấp cao hơn so với người bình thường. Những người thường xuyên luyện tập ngoài trời thường mắc phải hen suyễn, thở khò khè, khô miệng tới 50%. Các nhà nghiên cứu cho biết nguyên nhân chính là không khí ngoài trời. Trong khi không khí trong lành rất tốt cho cơ thể, nhưng thời tiết lạnh vào mùa đông lại gây khô miệng, vào mùa xuân ấm áp thì dễ bị dị ứng phấn hoa và ô nhiễm. Điều này cho thấy hơi thở có mùi liên quan đến dị ứng, nghẹt mũi, khô miệng mãn tính. Do vậy, bạn nên hạn chế thời gian tập thể dục ngoài trời khi thời tiết lạnh, trong mùa dị ứng hoặc các khu vực bị ô nhiễm.

Nguy cơ mắc bệnh tim

Nghiên cứu của Hiệp hội Nha khoa Mỹ và Quốc tế cho thấy bệnh nướu răng và bệnh tim có liên quan chặt chẽ với nhau, viêm lợi là dấu hiệu cảnh báo sớm các vấn đề tim mạch. Một trong những triệu chứng chính của bệnh nướu răng là hơi thở hôi. Điều trị sớm căn bệnh này không chỉ giúp ngăn ngừa nướu răng mà còn cải thiện sức khỏe tim mạch.

Viêm amiđan

Một trong những dấu hiệu của viêm amiđan là hơi thở hôi. Nguyên nhân là do chúng tạo ra nhiều vi khuẩn hơn mức bình thường ở trong miệng khiến miệng trở nên nặng mùi. Cắt amiđan, phẫu thuật loại bỏ 2 tuyến mặt sau cổ họng có thể điều trị bệnh và ngăn ngừa hơi thở hôi, theo Học viện Phẫu thuật tai mũi họng Mỹ.

Không dùng chỉ nha khoa

Chúng ta thường đánh răng và sử dụng nước súc miệng, tuy nhiên, không có thói quen dùng chỉ nha khoa. Có rất nhiều mảnh vụn thức ăn bám vào các khe răng và có thể khiến vi khuẩn sinh sôi, gây hơi thở hôi.

Ăn thực phẩm gây hơi thở hôi

Những gì bạn ăn sẽ luôn có tác động trực tiếp đến sức khỏe và điều đó cũng đúng trong trường hợp hôi miệng. Bạn có thể gặp hơi thở hôi nếu ăn nhiều hành, tỏi, gia vị có mùi hăng, cá và thức ăn cay. Bạn có thể có hơi thở hôi sau khi uống đồ uống chua. Mùi hôi là kết quả do những thực phẩm này dính vào răng của bạn và trong môi trường này vi khuẩn sẽ phát triển và tạo mùi hôi. Một số người có thể có "hơi thở cetone" do dùng chế độ ăn kiêng có lượng tinh bột thấp. Thực hiện những điều chỉnh nhỏ cho chế độ ăn uống của bạn sẽ giúp giải quyết vấn đề này.

Sử dụng các sản phẩm thuốc lá

Một trong nhiều nguyên nhân gây hôi miệng là sử dụng các sản phẩm thuốc lá. Cả việc hút thuốc và nhai thuốc lá đều có thể gây hôi miệng, chủ yếu là vì bạn hít phải hàng ngàn chất hóa học thông qua hút thuốc lá. Bạn cũng có thể bị bệnh nướu răng và ung thư miệng nếu bạn không ngừng hút thuốc lá.

Dư thừa protein

Sử dụng những thực phẩm chứa nhiều protein hoặc các chế phẩm bổ sung vitamin giúp hình thành cơ bắp cũng có thể gây hơi thở hôi. Người ta khuyên rằng nên hạn chế hấp thu protein nếu bạn đang bị hơi thở hôi.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Mất nước

Theo Mayo Clinic, mất nước là nguyên nhân hàng đầu gây ra hơi thở có mùi chứ không phải vệ sinh răng miệng kém. Không uống đủ nước khiến thực phẩm bám vào răng miệng lâu hơn, gây ra mùi hôi. Vì vậy, bạn nên uống đủ nước sau khi ăn để hạn chế mất nước, ngoài ra có thể nhai kẹo cao su không đường cũng giúp kích thích dòng chảy của nước bọt.

Một số bệnh nghiêm trọng

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Colorado ở Boulder (Mỹ) cho biết hơi thở hôi cũng có thể là do khí phát sinh trong miệng, dấu hiệu của một số bệnh. Chẳng hạn, khí methylamine dư thừa trong miệng cảnh báo bệnh gan và thận, amoniac là dấu hiệu suy thận, nồng độ acetone cao cảnh báo bệnh tiểu đường hay mức oxit nitric là dấu hiệu của hen suyễn. Hiện tượng này còn có thể do căn bệnh ung thư cổ họng ác tính.

Nguy cơ sinh non

Phụ nữ mang thai cần đặc biệt chú ý đến mùi của hơi thở. Nếu hơi thở có mùi hôi, họ có nhiều khả năng sinh non hoặc thai nhi có cân nặng thấp. Đây là lý do tại sao bác sĩ thường khuyên phụ nữ nên kiểm tra sức khỏe răng miệng trước khi mang thai và vệ sinh răng miệng sạch sẽ trong thời kỳ mang thai.

Viêm loét dạ dày

Đau bụng, ợ nóng, khó ăn là những triệu chứng phổ biến của bệnh loét dạ dày. Tuy nhiên, một nghiên cứu trên tạp chí Y khoa vi sinh cho thấy vi khuẩn gây hôi miệng helicobacter pylori, cũng gây viêm loét dạ dày và chịu trách nhiệm cho phần lớn các bệnh ung thư dạ dày.

Bạn ăn nhiều bạc hà

Nhiều người cho rằng bạc hà có thể làm cho hơi thở thơm tho hơn, tuy nhiên đó lại là quan điểm sai lầm. Theo Hiệp hội Hóa học Mỹ, mùi hương bạc hà chỉ có khả năng loại bỏ mùi hôi nhất thời, đường trong các loại kẹo bạc hà lại làm cho hơi thở tồi tệ hơn. Các nhà khoa học khuyên bạn nên tập trung vào việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa, các thành phần giúp diệt vi khuẩn có hại như xylitol, vỏ cây mộc lan cũng được khuyên dùng. Đặc biệt các sản phẩm này cần không có đường.

Lạm dụng nước súc miệng

Nước súc miệng là sản phẩm có tác dụng giảm hôi miệng, và cũng có thể khiến tình trạng tồi tệ hơn. Hầu hết các loại nước súc miệng tiêu diệt vi khuẩn tạm thời, nhưng nếu bạn lạm dụng, chúng sẽ loại bỏ tất cả các vi khuẩn trong miệng, cả vi khuẩn có lợi. Khi miệng trở lại trạng thái bình thường sẽ có nguy cơ phát triển càng nhiều vi khuẩn xấu, càng làm tăng tình trạng hôi miệng.

Theo Tiền Phong

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nhung-ly-do-khong-ngo-khien-hoi-tho-cua-ban-rau-mui-d129632.html